(Thanhhoa.dcs.vn): Cán bộ và công tác cán bộ luôn là vấn đề trọng yếu, có ý nghĩa to lớn đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công tác lãnh đạo của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”.

Công tác cán bộ bao gồm nhiều khâu, trong đó, điều động, luân chuyển cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, nhằm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ qua thực tiễn, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo toàn diện của đội ngũ cán bộ. Luân chuyển cán bộ còn tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong diện quy hoạch được rèn luyện, thử thách; tạo nguồn cán bộ dồi dào và lâu dài; đồng thời, tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực và địa bàn trọng yếu, khó khăn; khắc phục tình trạng cục bộ trong công tác cán bộ, khép kín trong từng ngành, địa phương, đơn vị.

Vấn đề điều động, luân chuyển cán bộ được Đảng ta nhấn mạnh từ năm 2002, với Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25/01/2002 của Bộ Chính trị “Về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý”; sau này tiếp tục được nêu tại Quy định số 98-QĐ/TW, ngày 07/10/2017 của Bộ Chính trị “Về luân chuyển cán bộ” và các nghị quyết về công tác cán bộ trong các nhiệm kỳ của Đảng; gần đây nhất, ngày 28/4/2022, Bộ Chính trị (khóa XIII) đã ban hành Quy định số 65-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ. Quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng; Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện các khâu trong công tác cán bộ; trong đó, điều động, luân chuyển cán bộ cùng với đánh giá cán bộ được xác định là hai khâu đột phá, hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới công tác cán bộ theo phương châm “Chuẩn hóa, trẻ hóa, thực tiễn hóa".

Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, công tác điều động, luân chuyển cán bộ ngày càng đi vào nền nếp; có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, nổi bật là:

Một là, việc điều động, luân chuyển cán bộ đã được triển khai thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ, chống chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực và bảo đảm đúng quy trình, quy định, bước đầu tạo sự “đột phá” trong công tác cán bộ. Thông qua điều động, luân chuyển đã tạo chuyển động mới trong công tác cán bộ và tăng cường nguồn lực cho cơ sở; đã kết hợp điều động, luân chuyển với từng bước thực hiện bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương, khắc phục một bước tình trạng trì trệ, khép kín và tư tưởng cục bộ địa phương trong công tác cán bộ; có tác dụng thúc đẩy các khâu khác của công tác cán bộ.

Hai là, việc điều động, luân chuyển đã đáp ứng yêu cầu “đúng người, đúng việc, đúng thời điểm”, từng bước điều chỉnh và bố trí cán bộ hợp lý hơn, tăng cường cán bộ cho những nơi có nhu cầu cấp bách, những địa bàn khó khăn. Điều động, luân chuyển cán bộ đã trở thành việc làm bình thường, thành nề nếp, phá bỏ những quan điểm và thói quen cũ lạc hậu.

Ba là, chất lượng cán bộ điều động, luân chuyển được nâng lên; cán bộ điều động, luân chuyển đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn của bản thân và gia đình, tự giác nhận nhiệm vụ. Hầu hết cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn cơ bản phù hợp với lĩnh vực, địa bàn được luân chuyển đến. Sau khi được luân chuyển, nhiều cán bộ đã nhanh chóng tiếp cận với môi trường làm việc mới, nắm bắt những bất cập, nguyện vọng chính đáng của người dân; từ đó, cùng với cấp ủy địa phương đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, tạo ra không khí, động lực và nguồn sáng tạo mới trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. 

Bốn là, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ được quan tâm; các cơ quan, đơn vị có cán bộ điều động, luân chuyển đã bố trí sắp xếp bảo đảm các điều kiện sinh hoạt và làm việc cho cán bộ yên tâm công tác.

Năm là, việc phân công, bố trí cán bộ sau luân chuyển đã bám sát các quy định của Trung ương và Tỉnh ủy; đổi mới theo hướng phân công, bố trí công tác xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị, tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị và năng lực, phẩm chất, đạo đức của cán bộ. Từ kết quả rèn luyện, phấn đấu của cán bộ, nhiều đồng chí đã được ghi nhận, bố trí ở vị trí công tác cao hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác điều động, luân chuyển cán bộ vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế như trong Báo cáo, cũng như ý kiến phát biểu tại Hội nghị, đáng chú ý là: Một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của điều động, luân chuyển cán bộ. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong nguồn quy hoạch chưa toàn diện, nên tỷ lệ cán bộ điều động, luân chuyển theo quy hoạch là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số còn thấp. Điều động, luân chuyển cán bộ từ các cơ quan Đảng, đoàn thể sang các cơ quan quản lý nhà nước và ngược lại, luân chuyển ngang giữa các huyện, thị xã, thành phố chưa nhiều. Một số địa phương chưa làm tốt công tác kiểm tra, theo dõi, đặc biệt là việc hỗ trợ, động viên cán bộ luân chuyển, nên một số cán bộ có cảm giác như bị bỏ rơi. Cấp trên không quan tâm, không kiểm tra đánh giá, cấp dưới không thân thiện là một trong các nguyên nhân dẫn đến cán bộ luân chuyển không hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Một số cán bộ điều động, luân chuyển tiếp cận với môi trường công tác còn chậm, chưa sâu sát cơ sở, chưa trăn trở với công việc chung, hay nói cách khác là chưa dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung. Cá biệt còn có tư tưởng làm việc cầm chừng, hời hợt, giữ mình, dĩ hòa vi quý, ngại va chạm; hoặc né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm, dễ làm khó bỏ…

Từ thực tiễn lãnh đạo công tác cán bộ thời gian qua, có thể khẳng định rằng: Công tác điều động, luân chuyển cán bộ chỉ có thể phát huy tác dụng và trở thành khâu đột phá khi kết hợp chặt chẽ, đồng bộ với các khâu của công tác cán bộ, vì đánh giá cán bộ là tiền đề; quy hoạch cán bộ là nền tảng; điều động, luân chuyển cán bộ là đột phá và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là yêu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài. Các khâu trên có mối quan hệ chặt chẽ, khăng khít với nhau, làm tiền đề cho nhau và thúc đẩy nhau cùng phát triển.

