(Thanhhoa.dcs.vn): Sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh đang dần trở nên sôi động. Đây là thời điểm nhiều công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã triển khai kế hoạch tuyển dụng để đảm bảo nhân lực phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm mới; đồng thời, là thời điểm nhiều người lao động có mong muốn tìm kiếm việc làm mới và quay trở lại làm việc sau thời gian dài ngừng việc, nghỉ việc do dịch bệnh Covid-19.
Theo khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về nhu cầu tuyển dụng lao động tại hơn 300 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 13.000 lao động (gồm: 10.600 lao động làm việc trên địa bàn tỉnh; 2.000 lao động làm việc ở các tỉnh, thành phố trong nước và 400 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng). Nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp và những tín hiệu lạc quan của thị trường lao động, ngay từ đầu năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ phục hồi, phát triển thị trường lao động; tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động trên địa bàn tỉnh với thị trường lao động của cả nước.
Tính từ đầu đầu năm đến nay, đã có 15.200 lượt lao động được cung cấp các thông tin về thị trường lao động; 6.300 lượt lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm. Các phiên giao dịch việc làm được tổ chức bằng những hình thức phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối người lao động và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Đã có 07 phiên giao dịch việc làm định kỳ và 01 phiên giao dịch việc làm trực tuyến được tổ chức tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, thu hút 40 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã hỗ trợ, giới thiệu 12 doanh nghiệp xuất khẩu lao động có đơn hàng tốt về các huyện, thị xã, thành phố tuyển dụng lao động đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chỉ đạo hỗ trợ, hướng dẫn người lao động có nhu cầu được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để tự tạo việc làm, phát triển sinh kế, ổn định cuộc sống... Nhờ những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả tích cực; từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 7.300 lao động (tăng 1.420 người so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 116 lao động được đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Bên cạnh các hoạt động thúc đẩy phát triển thị lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đối với lao động bị mất việc làm. Trong tháng 01 và tháng 02/2022, đã tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và ban hành Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 3.147 lao động; 100% người lao động bị mất việc làm đến nộp hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp được tư vấn, hỗ trợ tìm kiếm việc làm mới miễn phí.
Để tiếp tục thúc đẩy phục hồi và phát triển thị trường lao động nhanh, hiệu quả, bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hạn chế thấp nhất những tiêu cực từ dịch bệnh tới thị trường lao động, trong thời gian tới, Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Một là, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động nhằm ổn định và phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ giải quyết việc làm, thu hút lao động quay trở lại làm việc; khôi phục nhanh, duy trì và đảm bảo nguồn cung lao động cho phục hồi sản xuất của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Hai là, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, trọng tâm là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng khả năng kết nối cung - cầu lao động; tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến; thúc đẩy chuyển dịch lao động sang làm việc tại khu vực chính thức thông qua hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho lao động, chú trọng khu vực nông thôn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thực hiện các giải pháp, chính sách giải quyết việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động vay vốn giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm.
Ba là, ổn định và mở rộng thị trường lao động ngoài nước; chuẩn bị nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài khi các nước mở cửa trở lại. Tăng cường công tác tạo nguồn, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động và triển khai đồng bộ các chính sách, hoạt động hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lao động đã hết hợp đồng về nước.