(Thanhhoa.dcs.vn): Từ năm 2021 đến nay, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện tốt Khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX “Về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ; chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, giai đoạn 2021 - 2025”. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển khá toàn diện theo hướng quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới; hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, nguồn nước, nhân lực để nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm và cải thiện đời sống của người dân.
Nhiều mô hình sản xuất tiên tiến quy mô lớn, sản xuất hữu cơ, gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Toàn tỉnh đã tích tụ, tập trung được trên 34.400 ha đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; có trên 80.000 ha nông sản được sản xuất theo hình thức liên kết bao tiêu sản phẩm. Lợi nhuận trung bình đạt 200 triệu đồng/ha/năm đối với mô hình trồng trọt, gấp 2,5 đến 3 lần so với sản xuất thông thường; đạt từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/trang trại/năm đối với mô hình chăn nuôi, gấp 2 lần so với chăn nuôi truyền thống; 80% mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được bao tiêu sản phẩm, các mô hình còn lại có thị trường tiêu thụ ổn định. Ứng dụng công nghệ số trong chế biến, quản lý sau thu hoạch được chú trọng; tích cực triển khai phần mềm quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm thực phẩm an toàn và tích hợp thông tin vào mã QR Code phục vụ truy xuất nguồn gốc nhanh chóng, chính xác. Nông dân từng bước phát huy vai trò làm chủ sản xuất, tích cực tham gia chuỗi giá trị và hưởng lợi trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Trong trồng trọt, đã đẩy mạnh ứng dụng các loại giống tiến bộ mới, có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường. Đến nay, tỷ lệ sử dụng các giống tiến bộ, ứng dụng kỹ thuật sinh học trong trồng trọt đạt 93% đối với lúa, 100% đối với ngô, 82% đối với rau màu, 87% đối với cây công nghiệp. Nhiều cơ sở sản xuất rau, quả, hoa chất lượng cao triển khai công nghệ sản xuất nhà kính, nhà màng với tổng diện tích toàn tỉnh đạt trên 170ha. Mở rộng diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đến nay đạt khoảng 840 ha, trong đó: Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn triển khai mô hình lúa hữu cơ tại các huyện với diện tích 280 ha; mô hình lúa hữu cơ tại các xã Định Tiến, Quý Lộc, Định Long, huyện Yên Định với diện tích 30 ha; mô hình lúa cá hữu cơ tại xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung với diện tích 200 ha; mô hình lúa rươi tại Quảng Xương, Nông Cống với diện tích 10 ha... Nghiên cứu, chọn tạo thành công 12 giống lúa năng xuất; du nhập, khảo nghiệm 06 giống mía mới có trữ đường cao; phục tráng 05 loại cây trồng địa phương (lúa nếp hạt cau, nếp cẩm, bưởi Luận Văn, cam Vân Du, quýt vòi, mía Kim Tân). Tăng cường ứng dụng các giống biến đổi gen, trong đó diện tích gieo trồng ngô biến đổi gen có năng suất cao hàng năm trên 10.900 ha. Hoàn chỉnh quy trình sản xuất thông minh thích ứng biến đổi khí hậu trên diện tích 6.900 ha lúa và 1.400 ha rau các loại tại các địa phương. Ứng dụng, chuyển giao công nghệ tưới nước tiết kiệm đối với rau an toàn, cây ăn quả và vùng mía thâm canh trên địa bàn tỉnh đến nay đạt 2.810 ha, tăng 130 ha so năm 2021. Ngoài ra, bước đầu đã có các mô hình ứng dụng các công nghệ hiện đại vào các khâu của sản xuất như: ứng dụng công nghệ viễn thám, hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý vùng trồng mía nguyên liệu; sử dụng máy bay không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng tại một số địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.
Trong chăn nuôi, chú trọng phát triển sản xuất theo quy trình VietGAP, ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Thu hút đầu tư vào nông nghiệp đạt kết quả tích cực, một số dự án quy mô lớn được triển khai thực hiện và đi vào hoạt động, như: Dự án chăn nuôi bò sữa Vinamilk, TH True Milk; nhà máy giết mổ, chế biến gia cầm xuất khẩu Viet Avis; các dự án chăn nuôi lợn trên địa bàn các huyện Thạch Thành, Lang Chánh, Như Xuân, Bá Thước... Đến nay, có 72 doanh nghiệp lớn đã hình thành các chuỗi chăn nuôi với công nghệ tiên tiến, quy mô lớn, gắn với nhà máy chế biến và tiêu thụ sản phẩm đang mang lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi, trong đó có nhiều doanh nghiệp có tiềm lực, uy tín như: Công ty chăn nuôi C.P, Golden, Mavin, Newhope, DABACO, Công ty Phú Gia...
Trong thủy sản, các cơ sở nuôi trồng từng bước ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm công nghiệp, nuôi ngao tập trung; tỷ lệ diện tích nuôi tôm tập trung áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, nuôi tôm thâm canh công nghệ cao trong nhà bạt, nhà màng, nhà kính ngày càng tăng. Các địa phương tập trung tuyên truyền, triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ vật liệu mới trong đóng hầm bảo quản khai thác thủy sản theo Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; đến nay, đã hỗ trợ cho 34 tàu cá với tổng kinh phí trên 8 tỷ đồng, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm hải sản khai thác.
Trong lâm nghiệp, công nghệ nhân giống cây lâm nghiệp bằng nuôi cấy mô, hom được ứng dụng rộng rãi; bước đầu nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận dạng nhanh một số loài động vật, thực vật rừng nguy cấp và quý hiếm. Tăng cường khảo nghiệm sản xuất cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao gắn với công nghiệp chế biến. Lực lượng Kiểm lâm tích cực triển khai công nghệ viễn thám, phát huy hiệu quả trong công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp. Đã có gần 25.400 ha rừng tại 7 huyện (Thạch Thành, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân, Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy) được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) với 4.136 hộ dân tham gia liên kết...
Tuy nhiên, so với yêu cầu, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ trong nông nghiệp vẫn còn những khó khăn, hạn chế, đó là: Sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ, phương thức canh tác chủ yếu vẫn theo phương pháp truyền thống. Nguồn vốn dành cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế; việc nhân rộng một số đề tài, mô hình ứng dụng công nghệ cao còn chậm; chưa có nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao sau thu hoạch, bảo quản, chế biến lâm sản. Chuỗi liên kết trong chăn nuôi phát triển chưa bền vững, mới hình thành chuỗi liên kết chăn nuôi gia công cho một số doanh nghiệp; việc xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức. Số lượng các đơn vị triển khai ứng dụng phần mềm quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm thực phẩm an toàn và tích hợp thông tin vào mã QR Code chưa nhiều. Đội ngũ cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp một số nơi còn thiếu và yếu...
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, thời gian tới, kiến nghị các cấp, các ngành triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Thứ nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai hiệu quả, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình khoa học - công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 27-KH/TU ngày 13/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch của UBND tỉnh (tại Quyết định số 4794/QĐ-UBND ngày 29/11/2021) thực hiện Khâu đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ, chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, giai đoạn 2021 - 2025. Chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp; phát triển các mô hình sản xuất có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, sản xuất hữu cơ, theo quy trình VietGAP. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư hệ thống chế biến nông sản công nghệ cao, tăng cường liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Triển khai mạnh mẽ việc áp dụng và quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới xuất khẩu.
Thứ ba, tăng cường hợp tác với các tổ chức khoa học - công nghệ, các doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước để thực hiện các đề tài dự án, nghiên cứu lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện của tỉnh; xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chính xác...; khuyến khích nghiên cứu, khảo nghiệm các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt phục vụ trồng rừng; ứng dụng công nghệ hiện đại trong khai thác thủy sản và các công nghệ bảo quản, chế biến thủy sản.
Thứ tư, phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước các cấp; tuyên truyền, vận động tạo chuyển biến trong nhận thức và đổi mới tuy duy cho người lao động, từng bước đáp ứng yêu cầu ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.