(Thanhhoa.dcs.vn): Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 30 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thuộc 06 địa phương, gồm: Thị xã Nghi Sơn 12 xã, Hoằng Hóa 07 xã, Hậu Lộc 04 xã, Nga Sơn 03 xã, TP. Sầm Sơn 03 xã và, Quảng Xương 01 xã. Trong 05 năm, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo của tỉnh đã được hỗ trợ 214.355 triệu đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; ngân sách địa phương là 52.045 triệu đồng; nguồn đóng góp của Nhân dân và huy động hợp pháp khác là 3.278 triệu đồng. Các địa phương đã đầu tư, xây dựng 140 công trình, gồm: 43 công trình trường học, 20 công trình kênh, mương, 10 công trình nhà văn hóa, 06 công trình kè chống triều cường, 04 công trình trạm y tế và 02 công trình cầu. Các công trình được đầu tư xây dựng đã từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; phát huy hiệu quả tích cực, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, giúp cho đời sống của Nhân dân được cải thiện tích cực.

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tỉnh đã quan tâm bố trí nguồn lực để thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Tổng vốn sự nghiệp được Trung ương phân bổ thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế giai đoạn 2016-2020 là 34.500 triệu đồng, đã hỗ trợ 9.832 hộ gia đình tham gia thực hiện 107 mô hình, dự án (72 mô hình chăn nuôi, 29 mô hình trồng trọt, 05 mô hình thủy sản, 01 mô hình phát triển ngành nghề và dịch vụ); đã hỗ trợ 326 con bò, 218.465 con gà, 114 chuồng trại, 3.505 cây giống lâu năm, vật tư sản xuất, thức ăn chăn nuôi, vắcxin, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn kiến thức phát triển sản xuất… Các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo được quan tâm triển khai thực hiện và từng bước phát huy hiệu quả. Tổng kinh phí hỗ trợ nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển giai đoạn 2017-2020 là 8.077 triệu đồng (vốn Trung ương là 5.100 triệu đồng, vốn đối ứng các hộ tham gia mô hình là 2.977 triệu đồng); đã hỗ trợ 617 hộ gia đình tham gia.

Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh còn lại 04 xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, gồm: Xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc); các xã Nghi Sơn, Hải Yến và Hải Hà (thuộc thị xã Nghi Sơn). Tuy đã được quan tâm đầu tư, hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhưng các xã bãi ngang ven biển và hải đảo đều thuộc vùng đặc biệt khó khăn, điều kiện tự nhiên và sản xuất không thuận lợi; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 còn cao, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn; hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ..., đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao và sự chỉ đạo rất sâu sát, quyết liệt, đầu tư nhiều nguồn lực mới đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND cấp huyện rà soát, đánh giá các tiêu chí xác định xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 để tổng hợp, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận 03 xã, gồm: Xã Ngư Lộc (thuộc huyện Hậu Lộc), xã Nghi Sơn và xã Hải Hà (thuộc thị xã Nghi Sơn) là xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025.

(Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa)