(Thanhhoa.dcs.vn): Năm 2021, mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; song được sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy đảng, chính quyền, cùng với sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và sự đồng thuận hưởng ứng của Nhân dân, hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đạt được kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Đã thành lập mới 3.729 doanh nghiệp, tăng 6,7% so với cùng kỳ, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên trên 20.100 doanh nghiệp, trong đó có 14.700 doanh nghiệp phát sinh doanh thu; huy động vốn đầu tư khu vực doanh nghiệp ước đạt 55.588,5 tỷ đồng, chiếm 40,4% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; khu vực doanh nghiệp đóng góp 56,3% GRDP của tỉnh; nộp ngân sách ước đạt 9.856 tỷ đồng, chiếm 45,9% tổng thu nội địa, gấp 1,5 lần so với năm 2020; giá trị xuất khẩu ước đạt 5,3 tỷ USD, đạt 133,5% kế hoạch, gấp 1,4 lần so với năm 2020.
Các chương trình, chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp được triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, nhiều thủ tục hành chính được cắt giảm; tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4 ngày càng tăng, tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đạt trên 85%; đăng ký thuế điện tử đạt tỷ lệ 97%; khai thuế điện tử đạt trên 98%; tỷ lệ thanh toán thuế trên hệ thống kết nối giữa Hải quan - Ngân hàng - Kho bạc đạt trên 99,8%. Công tác hỗ trợ tiếp cận tín dụng, hỗ trợ thuế, kế toán được quan tâm chỉ đạo, các tổ chức tín dụng đã đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, triển khai các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất; đến nay, toàn tỉnh có 5.904 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng với tổng dư nợ 47.048 tỷ đồng; các doanh nghiệp được hỗ trợ vay trả lương ngừng việc, vay phục hồi sản xuất, được hỗ trợ kê khai thuế, hải quan, nộp thuế, hoàn thuế..., giúp tiết kiệm thời gian, chi phí; trong năm, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 3.014 khách hàng với dư nợ 4.041 tỷ đồng, miễn giảm lãi vay cho 153 khách hàng với dư nợ 766 tỷ đồng, trong đó số tiền lãi đã miễn cho khách hàng đạt 2,16 tỷ đồng. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng được chỉ đạo quyết liệt; đã rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giao đất, cho thuê đất, tạo thuận lợi cho triển khai thực hiện các dự án; trong năm, có 102 dự án được thuê đất, giao đất, thu hồi đất, với tổng diện tích là 548,9ha. Công tác hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ thông tin, tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp được quan tâm thực hiện, đã tổ chức 59 lớp đào tạo nguồn nhân lực, 30 lớp sơ cấp nghề, 05 lớp tập huấn nâng cao năng lực khởi sự kinh doanh và 08 lớp tập huấn kiến thức về sản xuất thực phẩm an toàn; phát hành 45 phóng sự, bản tin hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật liên liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; xuất bản 3.500 cuốn sách cẩm nang về pháp luật lao động; tổ chức hội nghị đối thoại trực tuyến giải đáp vướng mắc về chính sách pháp luật thuế, chính sách hỗ trợ người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, góp phần nâng cao năng lực và kiến thức, kỹ năng quản trị, điều hành doanh nghiệp. Công tác hỗ trợ về khoa học công nghệ, mở rộng thị trường, tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị được quan tâm; đã hỗ trợ hình thành 193 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, 04 chuỗi liên kết lĩnh vực lâm nghiệp, 23 chuỗi liên kết khai thác, nuôi trồng, sơ chế, chế biến, xuất khẩu thủy sản; hình thành 39 khu/cụm trang trại chăn nuôi tập trung, sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; từng bước hình thành các chuỗi giá trị cây ăn quả tập trung tại các huyện Thạch Thành, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Như Xuân...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số ngành, địa phương về phát triển doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, chưa chủ động nắm bắt tình hình hoạt động, những khó khăn, hạn chế của doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ, giải quyết theo thẩm quyền; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, có lúc, có việc chưa chặt chẽ. Việc tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp còn chậm; nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp nhà nước chưa nhiều; một bộ phận cán bộ, công chức, một số cơ quan, ban, ngành chưa chủ động, tích cực làm hết trách nhiệm trong hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp. Trình độ, năng lực quản lý điều hành, hiểu biết pháp luật của một bộ phận chủ doanh nghiệp còn hạn chế; nhiều chủ doanh nghiệp còn lúng túng trong việc xác định phương hướng sản xuất kinh doanh, chưa năng động, sáng tạo và theo kịp với biến động của cơ chế thị trường, dẫn đến việc hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả.