(Thanhhoa.dcs.vn): Ngày 01/02/2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 1631/UBND-CNTT về việc tăng cường công tác quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động quảng cáo, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ cấm, vi phạm pháp luật; bảo đảm an toàn, an ninh mạng trên địa bàn tỉnh.

Theo nội dung Văn bản: Thời gian qua, trên không gian mạng xuất hiện nhiều loại hình quảng cáo trực tuyến vi phạm pháp luật được thực hiện thông qua các phương thức khác nhau, cụ thể:

(1) Lợi dụng các tính năng về “theo dõi hành vi, thói quen người sử dụng” trên mạng xã hội để hình thành những hội nhóm cùng thói quen, cùng sở thích... từ đó đăng tải các nội dung quảng cáo vi phạm pháp luật như văn hóa phẩm đồi trụy, mở bán các hàng hóa nhạy cảm (bóng cười, thuốc lá điện tử, cần sa...); thông qua các người có ảnh hưởng trên không gian mạng (KOLs) để quảng cáo kinh doanh đa cấp, bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, kêu gọi đầu tư tiền ảo, đánh bạc, bạo lực, ảnh hưởng tiêu cực đến người xem, tác động đến tâm lý của giới trẻ, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên; đăng tải nội dung cắt ghép hình ảnh, âm thanh, giả mạo lương y, bác sĩ có uy tín trong lĩnh vực y tế để quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh, quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng giả mạo, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc kích dục... nhằm thu lợi bất chính, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.

(2) Các đối tượng sử dụng thiết bị công nghệ cao giả mạo các trạm thu, phát sóng viễn thông (BTS) của các nhà mạng viễn thông hoặc lợi dụng trên nền tảng nhắn tin trực tuyến OTT (Zalo, Viber, Line) để phát tán số lượng lớn các tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo, website khiêu dâm, đồi trụy, lừa đảo, đánh bạc trực tuyến....; sử dụng sim rác, sim không chính chủ, mạo danh cơ quan nhà nước gọi điện thoại để quảng cáo bán hàng, gây bức xúc trong dư luận.

(3) Các website của nhiều cơ quan nhà nước, sở, ngành tồn tại các lỗ hổng bảo mật, tiềm ẩn nguy cơ lộ lọt bí mật nhà nước, bị các đối tượng khai thác để chèn đường dẫn quảng cáo “bẩn” (liên kết được trả về từ các website cá độ bóng đá, đánh bạc trực tuyến hoặc bản tin mà các đối tượng muốn đăng tải).

(4) Hệ thống quảng cáo màn hình điện tử tại các khu vực công cộng (bến xe, nhà ga, sân bay, siêu thị, trong thang máy chung cư, quảng trường...) được kết nối, điều khiển thông qua hệ thống wifi, mạng internet tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro bị tin tặc tấn công, can thiệp chèn quảng cáo có nội dung vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng về mặt truyền thông.

Ngoài ra, thời gian gần đây các nhà cái tổ chức đánh bạc ở nước ngoài cấu kết với các đối tượng trong nước tiến hành hoạt động quảng cáo truyền thống như viết, vẽ tên trang website đánh bạc, đường liên kết website lên ghế đá, tường ở các khu vực công cộng, dán lên xe ô tô, trên các bảng quảng cáo khổ lớn, biển hiệu nhà hàng, quán ăn... tạo dư luận xấu trong quần chúng nhân dân, vi phạm pháp luật về quảng cáo.

Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực thông tin, truyền thông, văn hóa, y tế và an toàn thông tin mạng, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với đơn vị có liên quan rà soát, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về quảng cáo trên không gian mạng, tập trung vào một số lĩnh vực nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận xã hội như quảng cáo hàng hóa, dịch vụ bị cấm, quảng cáo đánh bạc, mua bán vũ khí vật liệu nổ, ma túy, mại dâm…; rà soát, phát hiện, cảnh báo và tiếp nhận thông tin cảnh báo an toàn, an ninh mạng, lỗ hổng bảo mật trên cổng/trang thông tin điện tử có đuôi “.gov.vn” của các đơn vị trong tỉnh để phối hợp xử lý, khắc phục, không để các đối tượng xấu lợi dụng tấn công, khai thác, chèn quảng cáo, phát tán nội dung độc hại, vi phạm pháp luật, gây mất an toàn, an ninh mạng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý thuê bao đi động và cung cấp nội dung thông tin trên mạng.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động quảng cáo trực quan theo quy định của pháp luật; phối hợp với các ngành, địa phương rà soát, chấn chỉnh tình trạng quảng cáo, viết, vẽ lên tường, ghế đá, quảng cáo trên màn hình điện tử tại các khu vực công cộng và quảng cáo trên các phương tiện giao thông công cộng.

3. Sở Y tế nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành nghề y, dược; thường xuyên cập nhật, công khai trên trang thông tin điện tử ngành Y tế danh sách người hành nghề, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược đã được cấp phép, cơ sở thẩm mỹ; phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo theo quy định của pháp luật.

4. UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh việc chấp hành quy định pháp luật về quảng cáo trên địa bàn, nhất là việc quảng cáo ngoài trời các khu vực công cộng; tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo đúng quy định.

5. Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về quảng cáo, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động quảng cáo, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ cấm, vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh.

6. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng các phóng sự, tin, bài tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về quy định pháp luật trong hoạt động quảng cáo.

Yêu cầu các sở, ngành, đơn vị nêu trên tổ chức triển khai thực hiện; nếu có khó khăn vướng mắc liên hệ với Sở Thông tin và Truyền thông để được hướng dẫn hoặc tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh những vấn đề vượt thẩm quyền.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)