(Thanhhoa.dcs.vn): Ngày 31/12/2023, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới kèm theo Nghị quyết số 225-NQ/CP.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW và Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Chính phủ. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới; nâng cao ý thức của người dân, người lao động, doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài; ngăn ngừa tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép, vi phạm pháp luật nước sở tại, cư trú bất hợp pháp; đổi mới về phương pháp, hình thức hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng người dân và xã hội. Thông tin đầy đủ, chính xác trên hệ thống thông tin truyền thông, mạng xã hội về thị trường lao động ở nước ngoài, trong đó tập trung vào các thị trường có điều kiện làm việc tốt, an toàn, mức lương cao đồng thời giúp nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tuyên truyền, phổ biến các chính sách của nhà nước trong việc hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài góp phần giảm nghèo, tăng thu nhập, nhất là đối với lao động ở nông thôn, địa bàn đặc biệt khó khăn; xây dựng các chuyên mục, chương trình chia sẻ những tấm gương, điển hình thành công sau khi đi làm việc ở nước ngoài để định hướng cho người lao động chủ động học tập nâng cao trình độ kỹ năng nghề, ngoại ngữ phù hợp với thị trường lao động ngoài nước và sau khi về nước.
Chính phủ chỉ rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo chặt chẽ, thống nhất, bao quát các nhóm đối tượng và tương thích với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến, mở rộng thị trường mới tiếp nhận lao động Việt Nam, trong đó ưu tiên các thị trường có điều kiện làm việc tốt, an toàn và có mức thu nhập cao. Có chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động, trong đó ưu tiên nhóm lao động là quân nhân xuất ngũ, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; phát triển và chuẩn hóa các bộ tiêu chuẩn trong giáo dục nghề nghiệp, tiếp cận chuẩn của các nước phát triển trong khu vực ASEAN và thế giới; chủ động đàm phán với bên nước ngoài trong việc công nhận bằng cấp, trình độ kỹ năng nghề, kinh nghiệm làm việc của người lao động.
Có giải pháp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người lao động nhằm ngăn ngừa, hạn chế tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài vi phạm pháp luật, cư trú bất hợp pháp; tăng cường cơ chế phối hợp thông tin kịp thời, hiệu quả về các vấn đề phát sinh của người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Có chính sách, cơ chế kết nối, hỗ trợ người lao động sau khi về nước tìm kiếm việc làm phù hợp, trong đó cần chú ý đến việc sử dụng hiệu quả, phát huy trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ và kinh nghiệm làm việc của người lao động. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối, tìm kiếm việc làm nhằm khắc phục khó khăn về khoảng cách địa lý, giảm bớt thời gian chuyển tiếp công việc và tiết kiệm chi phí xã hội.
Chính phủ yêu cầu phân công, phân cấp, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương, bảo đảm việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật. Xây dựng chiến lược đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; gắn chương trình, kế hoạch đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với định hướng, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, công tác ngoại giao kinh tế, quan hệ đối ngoại. Chủ động đề xuất đàm phán và ký kết thỏa thuận hợp tác về lao động với các quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm tạo cơ sở pháp lý trong công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Nghiên cứu đổi mới cách thức thực hiện và thường xuyên cập nhật nội dung giáo trình về giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Tăng cường công tác quản lý, bảo hộ công dân, ổn định và phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm; kịp thời cập nhật, phổ biến chính sách, pháp luật về lao động với các cơ quan chức năng trong nước và người lao động; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn người lao động tuân thủ pháp luật và giải quyết các vấn đề phát sinh trong thời gian người lao động làm việc ở nước ngoài.
Nâng cao chất lượng công tác dự báo trung và dài hạn về thị trường lao động quốc tế; chủ động đàm phán, trao đổi thông tin về nhu cầu tiếp nhận; gắn kết chặt chẽ khâu đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động quốc tế. Liên kết hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và các hệ thống cơ sở dữ liệu khác; quy định cơ chế cung cấp và bảo mật dữ liệu giữa các ngành lao động - thương binh và xã hội, ngoại giao, công an với các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp có liên quan; nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu, dữ liệu đảm bảo vận hành ổn định, thông suốt và đáp ứng nhu cầu quản lý lực lượng lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới; nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ mới vào việc phân tích dữ liệu và dự báo tác động chính sách. Thông tin công khai, minh bạch về thị trường lao động, thủ tục, điều kiện tiếp nhận lao động và các khoản chi phí đối với người lao động; đàm phán với bên nước ngoài để tăng cường hỗ trợ chi trả hoặc cắt giảm các khoản phí trong việc tiếp nhận người lao động Việt Nam sang làm việc, hướng đến giảm chi phí cho người lao động.
Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; kịp thời phát hiện và đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, nhất là các hành vi lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để trục lợi, mua bán người, tổ chức, môi giới cho người Việt Nam xuất cảnh trái phép hoặc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nghiên cứu giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc móc nối, lôi kéo người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài tham gia hoạt động vi phạm pháp luật, lợi dụng các vấn đề phức tạp, nhạy cảm để chống phá Đảng và Nhà nước; có cơ chế nắm bắt, quản lý thông tin về quá trình người Việt Nam thực hiện hợp đồng ở nước ngoài gắn với trách nhiệm quản lý của các doanh nghiệp liên quan. Nghiên cứu đổi mới cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin, ý kiến phản ảnh của người lao động, doanh nghiệp và nhân dân theo hướng nhanh chóng, thuận tiện, đúng thời hạn theo quy định.
Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền việc triển khai thực hiện Chỉ thị và triển khai thực hiện Kế hoạch này, đảm bảo hiệu quả. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu cần thiết sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể tại Kế hoạch, các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan chủ động thông báo, trao đổi để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định...