(Thanhhoa.dcs.vn): Ngày 27/02/2024, tại Trung tâm Hội nghị 25B, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân giai đoạn 2019 - 2024. Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh dự và phát biểu tại Hội nghị. Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Thanh Hóa xin giới thiệu lược ghi phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu chỉ đạo  hội nghị. (Ảnh:baothanhhoa.vn)

Thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân; 5 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương tăng cường cán bộ, sĩ quan Bộ đội Biên phòng cho các xã biên giới và phát triển đảng viên, chi bộ đảng ở các bản vùng sâu, vùng xa của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; chủ trương tổ chức đỡ đầu các đơn vị Biên phòng theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp, các chương trình, đề án về phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, kết hợp với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, đối ngoại; ưu tiên phân bổ ngân sách và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu vực biên giới, nhất là hạ tầng giao thông, điện, trường học... Hoạt động “Ngày Biên phòng toàn dân” đi vào nền nếp, trở thành hoạt động thường xuyên trong đời sống nhân dân khu vực biên giới. Nhân ngày Biên phòng toàn dân 03/3 hằng năm, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh, nhất là địa bàn biên giới, ven biển đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa hướng về biên giới, biển đảo, như: Tuyên truyền pháp luật; phát động các phong trào thi đua, cuộc vận động; tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, trò chơi dân gian, khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng nhà Đại đoàn kết, mô hình sinh kế... Thông qua các hoạt động, nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của công tác biên phòng ngày càng được nâng lên; đã huy động và phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, tạo sự ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân; đồng thời, củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa Bộ đội Biên phòng và Nhân dân.

Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng biên giới, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đối ngoại với các địa phương của tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào; tổ chức tốt các hoạt động “Ngày Biên phòng toàn dân”, với nhiều hình thức, biện pháp huy động sức mạnh tổng hợp của Nhân dân tham gia, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định lâu dài trong nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Thông qua các phong trào thi đua, các mô hình tự quản, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng bảo vệ biên giới quốc gia. Đó là Đồn Biên phòng Trung Lý với rất nhiều hoạt động tuần tra kiểm soát bảo vệ đường biên, mốc giới và đối ngoại Biên phòng; phân công 36 đảng viên phụ trách các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổ chức nhiều hoạt động an sinh xã hội, xóa mù chữ cho Nhân dân trên địa bàn. Là đồng chí Lương Thị Lưu, Bí thư Đảng ủy xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân - Người đã có nhiều nỗ lực cố gắng trong tổ chức “Ngày Biên phòng toàn dân”, tổ chức tốt phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia ở cơ sở, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc. Là tấm gương Người bảo vệ cột mốc Ngân Văn Thuân ở bản Xắng Hằng, xã Yên Khương, huyện Lang Chánh, cùng nhiều tấm gương tiêu biểu khác, thực sự là những "cột mốc sống", góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc tổ chức Ngày Biên phòng toàn dân vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế như trong Báo cáo, cũng như ý kiến phát biểu của các đại biểu tại Hội nghị, đáng chú ý là: Chất lượng tổ chức các hoạt động chưa đồng đều giữa các khu dân cư; nhiều nơi mới thực hiện tốt phần lễ, chưa chú trọng phần hội, chưa tổ chức được nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang bản sắc địa phương. Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia có lúc, có nơi còn hình thức; công tác vận động, thu hút Nhân dân tham gia phong trào bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới một số nơi hiệu quả chưa cao; hoạt động của một số mô hình tự quản hiệu quả thấp; an ninh trật tự khu vực biên giới, biển đảo có lúc còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Hoạt động đỡ đầu cho các đơn vị Biên phòng, giúp đỡ Nhân dân các xã biên giới còn hạn chế...

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, ông cha ta đã đúc kết thành nhiều bài học quý báu, đó là: “Dựng nước đi đôi với giữ nước”; “Giữ nước từ khi nước chưa nguy”, có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh, xung đột, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Những bài học đó vẫn còn nguyên giá trị và có tính thời sự sâu sắc đến hôm nay, nhất là trong những năm gần đây, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo diễn ra ở nhiều nơi. Các nước lớn tiếp tục điều chỉnh chiến lược, cạnh tranh quyết liệt; tận dụng ưu thế về kinh tế, quân sự, khoa học - công nghệ, sử dụng “sức mạnh mềm”, “biên giới mềm”, không gian vũ trụ, không gian mạng để đẩy mạnh can dự, gây sức ép về chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, xâm phạm biên giới địa lý của các quốc gia khác, thậm chí mưu toan “vẽ lại” đường biên giới. Chủ nghĩa cường quyền áp đặt, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, làn sóng di dân khi có tình huống khủng hoảng ở các nước láng giềng... tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền lãnh thổ và công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Đối với tỉnh ta, khu vực biên giới, biển đảo là địa bàn rộng lớn và trọng yếu, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh; là địa bàn mà các thế lực thù địch trong và ngoài nước tập trung chống phá. Đây cũng là nơi kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp. Tình trạng di cư tự do, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp; tội phạm về ma túy, tội phạm xuyên quốc gia, xuyên biên giới, tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại... tiếp tục gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó kiểm soát. 

Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, cùng với việc quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện đầy đủ phương hướng, nhiệm vụ đã được nêu trong Báo cáo, đặc biệt là ý kiến phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị của đồng chí Phó Chính uỷ Bộ đội Biên phòng Việt Nam; thời gian tới, tôi đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, đặc biệt là cấp ủy, chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, trọng tâm là Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”; Luật Biên giới quốc gia; Luật Biên phòng Việt Nam; Quy chế biên giới giữa Việt Nam và các nước…

Địa bàn biên giới, vùng biển có vị trí chiến lược quan trọng, là “tuyến đầu”, “cửa ngõ”, “phên dậu” của Tổ quốc. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần thống nhất quan điểm: Biên giới quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị. Thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, phát huy sức mạnh của toàn dân, trong đó Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách, lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng để bảo vệ và giữ vững biên giới quốc gia.

Thứ hai, tiếp tục quán triệt sâu sắc, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và các nội dung của Ngày Biên phòng toàn dân, về nhiệm vụ bảo vệ biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, phát triển. Tập trung tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng của quê hương; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, mạng xã hội để đạt được hiệu quả cao nhất.

Cấp ủy chi bộ, Trưởng các thôn, bản, khu dân cư, cùng các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng nòng cốt đề cao vai trò, trách nhiệm trong tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, thông qua các buổi hội, họp, sinh hoạt ở thôn, bản, khu phố; vận động các hộ gia đình tham gia các mô hình tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc, các tổ an ninh trật tự, ký cam kết làm nhiều việc tốt về an ninh trật tự và không vi phạm pháp luật để mỗi người dân là một "cột mốc sống" trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Thứ ba, tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, đối ngoại, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân khu vực biên giới. Các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên bố trí ngân sách và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu vực biên giới. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, gắn việc thực hiện các phong trào, cuộc vận động như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động "Xây dựng nông thôn mới"… Đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc, bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt, nhân rộng những mô hình tiêu biểu, đưa phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia phát triển sâu rộng, vững chắc với chất lượng và hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thứ tư, Ngày Biên phòng toàn dân được tổ chức tại mỗi cộng đồng dân cư, do vậy, để đạt hiệu quả cao nhất khi có sự tham gia của đông đảo tầng lớp Nhân dân sinh sống ở khu vực biên giới, biển đảo. Muốn vậy, cần phải đổi mới tư duy trong tổ chức, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc, đồng thời phát huy sự sáng tạo của mỗi thôn, bản, khu dân cư, tùy theo đặc điểm của từng nơi để tổ chức cho phù hợp, bảo đảm trang trọng, thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức. Chú trọng hình thức tổ chức liên khu dân cư, tổ chức tập trung trên địa bàn toàn xã, nhằm tạo điều kiện trao đổi, học tập lẫn nhau, tạo sự gắn bó, đoàn kết giữa các dân tộc. Từng bước giảm thiểu thời gian tổ chức phần lễ, đưa nội dung của phần lễ trong thực hiện công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua triển lãm không gian ảnh, hội thi văn hóa, văn nghệ,... Dành thời gian để tổ chức các diễn đàn trao đổi xây dựng cộng đồng dân cư phát triển; bàn biện pháp tiếp tục nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, cuộc vận động và các mô hình tự quản tại cộng đồng; tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, các hoạt động văn hóa, thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống, các hoạt động văn hóa cộng đồng, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự...

Thứ năm, Bộ đội Biên phòng tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, chủ động, linh hoạt, sáng tạo tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và tổ chức Ngày Biên phòng toàn dân. Tăng cường hơn nữa mối liên hệ gắn bó với Nhân dân; thực hiện “3 bám, 4 cùng” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào) trong tuyên truyền, vận động Nhân dân; tiếp tục tăng cường cán bộ, sĩ quan cho các xã biên giới; giới thiệu đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản và phân công đảng viên phụ trách các hộ gia đình khó khăn, nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, phát triển đảng viên mới, tăng cường bám dân, bám địa bàn, gần dân, hiểu dân và giúp dân trong lao động sản xuất. Quan tâm chăm lo xây dựng Bộ đội Biên phòng, các đơn vị đóng quân ở khu vực biên giới vững mạnh toàn diện. Duy trì thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp giữa các lực lượng quân sự, công an, biên phòng và các ngành chức năng trong xử lý, giải quyết các vụ việc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực biên giới Việt Nam - Lào, Thanh Hóa - Hủa Phăn hoà bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.