(Thanhhoa.dcs.vn): Ngày 19/01/2024, Báo điện tử Dân trí có bài viết “Bỗng nhiên mắc nợ vì nhiệt tình làm... sản phẩm thế mạnh”, phản ánh việc sau khi hoàn thành thủ tục, hồ sơ công nhận sản phẩm OCOP, nhiều chủ thể sản phẩm thế mạnh tại huyện Quảng Xương vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. UBND huyện Quảng Xương đã chỉ đạo kiểm tra, xác minh, kết quả như sau:

Huyện Quảng Xương có chính sách khuyến khích các hộ dân tham gia xây dựng sản phẩm OCOP năm 2023 với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/sản phẩm OCOP đạt 3 sao; 100 triệu đồng/sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 50 triệu đồng/sản phẩm được công nhận lại. HĐND tỉnh có chính sách hỗ trợ một lần với mức 75 triệu đồng/sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; khen thưởng một lần với mức 20 triệu đồng/sản phẩm đạt 3 sao, 40 triệu đồng/sản phẩm đạt 4 sao, 80 triệu đồng/sản phẩm đạt 5 sao.

Trong năm 2023, có 12/12 sản phẩm OCOP đã được Chủ tịch UBND huyện phê duyệt hỗ trợ (10 sản phẩm công nhận mới và 02 sản phẩm công nhận lại) với tổng số tiền 600 triệu đồng; việc hỗ trợ chậm do sau khi sản phẩm được công nhận   OCOP, các chủ thể gặp khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được hưởng chính sách hỗ trợ, nhiều hồ sơ bị thiếu, chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ hỗ trợ. Đối với chính sách hỗ trợ của tỉnh, đã có 01 sản phẩm OCOP đạt 3 sao được hỗ trợ; các sản phẩm còn lại, đến ngày 19/12/2023, UBND tỉnh ban hành quyết định giao dự toán ngân sách năm 2024, trong đó bố trí 375 triệu đồng chi hỗ trợ cho 05 sản phẩm (trong khi huyện đề nghị hỗ trợ 09 sản phẩm); đến nay, địa phương đang thực hiện các bước tiếp theo để hỗ trợ theo quy định.

UBND huyện Quảng Xương đã chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND các xã, thị trấn để xảy ra tình trạng trên nghiêm túc rút kinh nghiệm; tăng cường công tác quản lý, điều hành Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất trong việc hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ của nhà nước theo đúng quy định.

(Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)