(Thanhhoa.dcs.vn): Thực hiện Chương trình giám sát và phản biện xã hội năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tổ chức Đoàn Giám sát tiến hành giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân năm 2023 tại UBND huyện Như Thanh (giám sát trực tiếp) và UBND thành phố Thanh Hóa (giám sát thông qua nghiên cứu văn bản).

Theo báo cáo của Đoàn Giám sát, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn huyện Như Thanh và thành phố Thanh Hóa đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, đi vào nền nếp, có nhiều chuyển biến rõ nét. Tổ chức, bộ máy làm công tác tiếp công dân được củng cố, kiện toàn; việc tiếp nhận, xử lý và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân đã được thực hiện đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản liên quan. Kết quả giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân được thông báo đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định. Việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật được quan tâm đúng mức, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của một số xã, phường, thị trấn, ở từng thời điểm chưa quan tâm đúng mức, chưa thực hiện đầy đủ số lần tiếp công dân của Chủ tịch UBND (cấp huyện 2 lần/tháng, cấp xã 2 lần/tuần), chất lượng tiếp công dân còn hạn chế; chưa thường xuyên kiện toàn về tổ chức, sửa đôi, bổ sung quy chế của Ban tiếp công dân. Công tác tiếp dân ở một số đơn vị cấp xã chưa thực sự gắn với hướng dẫn, đối thoại để giải quyết đơn thư; việc phân loại, xử lý đơn, xác định thẩm quyền, thực hiện trình tự, thủ tục giải quyết đối với một số vụ việc chưa đầy đủ, phân công nhiệm vụ xử lý chưa cụ thể, rõ ràng, hồ sơ lưu trữ vụ việc chưa bảo đảm. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn ít; chưa làm tốt vai trò nắm bắt tâm tư, những vấn đề bức xúc, đề xuất thực hiện hòa giải đối với một số vụ tranh chấp ngay từ cơ sở. Việc nắm bắt tình hình, tư tưởng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân chưa được triển khai thường xuyên, hiệu quả dẫn đến vẫn còn tồn đọng khiếu kiện đông người, kéo dài. Một số vụ việc dù đã được giải quyết đúng quy định của pháp luật, có kết luận của các cơ quan thẩm quyền nhưng công dân vẫn tiếp tục gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến nhiều cấp, nhiều nơi không đúng quy định. Năng lực của đội ngũ làm công tác tiếp công dân, tiếp nhận, tham mưu xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân ở cơ sở còn hạn chế, việc phân loại và xử lý, giải quyết nhiều vụ việc còn lúng túng, hướng dẫn, trả lời cho công dân chưa đầy đủ, kịp thời. Công tác thông tin báo cáo về tình hình khiếu nại, tố cáo, kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo một số đơn vị chưa hạn chế nên ảnh hưởng đến công tác lãnh, chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo chung. Kinh phí thực hiện công tác tiếp công dân, tiếp nhận, tham mưu xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân chưa được quan tâm đúng mức. Một số địa phương chưa thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn theo quy định. Trụ sở tiếp dân của huyện và địa điểm tiếp công dân ở một số đơn vị còn thiếu về diện tích. Hiện nay trong tiếp công dân, phân loại, xử lý và giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh chưa quy định cụ thời hạn thụ lý và thời hạn giải quyết, do vậy gây khó khăn, vướng mắc trong giải quyết giữa người có đơn và người giải quyết đơn, dễ dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết mà không có lý do chính đáng.

Trước thực trạng trên, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã kiến nghị, đề xuất một số nội dung như sau:

(1) Đối với Trung ương:

Tiếp tục tăng cường rà soát, sửa đổi bổ sung chính sách pháp luật hiện hành, đặc biệt là các quy định liên quan đến những lĩnh vực phát sinh nhiều đơn thư, khiếu kiện, như: Đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư, chế độ chính sách... Để đảm bảo hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện.

Đề nghị tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, giám sát trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; qua kết quả kiểm tra, giám sát để chỉ đạo, kiến nghị kịp thời đến cơ quan thẩm quyền xem xét, điều chỉnh các quy định, cơ chế chính sách để khắc phục những khó khăn vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện ở địa phương.

(2) Đối với UBND tỉnh:

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu rà soát, sửa đổi bổ sung quy định về hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở cho hộ gia đình cá nhân trên địa bàn tỉnh (theo Quyết định số 4463/2014/QĐ-UBND ngày 12/12/2014) để thống nhất tổ chức thực hiện do còn nhiều thiếu sót, bất cập, đang còn có ý kiến, cách hiểu khác nhau ở các địa phương trong tỉnh nói chung và trên địa bàn Thành phố nói riêng (hiện trên địa bàn tỉnh có đến 70% các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, cụ thể là về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, cấp GCNQSD đất; riêng thành phố Thanh Hóa có hơn 80%).

Bố trí đủ số lượng và thường xuyên tập huấn kiến thức pháp luật về tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố nâng cao tinh thần trách nhiệm trong giải quyết đơn thư của công dân, trả lời cơ quan có văn bản chuyển đơn đề nghị giải quyết theo thẩm quyền. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư tại các địa phương, đặc biệt là ở địa bàn hay xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp, tồn đọng, kéo dài.

Tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo sở, ban, ngành chuyên môn hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để UBND các huyện, thị xã, thành phố giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài của các địa phương trong tỉnh.

(3) Đối vi Chủ tịch UBND và UBND huyện Như Thanh, Chủ tịch UBND và UBND thành phố Thanh Hóa:

Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung khi Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh ban hành Kiến nghị sau giám sát việc thực hiện pháp luật về công tác tiếp cồng dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân tại địa phương.

Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tuyên truyền pháp luật trong Nhân dân, trọng tâm, như: Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các Nghị định của Chính phủ (Nghị định số 64/2014/ND-CP, Nghị định số 124/2020/NĐ-CP, Nghị định số 31/2019/NĐ-CP, Nghị định số 59/2023/NĐ-CP...) góp phần nâng cao nhận thức, chấp hành pháp luật, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng, bảo đảm số lần tiếp công dân của Chủ tịch UBND các cấp; việc thực hiện quy trình tiếp nhận, giải quyết đơn thư; công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, đầu tư, trật tự xây dựng, việc thực hiện các chính sách...; thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền, gắn công tác tiếp dân với hướng dẫn, đối thoại; quan tâm giải quyết các đơn tồn đọng, hạn chế các vụ việc khiếu kiện kéo dài; coi đây là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, của người đứng đầu địa phương, đơn vị; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân, công tác hòa giải ở cơ sở, không để trở thành điểm nóng, bức xúc.

Chỉ đạo UBND cấp xã, phối hợp với ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nắm chắc tình hình Nhân dân, dư luận xã hội để kịp thời xem xét, giải quyết.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)