(Thanhhoa.dcs.vn): Trong những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân và doanh nghiệp, cụ thể như sau:

 - Về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: Mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh bao gồm quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng với tổng chiều dài khoảng 25.284,2km; trong đó: Quốc lộ gồm 13 tuyến với tổng chiều dài 1.299,3km. Mạng lưới đường tỉnh gồm 61 tuyến với tổng chiều dài 1.464,7km; trong đó có 175,7km đã được đầu tư vào cấp hoàn chỉnh từ cấp III trở lên, chiếm tỷ lệ 12%, các đoạn còn lại phần lớn mới đạt cấp IV đến cấp VI; tỷ lệ cứng hóa các tuyến đạt 100%. Mạng lưới đường đô thị gồm 1.330 tuyến với tổng chiều dài 661,3km, tập trung chủ yếu tại thành phố Thanh Hóa và thành phố Sầm Sơn; tỷ lệ mặt đường từ láng nhựa trở lên đạt 96%, tỷ lệ chiều dài đường có quy mô trên 2 làn xe chiếm đến 87%. Mạng lưới đường huyện có 301 tuyến với tổng chiều dài 1.859,7km, tỷ lệ mặt đường cứng hóa đạt 81,64%. Mạng lưới đường chuyên dùng có 115 tuyến với tổng chiều dài 184,3km. Còn lại là hệ thống đường xã và các loại đường nông thôn có tổng chiều dài là 19.815,8km, chiếm tỷ lệ 78,37% tổng chiều dài hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, theo quy hoạch, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh (đi qua thành phố Thanh Hóa, thị xã Nghi Sơn và 7 huyện Hà Trung, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Nông Cống, Triệu Sơn) với tổng chiều dài 104,243 km, gồm 98,543km đường cao tốc và 5,7km tuyến đường ngang.

Nhìn chung, mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư xây dựng, nhiều tuyến đường quan trọng, mang tính kết nối vùng và khu vực đã được đưa vào khai thác, nâng cao năng lực hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh. Mạng lưới đường tỉnh về cơ bản đã hình thành kết nối với mạng lưới đường quốc gia, trung tâm hành chính các địa phương trên địa bàn. Hệ thống đường đô thị tại các thành phố trọng điểm như thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn về cơ bản đã được hoàn thiện; các tuyến đường tránh đô thị cũng đã được hình thành; hệ thống bến xe cơ bản được đảm bảo, toàn tỉnh hiện có 21/27 địa phương đã có bến xe khách, đảm bảo tổ chức hoạt động vận tải hành khách nội tỉnh và liên tỉnh được thuận lợi. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ còn những hạn chế, bất cập như: một số tuyến quốc lộ chưa đạt tiêu chuẩn theo cấp quy hoạch, quy mô, chất lượng mặt đường thấp, nhiều đoạn tuyến, mặt đường đã xuống cấp như các tuyến quốc lộ 47B, quốc lộ 15C; đường tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ. Quy mô, chất lượng các tuyến chính còn hạn chế, quốc lộ có 48% đạt cấp V và cấp VI; đường tỉnh có 76% đạt cấp V trở xuống.

- Đối với hệ thống phương tiện giao thông đường bộ: Đến hết năm 2021, tổng số ôtô trên địa bàn tỉnh có 127.366 xe các loại, tăng 16.426 xe so với năm 2020; trong đó xe ôtô con chiếm tỷ lệ khoảng 56%, xe tải chiếm 38%, xe khách chiếm 4%, còn lại xe khác chiếm tỷ lệ 2%; tăng trưởng bình quân ô tô con cá nhân trong giai đoạn 2016 - 2021 đạt khoảng 20%/năm. Tỷ lệ xe ôtô các loại/1.000 dân của Tỉnh thấp hơn so với bình quân cả nước ở cả 03 loại phương tiện xe con, xe khách và xe tải; tỷ lệ ô tô con/1.000 dân của Tỉnh đạt 16 xe/1.000 dân, tương đương với tỉnh Ninh Bình nhưng thấp hơn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Trên địa bàn tỉnh hiện có 2.079.716 xe mô tô và 110.409 xe máy điện, tăng 96.079 xe mô tô và tăng 7.320 xe máy điện so với năm 2020; tỷ lệ xe máy/1.000 dân của Tỉnh đạt khoảng 527 xe/1.000 dân, cao hơn mức bình quân chung của cả nước với khoảng 500 xe/1.000 dân.

Nhìn chung, so với các tỉnh lân cận, mức độ cơ giới hóa phương tiện cơ giới của Tỉnh còn thấp, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng phương tiện cơ giới cá nhân giai đoạn 2016 - 2021 trên địa bàn tỉnh tương đối cao; dự báo với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, trong khi các loại thuế, phí nhập khẩu phương tiện ngày càng giảm, khiến việc sở hữu phương tiện cá nhân dễ dàng hơn, dẫn đến gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ của Tỉnh trong thời gian tới, đặc biệt trong khu vực đô thị. Bên cạnh đó, tăng trưởng ô tô khu vực đô thị đòi hỏi nhu cầu đỗ xe lớn, do đó cần thiết phải quy hoạch và xây dựng các bãi đỗ xe phù hợp, tránh tình trạng đỗ xe tràn lan tại vỉa hè, lòng đường gây mất trật tự an toàn giao thông và cảnh quan đô thị. 

(Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa)