(Thanhhoa.dcs.vn): Để phòng, chống lấn chiếm đất, xây dựng các công trình trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đảm bảo sự ổn định của bờ; phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước và môi trường; bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước; tạo không gian cho các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, tín ngưỡng phục vụ công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 05/4/2023 về việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023.

Tổng số mốc cần cắm năm 2023 thuộc các đoạn sông trên địa bàn tỉnh nằm trong danh mục phải lập hành lang bảo vệ đã được phê duyệt tại Quyết định số 5282/QĐ-UBND ngày 26/12/2018 của UBND tỉnh Thanh Hoá là 111 mốc, trong đó: Đoạn thuộc sông Lạch Bạng trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, gồm 22 mốc, chiều dài 21,00km. Các đoạn thuộc sông Chu trên địa bàn các huyện: Thường Xuân, Thọ Xuân và Thiệu Hóa, gồm 89 mốc, chiều dài 72,20km.

Quy cách mốc hành lang bảo vệ nguồn nước được thiết kế theo Thông tư số 48/2014/TT-BTNMT quy định kỹ thuật về xác định đường địa giới hành chính, cắm mốc địa giới và lập hồ sơ địa giới hành chính các cấp.

Thời gian thực hiện cắm mốc giới là mười (10) tháng, kể từ ngày quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu. Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện kiểm tra nghiệm thu sản phẩm theo quy định tại Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 Quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; Thông tư số 24/2018/TT-BTNMT ngày 15/11/2018 Quy định về kiểm tra, thẩm định, nghiệm thu chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ.

UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường lập Phương án và dự toán chi tiết nguồn kinh phí cắm mốc gửi Sở Tài chính thẩm định, đồng thời xây dựng Kế hoạch lựa chọn nhà thầu trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt; kiểm tra, nghiệm thu, bàn giao mốc cho UBND cấp huyện và UBND cấp xã quản lý, bảo vệ theo quy định của pháp luật. Sở Tài chính thẩm định Phương án và dự toán chi tiết cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt; bố trí kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp môi trường để phục vụ công tác cắm mốc theo kế hoạch được phê duyệt. UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn cùng với đơn vị tư vấn thực hiện công tác cắm mốc; giải quyết các vướng mắc tại địa phương khi thực hiện công tác cắm mốc giới; nhận bàn giao mốc giới để quản lý, bảo vệ; tuyên truyền cho Nhân dân biết và thực hiện quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định tại Nghị định 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ.

(Lê Đức Hùng - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)