(Thanhhoa.dcs.vn): Theo thông tin cập nhật từ Hệ thống quản lý dịch bệnh động vật Việt Nam (VAHIS) - Cục Thú y; từ đầu năm 2024 đến nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn cả nước đang có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã xảy ra 44 ổ dịch tại 16 tỉnh, thành phố; bệnh Cúm gia cầm xảy tại 02 tỉnh; bệnh Viêm da nổi cục xảy ra tại tỉnh Tiền Giang; bệnh Dại động vật xảy ra tại 06 tỉnh, thành phố làm 03 người tử vong. Nhận định nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xâm nhập, bùng phát trên đàn vật nuôi vào những tháng đầu năm 2024 là rất cao, do một số nguyên nhân sau: (1) Thanh Hóa có tổng đàn gia súc, gia cầm chiếm số lượng lớn (đàn lợn: 1,3 triệu con; đàn gia cầm: 26,5 triệu con; đàn bò: 265 nghìn con; đàn trâu: 170 nghìn con), tuy nhiên hình thức chăn nuôi theo quy mô nông hộ nhỏ lẻ vẫn còn chiếm đa số; (2) Các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật tăng mạnh, khó kiểm soát để phục vụ nhu cầu trong thời gian trước, trong và sau Tết Giáp Thìn; (3) Dịch bệnh phức tạp đã và đang diễn ra tại 03 tỉnh tiếp giáp với Thanh Hóa: Ninh Bình, Hòa Bình, Sơn La; (4) Một số nơi có tình trạng chủ quan, lơ là, nhiều khó khăn trong việc triển khai phòng, chống dịch bệnh nhất là việc tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng bệnh ở một số đơn vị đạt tỷ lệ thấp; (5) Đặc biệt đang trong giai đoạn thời tiết rét đậm, rét hại làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh tồn tại, phát triển rộng và gây ra dịch bệnh đặc biệt là vi rút gây bệnh DTLCP, Cúm gia cầm, VDNC…
Để chủ động tổ chức kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra diện rộng, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn 527/SNN&PTNT-CNTY đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung các nguồn lực và khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định của Luật thú y, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, của UBND tỉnh, đặc biệt là Kế hoạch số 282/KH-UBND ngày 16/11/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, động vật thủy sản và tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024; trong đó tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nội dung sau:
1. Tăng cường thông tin, tuyên truyền thường xuyên trên Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa, Hệ thống Đài phát thanh Truyền hình huyện, thị xã, thành phố; Đài phát thanh xã, phường, thị trấn để nâng cao nhận thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản; công tác tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm và công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
2. Khẩn trương tổ chức phân công lực lượng tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận thôn, bản, khu phố, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng.
3. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; hằng ngày vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; có biện pháp ngăn chặn các loài véc tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài này.
4. Rà soát, tổ chức công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2024 đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 282/KH-UBND ngày 16/11/2023; tập trung tổ chức “Năm cao điểm thực hiện công tác tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024” theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 300/UBND-NN ngày 08/01/2024.
5. Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép; chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm
6. Triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh và hiệu quả chăn nuôi.
7. Chủ động từ ngân sách dự phòng hỗ trợ công tác phòng dịch đặc biệt là công tác tiêm phòng; có kế hoạch dự phòng chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, vật tư, hoá chất, để chủ động phòng chống dịch khi có dịch xảy ra.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y tập trung phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo Kế hoạch số 282/KH-UBND của UBND tỉnh; chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh gia súc, gia cầm ngay từ khi mới xảy ra, không để lây lan diện rộng; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt là công tác giám sát dịch bệnh, công tác quản lý chăn nuôi an toàn sinh học, công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng, công tác kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ và các biện pháp xử lý các ổ dịch; thành lập các đoàn công tác, đội phản ứng nhanh để kiểm tra, hướng dẫn xử lý dứt điểm các ổ dịch ngay khi mới xuất hiện./.