(Thanhhoa.dcs.vn): Hiện nay, Cục Thi hành án có 254/270 biên chế được giao, gồm: 115 chấp hành viên, 32 thẩm tra viên, 49 thư ký thi hành án, còn lại là các chức danh khác. Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác thi hành án (THADS); củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo THADS và cơ quan THADS các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ, công chức thi hành án được chú trọng. Công tác phối hợp trong tổ chức thi hành án ngày càng chặt chẽ. UBND tỉnh và các địa phương đã bố trí quỹ đất để xây trụ sở, kho vật chứng; hỗ trợ kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan THADS hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Các bản án, quyết định của Tòa án được chấp hành nghiêm, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; tỷ lệ án thi hành đạt cao; thi hành án của Cục THADS tỉnh luôn đạt và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ được Tổng cục THADS giao; bình quân giai đoạn 2017-2021 đạt 83,36% về việc và 43,85% về tiền. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ thi hành xong về việc đạt 70,05% (chỉ tiêu giao là 85,43%), về tiền đạt 32,69% (chỉ tiêu giao là 78,58%).

Công tác thi hành án trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng được quan tâm thực hiện. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã thi hành xong 709 việc/1.850,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn 313 việc/893,6 tỷ đồng có điều kiện nhưng chưa thi hành xong; nguyên nhân chủ yếu là do: Một số vụ việc mới thụ lý, đang trong quá trình xác minh lại hiện trạng tài sản trước khi kê biên; nhiều vụ việc có vướng mắc về tài sản bảo đảm (24 việc/207,9 tỷ đồng); một số vụ việc đã kê biên, thẩm định giá và đang bán đấu giá nhưng chưa thành công (16 vụ việc/181,6 tỷ đồng); vụ việc có giá trị thi hành thấp, không có hoặc không còn tài sản bảo đảm;...

Công tác thi hành án về kinh tế, tham nhũng được thực hiện tích cực. Các cơ quan THADS đã tập trung phối hợp thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết xong 482 việc về kinh tế, với số tiền 52 tỷ đồng; 44 việc về tham nhũng, với số tiền 6,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện còn 127 việc/14,2 tỷ đồng chưa giải quyết xong (về kinh tế 103 việc/9,5 tỷ đồng; về tham nhũng 24 việc/4,7 tỷ đồng); nguyên nhân chủ yếu là do: Các quy định về thu hồi tài sản tham nhũng chưa hoàn thiện, hệ thống pháp luật còn mang tính nguyên tắc, thiếu quy định chi tiết, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục thu hồi tài sản tham nhũng; việc hoàn trả kinh phí đền bù, GPMB sai quy định trong nhiều vụ án của người dân không thực hiện được;...

Công tác thi hành án đối với các khoản thu ngân sách nhà nước được quan tâm thực hiện. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã thi hành xong 61.193 việc/216,6 tỷ đồng. Hiện nay, còn 2.414 việc/82,1 tỷ đồng chưa giải quyết xong; nguyên nhân do phần lớn đương sự thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, nhiều tiền án, tiền sự, không có khả năng trả án phí; nhiều trường hợp người phải thi hành án bỏ đi sinh sống ở nơi khác, đương sự đi làm ăn xa không có mặt tại địa phương...

Việc tổ chức cưỡng chế thi hành án cơ bản diễn ra thành công, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Giai đoạn 2017-2022, toàn tỉnh đã ban hành quyết định cưỡng chế thi hành án đối với 906 trường hợp (trong đó có 146 trường hợp đương sự tự nguyện thi hành án); đã tổ chức cưỡng chế thành công 677 việc. Hiện còn một số việc cưỡng chế không thành công hoặc chưa thực hiện được, do một số bản án, quyết định của Tòa án có sai sót, dẫn đến chưa thống nhất trong việc tổ chức cưỡng chế thi hành án; việc huy động lực lượng chức năng trong cưỡng chế thi hành án có lúc gặp khó khăn; một số vụ việc chưa có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc xử lý các hành vi không chấp hành án, chống đối, cản trở việc thi hành án; một số cơ quan THADS xây dựng kế hoạch cưỡng chế không khả thi, phù hợp...

(Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)