(Thanhhoa.dcs.vn): Hiện nay, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện có hiệu quả Hệ thống phần mềm đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến và cơ sở dữ liệu bảo trợ xã hội. Tính đến tháng 10/2023, đã có 27/27 huyện, thị xã, thành phố cập nhật đầy đủ, định kỳ hàng tháng cơ sở dữ liệu bảo trợ xã hội, bổ sung dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội tăng giảm hàng tháng, tổng hợp báo cáo và xuất danh sách chi trả trên Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến và cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội theo đúng quy định.

Công tác rà soát, cập nhật, bổ sung dữ liệu và xác thực định danh điện tử đối với các đối tượng bảo trợ xã hội đang được các địa phương quan tâm, triển khai thực hiện. Đối với việc làm sạch, cập nhật, bổ sung dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội còn thiếu theo yêu cầu của hệ thống (căn cước công dân/định danh cá nhân, giới tính, dân tộc, số và ngày Quyết định hưởng chính sách…), các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ cập nhật, bổ sung dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội để hoàn thành việc chuẩn hóa dữ liệu, đảm bảo đúng thời gian quy định (xong trước ngày 31/12/2023).

Từ tháng 01/2023 đến tháng 10/2023, có 15.130 hồ sơ được hưởng chính sách trợ giúp xã hội được tạo mới và giải quyết trên hệ thống phần mềm Đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến và cập nhật cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội; trong đó tiêu biểu là huyện Thọ Xuân (3.035 hồ sơ), huyện Triệu Sơn (1.523 hồ sơ), thành phố Thanh Hóa (1.265 hồ sơ), huyện Yên Định (1.117 hồ sơ)…

Tổng số đối tượng đang hưởng trợ giúp xã hội thống kê trên phần mềm hệ thống thông tin, dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội là 193.891 đối tượng; trong đó, nhóm đối tượng có tỷ lệ hưởng chính sách trợ giúp xã hội cao nhất là người khuyết tật (chiếm 52%); người cao tuổi (chiếm 32,2%); còn lại là các đối tượng khác (hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng 9%; người đơn thân nuôi con nhỏ dưới 16 tuổi 3,7%; trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng dưới 16 tuổi 0,34%; người nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo 0,43%; trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng từ 16 tuổi - 22 tuổi đang đi học 0,13%; trẻ em dưới 03 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo sống tại địa bàn các xã, thôn vùng DTTS và miền núi ĐBKK 2,2%).

Mặc dù, phần mềm Đăng ký giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến đã được kết nối thành công với phần mềm dịch vụ công của tỉnh từ tháng 4/2023, tuy nhiên, trên cơ sở theo dõi, báo cáo của Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong quá trình thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc, như: Thông tin thành phần hồ sơ đối tượng sau được đồng bộ từ Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính công của tỉnh Thanh Hóa sang Hệ thống phần mềm Đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được chuyển về mục "Tra cứu", không chuyển được về mục "Hồ sơ chờ tiếp nhận" nên cán bộ phụ trách xử lý hồ sơ không thể tiếp tục thực hiện các bước đồng bộ tiếp theo trên phần mềm. Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa hỗ trợ việc đồng bộ các thành phần hồ sơ từ Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính công của tỉnh nên cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải nhập thông tin hồ sơ, đính kèm thành phần hồ sơ trên cả hai hệ thống phần mềm nên mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức cơ sở và chưa tối ưu hóa hiệu quả của phần mềm. Khi tiếp nhận hồ sơ từ dịch vụ công sang phần hệ chi trả, phần mềm Đăng ký giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội còn nhiều điểm chưa được tối ưu: Số tiền truy lĩnh, truy thu không tự động cập nhật mà phải nhập lại từng người. Đường truyền không ổn định, có lúc còn gián đoạn nên thời gian lập danh sách chi trả hàng tháng mất nhiều thời gian. Một số người dân còn giữ thói quen nộp hồ sơ trực tiếp và việc sử dụng công nghệ thông tin còn hạn chế nên gặp khó khăn trong thao tác các bước nộp hồ sơ trên các thiết bị thông minh, vì vậy cán bộ chính sách xã phải hướng dẫn hoặc phải làm trực tiếp cho người dân. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị như máy in, máy scan một số xã còn thiếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình đăng ký giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến và tiến độ thực hiện thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, trong quá trình rà soát, cập nhật, bổ sung dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội có một số thông tin như: ngày/tháng/năm sinh của đối tượng bị sai lệch do làm lại căn cước công dân, nhập số quyết định hưởng chính sách cho các đối tượng trước đây với số lượng đối tượng nhiều, tra cứu quyết định hưởng lâu cần nhiều thời gian để làm sạch và đối chiếu. Số đối tượng bảo trợ xã hội hàng tháng biến động nhiều, các trường thông tin bị thiếu, sai lệch nhiều, trong khi phần mềm không cấp quyền cho các xã, thị trấn cập nhật, chỉ duy nhất 01 công chức chuyên môn phụ trách lĩnh vực bảo trợ xã hội cấp huyện trực tiếp rà soát, cập nhật, bổ sung thông tin. Đây cũng là khó khăn lớn trong quá trình thực hiện làm sạch, cập nhật, bổ sung dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng Hệ thống phần mềm Đăng ký giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có phương án hỗ trợ sớm nhất việc đồng bộ thông tin và thành phần hồ sơ từ Hệ thống phần mềm thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Thanh Hóa sang Hệ thống phần mềm đăng ký giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến. Đồng thời, chỉ đạo kiểm tra Hệ thống phần mềm Đăng ký giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến để tháo gỡ, hỗ trợ, điều chỉnh chuyển thông tin hồ sơ đối tượng từ mục "Tra cứu" chuyển về mục "Hồ sơ chờ tiếp nhận" để cán bộ tiếp nhận và chuyển xử lý không phải nhập song song hai hệ thống phần mềm, rút ngắn thời gian nhập hồ sơ giải quyết chế độ chính sách cho đối tượng bảo trợ xã hội. Quan tâm nâng cấp Hệ thống hạ tầng Máy chủ và đường truyền của Trung tâm thông tin thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để hệ thống Phần mềm Đăng ký giải quyết chính sách trợ giúp xã hội hoạt động ổn định và truy cập nhanh hơn; đồng thời, nghiên cứu, cập nhật thêm các tính năng về tiếp nhận và kiểm soát hồ sơ, tự động cập nhật danh sách truy thu, truy lĩnh để đáp ứng yêu cầu về nghiệp vụ và kiểm soát thủ tục hành chính.

 

 

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hoá)