Để công tác điều động, luân chuyển cán bộ thực sự trở thành khâu đột phá, trở thành nghệ thuật trong sử dụng cán bộ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển Thanh Hóa “đến năm 2025, trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2045 là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước”, cùng với việc quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện đầy đủ 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu trong Báo cáo; thời gian tới, cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, đặc biệt là công tác điều động, luân chuyển cán bộ, trọng tâm là Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25/11/2002, Kết luận số 24-KL/TW ngày 05/6/2012, Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị và Quyết định số 2862-QĐ/TU ngày 26/9/2023, Kế hoạch số 104-KH/TU ngày 10/02/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về luân chuyển cán bộ. Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ. Thực hiện tốt việc quản lý, giám sát, đánh giá, nhận xét cán bộ điều động, luân chuyển và xây dựng chính sách, chế độ phù hợp nhằm tạo điều kiện, môi trường cho cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác điều động, luân chuyển cán bộ. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các cấp ủy, tổ chức đảng cần xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ, lựa chọn đúng cán bộ để xem xét, đưa đi luân chuyển nhằm rèn luyện, thử thách ở những địa bàn, lĩnh vực quan trọng, cần thiết, vừa để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, vừa để rèn luyện cán bộ trưởng thành trong thực tiễn; từ đó, chủ động về nguồn nhân sự cấp ủy, lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhiệm kỳ kế tiếp cho Tỉnh và địa phương. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác luân chuyển cán bộ phải bảo đảm công tâm, khách quan trong đánh giá cán bộ; dân chủ, công khai, minh bạch trong tổ chức thực hiện; đồng thời, phải chủ động bồi dưỡng, trang bị kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành cho cán bộ luân chuyển và có dự kiến, phương án, kế hoạch tổng thể, phù hợp để bố trí, sắp xếp cán bộ sau luân chuyển.

Các cấp ủy lựa chọn cán bộ luân chuyển phải là các đồng chí có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực công tác, uy tín; đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của chức vụ đảm nhiệm khi luân chuyển; được quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý, có triển vọng phát triển; đủ sức khỏe và còn thời gian công tác ít nhất là 10 năm tính từ thời điểm luân chuyển.

Thứ ba, tiến hành đồng bộ và kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các khâu trong công tác cán bộ; giữa công tác tư tưởng với công tác tổ chức; giữa quy hoạch cán bộ với luân chuyển cán bộ; giữa luân chuyển để đào tạo, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn với tăng cường cán bộ cho những địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, có khó khăn, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, cục bộ, khép kín; góp phần thúc đẩy thực hiện chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt không là người địa phương và người đứng đầu không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp; giải quyết hài hòa giữa yêu cầu luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Tỉnh với việc tạo nguồn cán bộ tại chỗ của địa phương, cơ quan, đơn vị, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trước mắt, vừa chuẩn bị nguồn cán bộ lâu dài.

Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác cán bộ, điều động, luân chuyển cán bộ của các địa phương, cơ quan, đơn vị theo phân cấp quản lý. Thường xuyên rà soát, đánh giá, sắp xếp, bố trí lại cán bộ lãnh đạo, quản lý uy tín giảm sút, có tư tưởng làm việc “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn”, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, cái gì có lợi thì làm, không vì lợi ích chung, nhất là người đứng đầu thiếu sáng tạo, thiếu quyết liệt, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Mạnh dạn bố trí cán bộ trẻ, cán bộ có năng lực, uy tín, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; có tinh thần “7 dám”, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định, đó là “Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”, năng động, sáng tạo, có tư tưởng đột phá, đủ sức gánh vác những nhiệm vụ to lớn, phức tạp vì sự phát triển của địa phương, đơn vị.

Thứ năm, cán bộ luân chuyển phải quán triệt sâu sắc quan điểm luân chuyển là để đào tạo, rèn luyện, thử thách, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, không phải để lên chức vụ cao hơn; phải thực sự cầu thị, khiêm tốn, tích cực học hỏi, nâng cao ý thức phấn đấu, rèn luyện, gắn bó mật thiết với địa phương, cơ quan, đơn vị nơi luân chuyển đến. Từng đồng chí phải nhận thức được bổn phận và trách nhiệm của mình, phải có quyết tâm chính trị cao, gương mẫu đi đầu trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, cơ quan, đơn vị nơi được chuyển đến. Phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Có lập trường tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, chính kiến rõ ràng trước những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm. Tâm huyết, tận tuỵ, toàn tâm, toàn ý và dành tối đa thời gian cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị; luôn trăn trở với nhiệm vụ được giao và đổi mới, tìm tòi, sáng tạo, chăm lo cho sự nghiệp chung; lấy ấm no, hạnh phúc và sự hài lòng của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu…