(Thanhhoa.dcs.vn): Hội Đồng đội tỉnh vừa ban hành Hướng dẫn số 192-HD/HĐĐ ngày 28/12/2023 về triển khai mô hình "Hội đồng trẻ em" cấp huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023 -2027.
Theo đó, Hội đồng trẻ em là tổ chức được thành lập đại diện cho trẻ em, thông qua các kỳ họp để bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi, đối thoại với Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, lãnh đạo địa phương về các vấn đề liên quan đến trẻ em. Hội đồng trẻ em có các nhiệm vụ: (1) Định kỳ xây dựng Chương trình hoạt động của Hội đồng trẻ em và phân công nhiệm vụ cho các ủy viên trong Hội đồng trên cơ sở định hướng của Ban tham vấn; (2) Bày tỏ ý kiến, quan điểm thông qua các kỳ họp Hội đồng trẻ em và các hoạt động tiếp xúc, làm việc với Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội của địa phương. Thu thập thông tin và trả lời trẻ em địa phương về các vấn đề kiến nghị của trẻ em đã được Hội đồng nhân dân và các ban, ngành chỉ đạo giải quyết; (3) Tổ chức các hoạt động tiếp xúc, lắng nghe trẻ em ở địa phương, Liên đội giữa các kỳ họp với sự hỗ trợ của các cấp bộ Đoàn, Đội để thu thập ý kiến, nguyện vọng của trẻ em phục vụ cho hoạt động của Hội đồng trẻ em.
*Quyền hạn của Hội đồng trẻ em: (1) Được tham gia các hoạt động do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh tổ chức; (2) Được tham gia các hoạt động tham vấn trẻ em về các vấn đề của trẻ em khi Hội đồng nhân dân, UBND các cấp; các ban, ngành, đoàn thể muốn xin ý kiến trẻ em để nghiên cứu đưa vào các chính sách, quy định...; (3) Căn cứ vào điều kiện cụ thể, các thành viên Hội đồng trẻ em được tham gia các hoạt động gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Đoàn đại biểu Quốc hội, lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện trong các chương trình do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương và các cấp bộ Đoàn, Đội tổ chức.
*Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng trẻ em: (1) Hội đồng trẻ em tổ chức và hoạt động theo nguyên tấc tự nguyện, tự quản, có sự hướng dẫn của Ban Tham vấn. Các thành viên là trẻ em tự nguyện, được giới thiệu, đánh giá thông qua chi đội, liên đội và đại diện tiếng nói của trẻ em tại địa phương, đơn vị; (2) Các quyết định của Hội đồng trẻ em phải được thông qua tại phiên họp và cỏó sự đồng ý của trên 50% thành viên Hội đồng. Trong trường hợp các ý kiến đạt tỷ lệ không quá 50% thì do Chủ tịch Hội đồng trẻ em quyết định và phải được quy định trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng trẻ em; (3) Nhiệm kỳ của Hội đồng trẻ em theo nhiệm kỳ của tổ chức Đoàn cùng cấp; (4) Đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần của trẻ em khi tham gia các hoạt động của Hội đồng trẻ em.
*Về điều kiện, tiêu chuẩn tham gia Hội đồng trẻ em: (1) Trẻ em từ 09 đến dưới 16 tuổi. Bảo đảm sức khỏe và thời gian, tự nguyện đăng ký tham gia Hội đồng trẻ em; được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý; (2) Có phẩm chất đạo đức tốt, thành tích học tập tốt; (3) Có kiến thức về quyền trẻ em, có kỹ năng xã hội và tích cực tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động của Đội; (4) Đối với nhóm trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, tiêu chuẩn về thành tích trong học tập có thể xem xét, cân đối phù hợp với thực tiễn địa phương; (5) Thành viên Hội đồng trẻ em được đề cử bởi tổ chức cơ sở Đội và phụ trách Đội hoặc các câu lạc bộ do tổ chức Đoàn, Đội tại địa phương mà trẻ đang sinh hoạt. Ngoài ra, thành viên Hội đồng trẻ em có thể dược giới thiệu từ: Cán bộ liên đội, chi đội; thành viên các câu lạc bộ quyền trẻ em, phóng viên nhỏ; thành viên các đội tuyên truyền măng non, phát thanh măng non; thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, thiếu nhi dân tộc, nhập cư, thiếu nhi các nhà mở, mái ấm; thiếu nhi tiêu biểu trong học tập, thực hiện các quyền trẻ em, hoạt động Đội và công tác xã hội; thiếu nhi tài năng trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, có ảnh hưởng tích cực trong thiếu nhi tại địa phương...
*Về cơ cấu tổ chức và số lượng thành viên Hội đồng trẻ em: Căn cứ diện tích, số lượng các đơn vị hành chính, số lượng thiếu nhi trên địa bàn các xã, phường để xác định số lượng thành viên Hội đồng trẻ em cấp huyện không quá 30 em. Ban thường trực Hội đồng trẻ em cấp huyện gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội đồng do Hội đồng trẻ em cấp huyện bầu ra, là nhóm điều hành các công việc của Hội đồng dưới sự hỗ trợ của Ban Tham vấn, cơ cấu và số lượng như sau: (1) Chủ tịch Hội đồng: 01 em; (2) Phó Chủ tịch Hội đồng: 02 em (căn cứ vào số lượng thiếu nhi trên địa bàn hoặc điều kiện kinh tế - xã hội như: thành phố, thị xã thuộc tỉnh, có thể bố trí số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng trẻ em không quá 03 em); (3) Các ủy viên Hội đồng trẻ em bảo đảm tính đại diện cho các xã, phường, thị trấn, có cơ cấu hợp lí về thành phần, giới tính, dân tộc, độ tuổi, khối lớp.
Căn cứ vào năng lực của các thành viên và nhiệm vụ trong từng thời kỳ, Ban thường trực Hội đồng phân công nhiệm vụ cho từng thành viên hoặc xây dựng các ban, tiểu ban, nhóm, các mảng công việc cụ thể để triển khai hoạt động.
*Về quy trình thành lập Hội đồng trẻ em:
Bước 1: Ban Thường vụ Đoàn cấp huyện căn cứ vào hướng dẫn, nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Hội đồng trẻ em và báo cáo, xin ý kiến cấp ủy (thông qua Ban Dân vận) và Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp về chủ trương thành lập Hội đồng trẻ em; xây dựng tiêu chuẩn, phân bổ cơ cấu trẻ em tham gia Hội đồng trẻ em và gửi về các đơn vị trực thuộc giới thiệu nhân sự tham gia.
Bước 2: Các đơn vị căn cứ số lượng thành phần được phân bổ, xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn thành viên Hội đồng trẻ em đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn, thông qua ứng cử hoặc đề cử. Các em ứng cử, đề cử, trình bày chương trình hành động của mình tại liên đội hoặc đơn vị chọn cử. Căn cứ tiêu chuẩn, thành tích và kết quả phần trình bày của trẻ em, các liên đội lập danh sách giới thiệu trẻ em tham gia Hội đồng trẻ em xin ý kiến Nhà trường và gửi về Ban Thường vụ Đoàn cấp huyện.
Bước 3: Ban Thường vụ Đoàn cấp huyện họp, rà soát tiêu chuẩn, quy trình bình chọn, thống nhất lập danh sách trẻ em tham gia Hội đồng trẻ em cấp huyện; đồng thời, chuẩn bị dự thảo Quy chế làm việc của Hội đồng trẻ em. Ban Thường vụ Đoàn cấp huyện ban hành quyết định thành lập Hội đồng trẻ em.
Bước 4: Tổ chức Lễ ra mắt Hội đồng trẻ em, Hội đồng thông qua Quy chế làm việc và đi vào hoạt động.
Hằng năm, Hội đồng trẻ em cấp huyện tổ chức rà soát, kiện toàn những vị tri thành viên khuyết do trưởng thành, không còn sinh hoạt trong tổ chức Đội; không còn thuộc độ tuổi trẻ em hoặc không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện tiếp tục tham gia Hội đồng.
*Về tổ chức phiên họp của Hội đồng trẻ em:
Thời gian họp: Hội đồng trẻ em họp 1 năm 02 lần, trước kỳ họp của Hội đồng nhân dân cấp huyện. Họp bất thường khi phát sinh vấn đề liên quan đến trẻ em trên địa bàn hoặc khi có chủ trương từ Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương, Tình đoàn, Hội đồng Đội tỉnh.
Địa điểm, cơ sở vật chất của cuộc họp: Ban Thường vụ Đoàn, Hội đồng Đội cùng cấp phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, ngành Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho cấp ủy, Hội đồng nhân dân, chính quyền các cấp tạo điều kiện, cơ chế cần thiết để đảm bảo tổ chức thành công các phiên họp của Hội đồng trẻ em. Đơn vị nơi trẻ em sinh hoạt hỗ trợ, tạo điều kiện về thời gian, phương tiện đi lại, kinh phí (nếu cần thiết) đối với trẻ em tham gia Hội đồng.
Thành phần tham dự phiên họp: Đại biểu khách mời (đại diện lãnh đạo cấp ủy, Đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân, UBND cùng cấp; lãnh đạo các phòng, ban, ngành, các cơ quan liên quan đến công tác trẻ em trên địa bàn); các thành viên Ban Tham vấn Hội đồng trẻ em cấp huyện; các trẻ em là thành viên Hội đồng trẻ em cấp huyện. Tùy theo chủ đề các phiên họp, có thể mời thêm các "cử tri trẻ em", mời đại biểu đại diện nhà trường, phụ huynh, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp. Phóng viên các cơ quan báo chí, truyền hình.
Nội dung phiên họp: Theo các chuyên đề được thống nhất từ Chương trình hoạt động của Hội đồng trẻ em, tập trung vào các nội dung chính sau: (i) Kết quả triển khai thực hiện Luật Trẻ em và quyền trẻ em trên địa bàn; (ii) Thực trạng thực hiện quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền tham gia của trẻ em ở địa phương, đơn vị; (iii) Phản ánh, đấu tranh với những hành vi vi phạm quyền trẻ em tại địa phương; (iv) Việc thực hiện các chủ trương, chính sách về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại địa phương; (v) Các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hoá tại địa phương liên quan đến việc đảm bảo quyền trẻ em.
Mỗi phiên họp cần sơ kết quá trình hoạt động của các thành viên Hội đồng. Tổng hợp, lựa chọn và xây dựng kế hoạch để kịp thời, định kỳ phản ánh các vấn đề của trẻ em tại địa phương.
Hình thức, tiến trình: Phiên họp Hội đồng trẻ em các cấp cơ bản gồm các bước sau: (i) Hội đồng trẻ em thu thập, chuẩn bị báo cáo tổng hợp các ý kiến, vấn đề liên quan đến trẻ em tại địa phương, liên đội; (ii) Các thành viên Hội đồng trẻ em phát biểu, thảo luận theo mô hình một phiên làm việc của Hội đồng nhân dân; (iii) Đại diện Ban Tham vấn phát biểu, tư vấn các kiến nghị của trẻ em.
Kết thúc phiên họp, các ý kiến của Hội đồng trẻ em sẽ được Ban Tham vấn tổng hợp, chuyển cho Hội đồng nhân dân cùng cấp trong vòng 10 ngày làm việc. Đồng thời, Ban Tham vấn tham mưu lãnh đạo Hội đồng nhân dân chỉ đạo các ban, ngành liên quan có trách nhiệm trả lời các kiến nghị của Hội đồng trẻ em trong vòng 15 ngày sau khi được tiếp nhận ý kiến.
Ngoài các phiên họp Hội đồng trẻ em định kỳ, Ban Thường vụ Đoàn, Hội đồng Đội các cấp tổ chức cho các thành viên của Hội đồng trẻ em tham gia các hoạt động tiếp xúc, lắng nghe các trẻ em ở địa phương, Liên đội để thu thập ý kiến, thông tin về tình hình trẻ em và tổ chức truyền thông về quyền trẻ em.