(Thanhhoa.dcs.vn): Xây dựng nông thôn mới (NTM) là một cuộc vận động xã hội sâu sắc và toàn diện, phát triển cả về kinh tế, văn hóa - xã hội và đời sống, được thực hiện theo phương châm “lấy sức dân để lo cho dân”. Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, sâu rộng, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân, tạo được sự chuyển biến cả về lượng và chất ở khu vực nông thôn của tỉnh.

Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 341/465 xã (chiếm 73,3%), 884 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; trong đó, có 48 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 05 xã, 97 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt 17,7 tiêu chí/xã, cao hơn 1,12 tiêu chí NTM so với bình quân cả nước. Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Tỉnh uỷ đã ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 (tại Quyết định số 622-QĐ/TU ngày 23/7/2021), nhằm cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ), ban hành Quy chế làm việc của BCĐ và phân công nhiệm vụ thành viên BCĐ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2025 để trực tiếp theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện chương trình. Công tác tuyên truyền, tập huấn được triển khai đồng bộ. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xây dựng các chương trình cụ thể, thiết thực tạo sự chuyển biến và sức lan toả về Chương trình xây dựng NTM trong hệ thống tổ chức và hội viên...

Phong trào xây dựng NTM đi vào thực chất, các hình thức sản xuất trong nông thôn được đẩy mạnh, phát triển tích cực, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân nông thôn. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 40,068 triệu đồng (tăng 6,168 triệu đồng so với năm 2020), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,51% (giảm 0,69%), hộ cận nghèo 5,78% (giảm 0,88%). Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Ocop) được quan tâm thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực, gắn chặt chẽ với quá trình xây dựng NTM, phù hợp với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường; đến nay, toàn tỉnh 158 sản phẩm Ocop cấp tỉnh, trong đó có 01 sản phẩm Ocop 5 sao cấp quốc gia (nước mắm Lê Gia).

Công tác huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng NTM được chú trọng thực hiện hiệu quả, bên cạnh các nguồn vốn ngân sách nhà nước, các địa phương đã chủ động vận động đa dạng các nguồn lực khác, nhất là nguồn lực của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, con em xa quê thành đạt để xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM. Năm 2021, tổng vốn huy động xây dựng NTM ước đạt trên 5.879 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách các cấp 3.701,75 tỷ đồng, chiếm 62,96% (bao gồm ngân sách Trung ương 225,312 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 674,549 tỷ đồng, ngân sách huyện 941,535 tỷ đồng, ngân sách xã 1.860,354 tỷ đồng); vốn lồng ghép các chương trình, dự án 306,99 tỷ đồng, chiếm 5,22%; vốn tín dụng 486,955 tỷ đồng, chiếm 8,28%; vốn doanh nghiệp, HTX 387,304 tỷ đồng, chiếm 6,59%; vốn huy động từ cộng đồng dân cư đạt 996,019 tỷ đồng, chiếm 16,94% (trong đó tiền mặt 479,191 tỷ đồng, tham gia ngày công lao động, hiến đất, vật liệu xây dựng tương đương 516,828 tỷ đồng). Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn xây dựng NTM được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, phát huy tối đa vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là giám sát của cộng đồng trong xây dựng hạ tầng NTM tại các địa phương; đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo, cứng hóa 2.104 km đường nông thôn, 972 km rãnh thoát nước, 127 công trình thủy lợi, 318 km kênh mương, 1.572 phòng học các cấp, 784 đường dây điện hạ thế, 232 trạm biến áp, 43 trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, 391 nhà văn hóa thôn, 43 chợ nông thôn, 55 trạm y tế xã, 32 công trình công sở xã, 41 công trình cấp nước sinh hoạt, 16 công trình bãi chứa rác thải tập trung và xử lý ô nhiễm môi trường, 101 nghĩa trang theo quy hoạch, xây dựng mới và chỉnh trang trên 26 nghìn nhà ở dân cư.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đó là: (1) Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, đã ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và xây dựng NTM nói riêng, nhất là việc bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện các chương trình, dự án. (2) Hoạt động của Ban chỉ đạo một số địa phương chưa thực sự có chiều sâu, chưa phát huy hiệu quả, công tác chỉ đạo chưa sâu sát; một bộ phận cán bộ và Nhân dân có tư tưởng thỏa mãn, bằng lòng sau khi đã đạt chuẩn ở một số địa phương, dẫn đến việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM chưa được quan tâm đúng mức, thiếu tính bền vững. (3) Kết quả thực hiện quy hoạch chung xây dựng xã theo yêu cầu giai đoạn mới của các huyện còn chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức triển khai phát triển kinh tế - xã hội nói chung và hiệu quả xây dựng NTM nói riêng. (4) Nông nghiệp phát triển chưa ổn định, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao, sản xuất chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, nhỏ lẻ, chưa có nhiều mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị và chưa có nhiều sản phẩm mới, có thương hiệu. (5) Kết quả xây dựng NTM vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa các vùng miền (tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM vùng đồng bằng trên 92%, trong khi miền núi chỉ đạt 30%; bình quân tiêu chí/xã của vùng đồng bằng đạt 18,6, trong khi miền núi đạt 15,5); hầu hết các xã chưa đạt chuẩn NTM là các xã có xuất phát điểm thấp, nhất là các xã khu vực miền núi, xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội khó khăn, địa hình chia cắt, suất đầu tư lớn; chỉ tiêu xây dựng NTM kiểu mẫu đạt thấp so với kế hoạch đề ra (đạt 4/7 xã, bằng 57,14% kế hoạch). Việc thực hiện yêu cầu nội dung tiêu chí về nước sạch gặp nhiều khó khăn đối với các xã thuộc khu vực miền núi; vấn đề thu gom, xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt, ô nhiễm không khí từ chăn nuôi ở nhiều xã có nhiều bất cập, có nơi trở thành vấn đề nổi cộm, đã và đang gây ra những tác động tiêu cực đến cảnh quan và chất lượng môi trường nông thôn…

Trong những năm tới, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh tiếp tục được thực hiện theo hướng toàn diện, nâng cao và bền vững. Với mục tiêu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 17 huyện, thị xã, thành phố trở lên, 88% số xã trở lên, 65% số thôn, bản miền núi trở lên đạt chuẩn NTM (trong đó có 04 huyện trở lên và 40% số xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao; 10% số xã trở lên và 10% số thôn, bản trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu); bình quân toàn tỉnh đạt 18,6 tiêu chí/xã trở lên; bình quân mỗi xã có 01 sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm Ocop cấp tỉnh (3 - 4 sao), toàn tỉnh có 05 sản phẩm trở lên được công nhận là sản phẩm Ocop quốc gia (5 sao).

Để hoàn thành được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, trước hết cần bám sát và cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 25/2021/QH15 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và các văn bản chỉ đạo khác của Trung ương về xây dựng NTM; đồng thời tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân và doanh nghiệp trong xây dựng NTM. Thực hiện tốt công tác quán triệt, triển khai, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM. Tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo, bộ phận tham mưu, giúp việc các cấp theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện. Đề cao và tạo điều kiện phát huy vai trò, tầm quan trọng của doanh nhân, doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng NTM ở địa phương.

Thứ hai, đẩy nhanh hoàn thành công tác rà soát, lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện và quy hoạch chung xây dựng xã trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng NTM của các địa phương giai đoạn 2021 - 2025; chú trọng thực hiện nghiêm túc, bài bản quy hoạch sau khi phê duyệt, gắn với đặc trưng vùng, miền, địa phương, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, từng bước phát triển đô thị, tạo kết nối đồng bộ.

Thứ ba, tập trung hoàn thiện khung văn bản quy định tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh và từng địa phương, đơn vị. Trong đó, phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình thực hiện của cả giai đoạn 2021 - 2025 và từng năm, xác định các nguồn lực cụ thể và có giải pháp tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn về cơ chế, chính sách để tạo động lực cho sự phát triển, đồng thời khuyến khích các địa phương thi đua thực hiện hiệu quả các chương trình.

Thứ tư, tăng cường thực hiện các giải pháp huy động tối đa các nguồn lực, kết hợp lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án và các nguồn lực hợp pháp khác để tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó chú trọng huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm và nhất là từ Nhân dân trên cơ sở các quy định của Nhà nước để đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng cơ bản, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân khu vực nông thôn.

Thứ năm, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện chương trình, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong công cuộc xây dựng NTM. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc trong các phong trào xây dựng NTM; nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong xây dựng NTM trong toàn tỉnh.

Thứ sáu, chú trọng triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, chất lượng và bền vững. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn (giao thông, điện, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nước sạch tập trung…), đáp ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp và tập trung triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm Ocop theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao. Chú trọng bảo vệ môi trường và chỉnh trang, xây dựng cảnh quan nông thôn văn minh, sáng - xanh - sạch - đẹp và an toàn. Quan tâm phát triển giáo dục, y tế, văn hóa cơ sở và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch nông thôn. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở; tiếp tục giữ gìn an ninh và trật tự xã hội khu vực nông thôn.

(Nguyễn Ngọc Hưng - Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa)