(Thanhhoa.dcs.vn): Nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn trường học, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của học sinh ngăn chặn bạo lực học đường và phối hợp ngăn chặn tội phạm, tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Công văn số 962/SGDĐT-GDTrH ngày 06/4/2023 yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố, ác trung tâm GDNN-GDTX và các đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể:
Tăng cường công tác truyền thông, cảnh báo về âm mưu, thủ đoạn của tội phạm, tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường học; nguy cơ tội phạm tấn công khi để lọt, lộ không tin cá nhân; thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo học sinh sử dụng các sản phẩm độc hại, chất gây nghiện để giáo viên, học sinh và gia đình học sinh đề cao cảnh giác và tích cực phát hiện, tố giác tội phạm.
Tiếp tục tăng cường quản lý học sinh, bảo mật thông tin cá nhân của học sinh và phụ huynh, không cung cấp thông tin cho bên thứ 3 khi chưa được sự đồng ý; Cung cấp các số điện thoại của nhà trường để phụ huynh học sinh liên hệ khi cần.
Siết chặt các biện pháp an ninh trường học, tạo các sân chơi, các hoạt động tập thể lành mạnh phù hợp với lứa tuổi học sinh... giúp học sinh nhận thức được các bài học của lòng nhân ái, đức bao dung, sự tôn trọng và trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội.
Tăng cường công tác phối hợp nhà trường-gia đình-xã hội để triển khai các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng học sinh đánh nhau, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; Thông qua hoạt động của giáo viên chủ nhiệm thông tin thường xuyên đến phụ huynh học sinh về tình hình thực hiện nền nếp ra vào lớp, tình trạng sức khỏe... của học sinh; Chủ động phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể tại địa phương và gia đình học sinh nhằm tăng cường quản lý, theo dõi, giám sát việc học tập, sinh hoạt, vui chơi của học sinh tại gia đình, nhà trường, khu vực xung quanh trường học và cộng đồng nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ việc học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, chất gây nghiện, học sinh đánh nhau hoặc vui chơi mất an toàn dẫn đến tai nạn thương tích, đuối nước. Tích cực trao đổi, cung cấp cho công an địa phương các thông về các vụ việc bạo lực học đường, nguy cơ bạo lực học đường, ngăn chặn không để các video về bạo lực học đường lan truyền trên không gian mạng.
Quán triệt và cảnh báo đến phụ huynh học sinh cảnh giác với những thông tin giả mạo thông qua điện thoại như: giả mạo việc con, người thân bị tai nạn cần chuyển tiền gấp để thực hiện phẫu thuật, bị ốm phải nộp tiền cấp cứu hoặc các tin giả mạo khác nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tổ chức các hoạt động trọng điểm tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống bạo lực học đường cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh; tập trung tuyên truyền các nội dung về nhận biết hành vi bạo lực học đường, hậu quả, tác hại của bạo lực học đường, cách thức và biện pháp giải quyết khi bị bạo lực học đường hoặc chứng kiến bạo lực học đường, tránh tâm lý thờ ơ, vô cảm trước hiện tượng bạo lực học đường. Tạo dư luận tích cực để lên án hiện tượng bạo lực học đường.
Thường xuyên rà soát Bộ quy tắc ứng xử trong trường học; sửa đổi, bổ sung nội quy trường, lớp phù hợp với tình hình thực tế; Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ tư vấn tâm lý trường học nhằm giúp đỡ, hỗ trợ học sinh ngặn chặn không để các bức xúc về tâm lý là nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường.
Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung trên, đồng thời định kỳ báo cáo kết quả thực hiện (trước ngày 15/6 và 15/12 hàng năm) và báo cáo các vụ việc đột xuất xảy ra dể theo dõi, chỉ đạo.