(Thanhhoa.dcs.vn): Quỹ hỗ trợ Nông dân tỉnh (Quỹ HTND) được Chủ tịch UBND tỉnh thành lập theo Quyết định số 734/QĐ-UBND ngày 18/3/2014. Trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và cấp ủy và chính quyền các cấp, hoạt động của Quỹ HTND tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả, trở thành kênh tín dụng quan trọng nhằm hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Công tác vận động phát triển nguồn vốn cho Quỹ HTND được quan tâm, chăm lo thực hiện; cùng với nguồn vốn được Quỹ Trung ương hội ủy thác và từ nguồn ngân sách tỉnh cấp và bổ sung vốn điều lệ hằng năm; các cấp hội trong tỉnh đã báo cáo cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã thành lập Ban chỉ đạo vận động xây dựng Quỹ, tổ chức vận động cán bộ, hội viên, nông dân, cán bộ hội chuyên trách... tham gia ủng hộ Quỹ. Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND trên toàn tỉnh đạt 58,788 tỷ đồng, trong đó: từ Quỹ Trung ương Hội Nông dân ủy thác là 16,8 tỷ đồng; Quỹ HTND tỉnh (bổ sung từ ngân sách tỉnh) là 19,533 tỷ; Quỹ HTND cấp huyện, xã là 22,455 tỷ đồng. 100% huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Quỹ HTND, có 506/553 Hội Nông dân cấp cơ sở đã vận động thành lập Quỹ.

Từ nguồn vốn của Quỹ HTND các cấp, đã thực hiện cho gần 7.000 lượt hộ nông dân vay vốn để tham gia các dự án nhóm hộ sản xuất kinh doanh. Đến nay, Hội Nông dân tỉnh tỉnh đang triển khai cho vay 78 dự án với 680 hộ vay, tạo việc làm cho 1.360 lao động; Hội Nông dân cấp huyện và và cơ sở đang triển khai cho vay 670 dự án với 1.701 hộ vay, tạo việc làm cho 3.420 lao động. Công tác cho vay vốn được thực hiện nghiêm túc theo các quy định, văn bản, hướng dẫn của Trung ương hội, Bộ Tài chính. Từ các dự án vay vốn Quỹ HTND, các cấp hội đã hướng dẫn, thành lập 12 hợp tác xã, 145 tổ hợp tác và nhiều tổ, nhóm nông dân liên kết, hợp tác trong sản xuất kinh doanh, hình thành các chuỗi liên kết; duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, điển hình như: Miến gạo Thăng Long (xã Thăng Long, huyện Nông Cống); Bánh gai Tứ Trụ (xã Thọ Diên huyện Thọ Xuân); nước mắm Vị Thanh (xã Hải Bình, thị xã Nghi Sơn); bưởi Luận Văn  ((huyện Thọ Xuân); trứng gà của Hợp tác xã Phương Hải (thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân); nước mắm Khúc Phụ (xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa); trồng rau an toàn (xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa)... Thông qua hoạt động vay vốn từ Quỹ HTND, các hộ nông dân có điều kiện đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống; nhiều hộ đã vươn lên khá và giàu, đạt hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, mạnh dạn đứng ra thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, tạo việc làm cho nhiều lao động, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.

Tuy nhiên, hoạt động của Quỹ HTND trên địa bàn tỉnh vẫn còn có mặt tồn tại, hạn chế, như: Một số cơ sở hội chưa nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa, vai trò của Quỹ; chưa chủ động, sáng tạo trong công tác vận động ủng hộ Quỹ; chưa làm tốt công tác xây dựng và phát triển Quỹ HTND trên địa bàn; nguồn vốn Quỹ HTND còn chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của hội viên, nông dân trên địa bàn; một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm hỗ trợ vốn từ ngân sách cho Quỹ HTND...

(Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa)