(Thanhhoa.dcs.vn): Qua thống kê, số lao động người Thanh Hóa đi làm việc ở tỉnh ngoài khoảng trên 330.000 người; tập trung ở nhóm tuổi từ 15 đến 35 tuổi (chiếm 65%), lao động nữ chiếm trên 50%; chủ yếu là lao động tự do hoặc làm việc tại nhà máy, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao trong các lĩnh vực như điện tử, may mặc, giày da..., tại các thành phố lớn như: Thành phố Hà Nội khoảng 77.500 người, tỉnh Bình Dương khoảng 48.000 người, Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 43.200 người, tỉnh Bắc Ninh khoảng 25.000 người, tỉnh Đồng Nai khoảng 12.500 người…

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước, dẫn đến lao động người Thanh Hóa trở về địa phương có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây, gây nguy cơ dư thừa lao động ở những nơi có nguồn cung lao động lớn. Trước hình hình trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo dự báo sát, đúng tình hình, chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm hỗ trợ người lao động trở về địa phương tìm kiếm việc làm và sớm ổn định cuộc sống. UBND tỉnh đã ban hành Phương án số 198/PA-UBND ngày 02/9/2021 về việc đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly, là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành được phương án này, tạo được sự đồng tình, phấn khởi trong Nhân dân và cộng đồng các doanh nghiệp trong tỉnh.

Theo báo cáo rà soát của các địa phương, từ ngày 27/4/2021 đến nay, số người Thanh Hóa trở về từ vùng dịch khoảng trên 186.000 người, trong đó có khoảng 35% lao động trở về từ vùng dịch có giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động tại vùng dịch và có nguyện vọng hết dịch sẽ quay lại chỗ làm việc cũ. Tổng số lao động trở về từ vùng dịch có nhu cầu việc làm và đào tạo nghề khoảng 27.000 lao động; trong đó số lao động có nhu cầu đào tạo nghề khoảng 1.300 người (chiếm 4,8%), chủ yếu tập trung vào các nghề như lái xe ô tô, may công nghiệp, xây dựng dân dụng, điện lạnh, cơ khí, hàn, điện tử, điện nước...; số lao động có nhu cầu việc làm khoảng 25.700 người (chiếm 95,2%). Nhu cầu việc làm của nhóm lao động từ 15 tuổi đến 35 tuổi khoảng 15.500 lao động (chiếm 60,2%), với các công việc như may mặc, giầy da, chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến thủy hải sản, hàn xì, xây dựng, nhôm kính, điện dân dụng; nhóm lao động từ 36 tuổi đến 45 tuổi khoảng 7.100 lao động (chiếm 27,8%), có nhu cầu làm các công việc như may mặc, giầy da, chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến thủy hải sản, hàn xì, xây dựng; nhóm lao động từ 46 tuổi trở lên có khoảng 3.100 lao động (chiếm 12%), có nhu cầu làm các công việc như xây dựng, bảo vệ, giúp việc gia đình, nấu ăn, trông trẻ...

Hiện nay, nhu cầu cần tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 50.000 lao động, chủ yếu tập trung là các doanh nghiệp sản xuất giầy da, may mặc có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Trong đó, Khu kinh tế Nghi Sơn có 19 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với số lượng khoảng 5.000 lao động; Khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc ga, KCN Hoàng Long, KCN Lễ Môn có trên 10 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 10.500 lao động; Khu công nghiệp Bỉm Sơn có 09 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 800 lao động chủ yếu là lao động quản lý và lao động phổ thông; tại các cụm công nghiệp địa phương có trên 50 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với khoảng 33.700 lao động. Đến nay, số lao động người Thanh Hóa trở về tỉnh đã được hỗ trợ tạo việc làm khoảng 19.100 lao động, trong đó tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 7.500 người và tại các cụm công nghiệp huyện là 6.700 người, còn lại là tại các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chủ yếu là các doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, giày da với mức thu nhập hàng tháng từ 06 triệu đồng đến 08 triệu đồng/người. Số lao động đã được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng là 72 lao động, chủ yếu tập trung vào các nghề cơ khí, lái xe, điện lạnh... Tổng số lao động đã đăng ký vay vốn giải quyết việc làm  613 người với tổng số tiền đăng ký xin vay vốn là 51,135 tỷ đồng; trong đó số lao động đã được vay vốn là 24 lao động với tổng số tiền đã giải ngân là 1,66 tỷ đồng.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch còn gặp nhiều khó khăn như: Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp lớn, song lao động chủ yếu là lao động phổ thông, trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề thấp, tác phong công nghiệp chưa cao, các đối tượng lao động chỉ làm việc theo xu hướng tự phát, thích tự do, không muốn bị gò bó khuôn phép, nên không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, dẫn đến số lượng lao động có việc làm đang còn hạn chế; việc triển khai đào tạo nghề cho người lao động tại nhiều địa phương chưa thực hiện được do ngân sách khó khăn, chưa bố trí được kinh phí đào tạo nghề cho người lao động trở về từ vùng dịch; một bộ phận người lao động chưa tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách để tạo việc làm và ổn định cuộc sống do nhu cầu vay lớn nhưng tổng nguồn vốn cho vay còn hạn hẹp…

(Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa)