(Thanhhoa.dcs.vn): Mường Lát là huyện miền núi vùng cao biên giới phía Tây Bắc của tỉnh, cách trung tâm thành phố Thanh Hoá 250 km; phía Bắc giáp huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La; phía Tây và phía Nam giáp huyện Viêng Xay và huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) với đường biên giới dài 105,5 km; phía Đông giáp huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Huyện có diện tích tự nhiên 81.240,95 ha, gồm 07 xã và 01 thị trấn, 88 bản, khu phố; dân số 41.114 người, gồm 06 dân tộc anh em cùng sinh sống (trong đó: dân tộc Thái chiếm 45%, dân tộc Mông chiếm 42%, còn lại là các dân tộc Mường, Dao, Kinh, Khơ Mú).
Là huyện thuộc khu vực vùng cao, biên giới khó khăn nhất của tỉnh, địa hình phức tạp, chia cắt nhiều, đồi núi cao, độ dốc lớn, đất đai cằn cỗi, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên chịu hậu quả của thiên tai, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống, sinh hoạt của Nhân dân. Những năm qua, mặc dù cơ cấu kinh tế của huyện đã có sự chuyển dịch theo hướng phù hợp với định hướng chung của tỉnh, song vẫn ở mức thấp so với mức mặt bằng của tỉnh và các huyện miền núi khác; chủ yếu dựa vào sản xuất nông lâm nghiệp. Lực lượng lao động đa phần tập trung ở nông thôn và chủ yếu là lao động nông nghiệp thời vụ; tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật rất thấp, chưa qua đào tạo, nhận thức, kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, khả năng thích ứng môi trường mới còn hạn chế; tác phong và kỷ luật lao động còn nhiều bất cập, số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở phần lớn chưa bắt kịp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Mường Lát thuộc 61 huyện nghèo nhất cả nước theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu, dịch bệnh... Song, với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương; sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và sự đoàn kết, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong huyện, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Mường Lát trong giai đoạn 2016-2020 đã đạt được những kết quả quan trọng. Từ nguồn kinh phí được Trung ương và tỉnh phân bổ hàng năm, huyện Mường Lát đã triển khai thực hiện các chương trình, dự án, tiểu dự án thành phần trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và đem lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể:
Về thực hiện Chương trình 30a:
- Tiểu dự án "Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng huyện nghèo": Đã đầu tư xây dựng 19 công trình (gồm 09 công trình đường giao thông, 09 công trình thủy lợi và 01 trung tâm giáo dục nghề nghiệp), với tổng kinh phí thực hiện là 334.065 triệu đồng, trong đó: Vốn đầu tư là 333.198 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 10.867 triệu đồng;
- Tiểu dự án "Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo": Đã hỗ trợ 8.768 triệu đồng cho các đối tượng tham gia bảo vệ rừng phòng hộ và rừng sản xuất tự nhiên, nhằm góp phần nâng cao chất lượng, trữ lượng và độ che phủ của rừng. Bên cạnh đó, huyện đã triển khai 45 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất (38 mô hình chăn nuôi, 07 mô hình trồng trọt) và 02 mô hình giảm nghèo (mô hình chăn nuôi), với tổng kinh phí là 14.525,3 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh cấp 10.821,5 triệu đồng, ngân sách địa phương đảm bảo 6,0 triệu đồng, kinh phí đối ứng của các hộ gia đình tham gia là 3.697,8 triệu đồng.
- Tiểu dự án "Hỗ trợ cho lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài": Đã hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài cho trên 400 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và hỗ trợ nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và tuyên truyền viên cơ sở; hỗ trợ hoạt động tư vấn người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn, với tổng kinh phí 1.032 triệu đồng.
Về thực hiện Chương trình 135:
- Tiểu dự án "Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn": Đã đầu tư xây dựng 51 công trình (trường học, đường giao thông, trạm y tế, công trình thủy lợi, công trình nước sạch, nhà văn hóa, công trình thể thao), với tổng kinh phí thực hiện 48.416,3 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư là 45.548,3 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 2.868 triệu đồng.
- Tiểu dự án "Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các thôn, bản đặc biệt khó khăn": Đã hỗ trợ triển khai 49 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất (40 mô hình chăn nuôi, 08 mô hình trồng trọt, 01 mô hình lâm nghiệp) và 03 mô hình giảm nghèo (mô hình chăn nuôi), với tổng kinh phí là 15.058,4 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh 11.127,1 triệu đồng, kinh phí đối ứng của các gia đình tham gia 3.931,4 triệu đồng.
Về truyền thông và giảm nghèo về thông tin: Đẩy mạnh thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về giảm nghèo thông qua việc xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình và các sản phẩm thông tin khác (như tờ rơi, áp-phích, pa-nô, khẩu hiệu…); tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng thông tin, tuyên truyền cho cán bộ cơ sở; tăng cường đưa thông tin về cơ sở, tuyên tuyền, cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị và cung cấp thông tin thiết yếu cho người dân. Tổng kinh phí thực hiện các hoạt động 187 triệu đồng.
Về nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình: Tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết thực hiện Chương trình giảm nghèo trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn huyện; tổng kinh phí thực hiện 178 triệu đồng.
Kết quả thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo trên địa bàn huyện Mường Lát giai đoạn 2016-2021: Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Mường Lát (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016-2020) đã giảm 33,32% (từ 64,96% năm 2016 xuống còn 31,64% năm 2021), bình quân giảm 5,55%/năm. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện năm 2021 là 20,6 triệu đồng, tăng 28% so với thời điểm cuối năm 2015 (là 16,1 triệu đồng).
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Mường Lát trong những năm qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; vẫn còn xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 50% (xã Mường Lý có tỷ lệ hộ nghèo 52,23%); trên 95% hộ nghèo, cận nghèo tập trung ở vùng nông thôn miền núi; đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng núi cao, khu vực biên giới; nhiều thôn, bản giao thông đi lại khó khăn, vẫn còn hộ dân thiếu đói lúc giáp hạt. Kết cấu hạ tầng tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi; hoạt động thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn, vốn đầu tư phát triển chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước, việc huy động các nguồn lực xã hội còn hạn chế...
Để thực hiện thành công mục tiêu sớm đưa huyện Mường Lát thoát nghèo bền vững, trong thời gian tới, huyện cần tập trung thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của huyện; tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm dần địa bàn thuộc diện đặc biệt khó khăn, tạo chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, sáng tạo quy định “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và của Tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, cải thiện đời sống của Nhân dân trên địa bàn huyện.