(Thanhhoa.dcs.vn): Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 doanh nghiệp được cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, giảm 01 doanh nghiệp so với đầu năm 2023. Tổng số lao động sử dụng tại các doanh nghiệp này là 2.307 người (trong đó: số lao động làm việc tại doanh nghiệp cho thuê lại lao động là 1.063 người; số lao động cho thuê lại là 1.244 người). Số doanh nghiệp đang thuê lại lao động là 55 doanh nghiệp (gồm: 52 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và 03 doanh nghiệp ngoài tỉnh). Nhìn chung, các doanh nghiệp cho thuê lại lao động đã thực hiện nghiêm túc việc ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động tại các ngân hàng, mức tiền ký quỹ là 02 tỷ đồng; thời gian ký quỹ cùng với thời hạn của Giấy phép.
Thời hạn cho thuê lại lao động từ 6-12 tháng. Ngành nghề của người lao động được cho thuê lại tập trung chủ yếu ở các ngành: Bảo vệ (1.048 người, chiếm 84,24%); dọn vệ sinh (113 người, chiếm 9,08%); vận hành máy móc (43 người, chiếm 3,46%); công nhân vận hành nhà máy (13 người, chiếm 1,05%); giám sát, vận hành nhà máy (20 người, chiếm 1,61%); hỗ trợ dự án (06 người, chiếm 0,48%); kiểm kê kho vật tư (01 người, chiếm 0,08%). Các doanh nghiệp cho thuê lại lao động đã ký kết hợp đồng cho thuê lao động hoặc hợp đồng công việc với doanh nghiệp thuê lại lao động; nội dung của hợp đồng đảm bảo theo quy định. Mức tiền lương của người lao động cho thuê lại cao nhất là 17,83 triệu đồng/tháng và thấp nhất là 4,28 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập (gồm lương và các khoản phúc lợi khác) của người lao động được cho thuê lại cao nhất là 21,94 triệu đồng/tháng và thấp nhất là 4,28 triệu đồng/tháng.
Nhìn chung, các doanh nghiệp cho thuê lại lao động và doanh nghiệp thuê lại lao động đã thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật lao động đối với người lao động được cho thuê lại. Tuy nhiên, giá dịch vụ hợp đồng thuê lại lao động đối với một số công việc quá thấp, không đảm bảo để doanh nghiệp cho thuê lại lao động vừa trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, trang bị phương tiện cá nhân cho người lao động, vừa chi phí quản lý nên nhìn chung thu nhập của người lao động cho thuê lại còn thấp, đời sống khó khăn; việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động ở một số doanh nghiệp chưa được thực hiện nghiêm túc (trong số 1.244 lao động được cho thuê lại, mới chỉ có 275 lao động tham gia BHXH bắt buộc, chỉ chiếm 22,1%).