(Thanhhoa.dcs.vn): Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Quy định phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ kèm theo Quyết định số 2859-QĐ/TU ngày 20/9/2023.

Theo Quy định, nội dung quản lý tổ chức bộ máy gồm: Quyết định chủ trương thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chuyển giao, chia tách, giải thể các đơn vị hành chính, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. Quyết định thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chuyển giao, chia tách, giải thể, giải tán các tố chức đảng, các cơ quan tham mưu, đơn vị trực thuộc Tỉnh ủy theo quy định. Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy các đơn vị trực thuộc theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. Đánh giá, xếp loại, khen thưởng và kỷ luật các tổ chức đảng. Phê duyệt đề án, danh mục vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, viên chức khối cơ quan đảng, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện.

Nội dung quản lý cán bộ: Phân cấp quản lý cán bộ. Đánh giá cán bộ. Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tuyển chọn, bố trí, phân công, bổ nhiệm, bố nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái; cho thôi giữ chức vụ; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức đối với cán bộ. Khen thưởng, kỷ luật cán bộ. Thực hiện chế độ, chính sách cán bộ. Kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác cán bộ và cán bộ.

02 Nguyên tắc quản lý cán bộ

(1) Ban chấp hành đảng bộ, ban thường vụ cấp ủy các cấp thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở về công tác cán bộ: Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy đảng các cấp cụ thể hoá đường lối, chú trương, chính sách, tiêu chuẩn, quy chế, quy định về cán bộ và công tác cán bộ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư phù hợp với tình hình của tỉnh, của địa phương, cơ quan, đơn vị và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thông qua các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Cấp ủy đảng các cấp chăm lo xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tố chức và người đứng đầu trong hệ thống chính trị. Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công, phân cấp quản lý cán bộ cho các cấp ủy, tổ chức đảng; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện của các ngành, các cấp.

(2) Bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định, đồng thời phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân, trước hết là người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ: Những vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ, đình chỉ chức vụ, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật cán bộ phải do tập thể cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo có thẩm quyền thảo luận dân chủ và quyết định theo đa số. Trường hợp ý kiến của người đứng đầu và ý kiến của tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị khác nhau thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm đề xuất và tổ chức thực hiện quyết định của tập thể về cán bộ và công tác cán bộ trong phạm vi được phân công phụ trách. Cán bộ, đảng viên phải chấp hành chủ trương, nghị quyết, quyết định của cấp ủy, tổ chức đảng; cấp ủy cấp dưới phải chấp hành quyết định của cấp ủy cấp trên về cán bộ và công tác cán bộ.

Trách nhiệm quản lý và thẩm quyền quyết định đối với cán bộ

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện định hướng và quyết định những chủ trương, vấn đề lớn, quan trọng về công tác cán bộ và cán bộ theo phân cấp của Bộ Chính trị và Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, trực tiếp quyết định một số nội dung trong công tác cán bộ; phân công, phân cấp cho các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị quyết định một số khâu, nội dung về công tác cán bộ đối với một số chức danh cán bộ; ủy quyền cho Thường trực Tỉnh ủy quyết định một số khâu, nội dung trong công tác cán bộ.

Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý và sử dụng cán bộ đang công tác, sinh hoạt ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình theo quy định tại Khoản 2, Điều 1 Quy định này và chịu trách nhiệm trước cấp có thẩm quyền về phạm vi được phân cấp, uỷ quyền trong quản lý cán bộ. Trường hợp một người đồng thời đảm nhiệm nhiều chức vụ thuộc thẩm quyền quản lý của các cấp khác nhau thì cấp quản lý chức vụ cao nhất xem xét, quyết định.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc kiếm tra, giám sát, lấy phiếu tín nhiệm theo quy định; xem xét, quyết định hoặc đề nghị khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ được phân cấp quản lý; thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; cho từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ được phân cấp quản lý hoặc trong phạm vi được phân công phụ trách.

Quy định cũng nêu rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ; nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức khối cơ quan đảng, đoàn thể.

Phân cấp quản lý đối với cán bộ đã thôi giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu

Cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý khi đã thôi giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu (trừ trường hợp đã thôi giữ chức vụ, hoặc được điều động, bố trí công tác khác không thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý) vẫn phải được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến về việc tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; thành viên lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; làm cấp trưởng, cấp phó các hội và các tổ chức (không bao gồm trưởng ban vận động thành lập hội, tố chức); làm thành viên, lãnh đạo quản lý các tổ chức có yếu tố nước ngoài; làm chủ tịch hội đồng thành viên (hội đồng quản trị), giám đốc (tổng giám đốc) doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Đi nước ngoài, tiếp khách quốc tế, trả lời phỏng vấn nước ngoài, nhận huân chương, huy chương, danh hiệu, giải thưởng cúa nước ngoài và các tổ chức quốc tế tặng. Khen thưởng, kỷ luật cán bộ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ủy quyền cho Thường trực Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến đối với các nội dung nêu trên.

Ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể cấp tỉnh xem xét, cho ý kiến đối với các chức danh cán bộ khi còn đang công tác hoặc đã nghỉ hưu thuộc thẩm quyền được phân cấp quản lý.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị để quy định cụ thể việc phân công, phân cấp quản lý tố chức bộ máy và cán bộ trong phạm vi phụ trách. Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra, các ban và Văn phòng Tỉnh ủy có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy định cũng như việc quy định phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ của cấp dưới. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, phát sinh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Ban Tố chức Tỉnh ủy) để xem xét, giải quyết...

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 580-QĐ/TU ngày 02/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

(Lê Đức Hùng - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)