Sáng 22/2, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị duyệt nội dung, chương trình Đại hội đại biểu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024-2029. Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Đào Xuân Yên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Trần Văn Hải, Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh.
Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị.
Đại hội đại biểu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024-2029 dự kiến diễn ra vào ngày 27 và 28/3/2024. Dự thảo báo cáo tổng kết hoạt động gồm 2 phần. Phần thứ nhất đánh giá những kết quả đạt được của nhiệm kỳ 2018-2023 trong công tác củng cố, phát triển tổ chức; thực hiện các nhiệm vụ chính trị nhằm tập hợp, đoàn kết và vận động trí thức khoa học và công nghệ; thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội...
Các đại biểu dự hội nghị.
Báo cáo cũng đã phân tích những tồn tại, hạn chế; nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, đồng thời rút ra 4 bài học kinh nghiệm.
Phần thứ 2 là mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhiệm kỳ 2024-2029. Trong đó, phương châm của nhiệm kỳ là: “Đoàn kết - Sáng tạo - Đổi mới - Phát triển”; đồng thời đề ra các chỉ tiêu hằng năm và chỉ tiêu đến hết nhiệm kỳ; 3 nhiệm vụ, giải pháp lớn và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu...
Đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa trình bày dự thảo nội dung, chương trình Đại hội
Các đại biểu dự hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến nhằm hoàn chỉnh báo cáo trình Đại hội, trong đó các ý kiến thảo luận tập trung làm rõ những kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ 2018-2023; các mục tiêu, chương trình, giải pháp cho nhiệm kỳ tới; đồng thời đề nghị điều chỉnh một số công việc cụ thể trong dự kiến chương trình Đại hội đảm bảo hợp lý, khoa học.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Đồng chí Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Đồng chí Trần Văn Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên đánh giá cao công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024-2029. Trong đó, Đảng đoàn, Thường trực, Ban Thường vụ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa đã thể hiện nghiêm túc, cầu thị, cầu toàn đối với Đại hội với tinh thần xác định hướng đi một cách thiết thực, hiệu quả của Liên hiệp các Hội và các tổ chức hội viên cho cả nhiệm kỳ; đồng thời thể hiện vai trò của các tổ chức hội đối với sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
Đồng chí đề nghị Thường trực, Ban Thường vụ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa tiếp thu đầy đủ những ý kiến xác đáng của các đồng chí lãnh đạo tỉnh tại hội nghị để hoàn thiện nội dung, chương trình Đại hội.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên kết luận hội nghị.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng cho ý kiến cụ thể vào chương trình Đại hội; báo cáo trình Đại hội đại biểu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024-2029. Trong đó, về phần những kết quả đạt được cần được thể hiện lại nhằm khẳng định công tác tổ chức bộ máy, phát triển hội viên được đặc biệt quan tâm và có chuyển biến tiến bộ. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa đã làm tốt vai trò tập hợp, đoàn kết, vận động đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và phát huy vai trò thành viên của MTTQ. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa đặc biệt coi trọng, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghề nghiệp góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Bên cạnh đó, báo cáo cần đánh giá thêm: Thanh Hóa có lực lượng trí thức, khoa học và công nghệ đông; do đó cũng cần đánh giá thêm tỷ lệ tập hợp đội ngũ trí thức này vào Liên hiệp các Hội và vào các hội chuyên ngành. Đồng thời, cũng cần đánh giá về tổ chức bộ máy Liên hiệp các Hội và các Hội thành viên ngày càng được quan tâm kiện toàn và phát triển; về tổ chức hoạt động của các hội thành viên. Kết quả về đội ngũ trí thức, khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đội ngũ trí thức, khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên của đất nước.
Các đại biểu dự hội nghị.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ; công tác xã hội hoạt động trên các lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; hoạt động khuyến khích, thúc đẩy phong trào sáng tạo khoa học và công nghệ... là nhiệm vụ trọng tâm công tác của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa, của các thành viên và đội ngũ trí thức. Do đó, đề nghị báo cáo cần đánh giá sâu sắc hơn về kết quả làm được và nêu ra một số nhiệm vụ có tác động đến việc ban hành chính sách, đến sự phát triển kinh tế-xã hội mà trong nhiệm kỳ đã hoàn thiện. Đồng thời cần nêu rõ những việc gì, mô hình kỹ thuật nào hoạt động tốt nhất tác động đến sản xuất, cuộc sống người dân, đến động lực phát triển trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, cũng nêu bật những kết quả nổi bật trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong đội ngũ trí thức; đồng thời nêu bật được những công trình nào đã được đưa vào sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống.
Đồng chí cũng phân tích làm rõ một số tồn tại, hạn chế cần phải được đưa vào báo cáo để có giải pháp khắc phục như: Tỷ lệ tập hợp đội ngũ trí thức, khoa học và công nghệ chưa tương xứng với số lượng thực tế; hoạt động và chất lượng hoạt động của các tổ chức hội thành viên chưa cao; kết quả nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao chưa nhiều, chưa đóng góp và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; chất lượng phản biện của một số tổ chức hội thành viên khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước chưa cao, chưa thật sự thuyết phục...
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thống nhất về những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế được nêu trong dự thảo báo cáo, đồng thời để nghị cần chỉ ra nguyên nhân về một số tổ chức hội, thành viên chưa thật sự đổi mới hoạt động; chất lượng tư vấn, phản biện chưa sâu; vẫn còn tình trạng trông chờ, ỷ lại trong hoạt động. Đồng chí cũng đã cho ý kiến vào phương châm của nhiệm kỳ và các chỉ tiêu cụ thể, đồng thời đề nghị cần nâng chỉ tiêu về kết nạp hội thành viên và đơn vị liên kết.
Cho ý kiến về nhiệm vụ, giải pháp, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị báo cáo cần bổ sung thêm giải pháp về đổi mới phương thức hoạt động để tạo sự hấp dẫn thu hút hội viên, nhất là đội ngũ trí thức, khoa học và công nghệ trong và ngoài tỉnh là người Thanh Hóa; từ đó khơi dậy được lòng yêu quê hương, say mê cống hiến để đóng góp cho sự phát triển của tỉnh. Cùng với đó, trong điều kiện hiện nay thì phải đặc biệt coi trọng nhiệm vụ triển khai ứng dụng, chuyển giao thành tựu khoa học và công nghệ mới trên thế giới và của đất nước vào thực tiễn của tỉnh. Trong đó, cần nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao để nâng cao năng suất gắn với chế biến trong ngành nông nghiệp. Đồng thời xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng và yêu cầu thị trường trên địa bàn; quy trình cách thức phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm...