(Thanhhoa.dcs.vn): Năm 2021, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, phát huy mạnh mẽ vai trò của công tác Mặt trận, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và mua bán người trên địa bàn tỉnh.

Công tác tuyên truyền, vận động được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên, các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng tới mọi người dân bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực; lồng ghép việc thực hiện Chương trình với các phong trào, cuộc vận động, tạo sức lan tỏa tại các khu dân cư, nhất là phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, Cuộc vận động “Toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào xây dựng “Gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”... Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã phát hành 21.200 cuốn Thông tin công tác Mặt trận Thanh Hóa, cấp phát 69.000 tờ Báo Đại đoàn kết đến Mặt trận các cấp và Ban công tác Mặt trận ở các khu dân cư; in 23.300 tờ rơi, 2.250 áp phích, 26.000 bản cam kết, 1.025 băng rôn, 350 pa nô về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả, điển hình trong phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, xây dựng khu dân cư an toàn về an ninh trật tự, không có mại dâm, HIV/AIDS, an toàn giao thông; khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa; mô hình “Xã, phường lành mạnh, khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, góp phần giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, giữ gìn an ninh, trật tự tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh.

Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương, cơ quan, đơn vị, phát huy vai trò tập hợp, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2025”, Đề án “Giải quyết tình hình phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy tại địa bàn các xã biên giới tỉnh Thanh Hóa”… Đẩy mạnh xây dựng mô hình “Toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy” trong toàn tỉnh, đặc biệt tại các xã biên giới; duy trì hoạt động của các tổ, đội hoạt động tình nguyện phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS tại các địa bàn trọng điểm; tích cực vận động, triển khai việc cai nghiện ma túy, cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng và gia đình; tăng cường công tác hòa giải, giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với các đối tượng nghiện ma túy, người nhiễm HID/AIDS ổn định cuộc sống, sớm hòa nhập cộng đồng.

Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình phòng, chống mua bán người theo Quyết định số 2546/QĐ-TTg ngày 31/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 21/3/2016 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên, các địa phương tổ chức nhiều buổi sinh hoạt, hội nghị đối thoại, trao đổi kinh nghiệm và triển khai các giải pháp phát huy các tổ, nhóm tự quản, người có uy tín trong việc ngăn chặn, phòng chống hiệu quả tội phạm mua bán người tại các khu vực nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số; lồng ghép tuyên truyền nâng cao cảnh giác cho người dân, nhất là những người lao động xuất khẩu, phụ nữ, trẻ em về tình hình tội phạm mua bán người, về các đối tượng lợi dụng lòng tin, lừa bán người ra nước ngoài để chủ động phòng, chống, tự bảo vệ bản thân và gia đình.

Công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục những người vi phạm pháp luật tại gia đình và cộng đồng dân cư được phổ biến thực hiện sâu rộng, Mặt trận Tổ quốc các cấp thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng công an tổ chức đánh giá, phân loại các đối tượng vi phạm pháp luật, lập danh sách đưa vào diện quản lý, giáo dục tại cộng đồng. Trong năm, có 2.015 người được các tổ chức quần chúng, gia đình, dòng họ, người có uy tín trong khu dân cư nhận cảm hóa, giáo dục, trong đó có 1.870 người từng bước tiến bộ, thành người có ích cho xã hội, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn dân cư; đến nay toàn tỉnh có 2.780/4.357 khu dân cư được công nhận đạt tiêu chuẩn về an ninh trật tự, không có tội phạm và tệ nạn xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và buôn bán người của Mặt trận Tổ quốc các cấp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Sự phối hợp với các cơ quan, đơn vị có lúc, có việc chưa chặt chẽ; công tác tuyên tuyền, vận động có nội dung còn biểu hiện hình thức; hoạt động của tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; số người nghiện ma túy và các tệ nạn xã hội ở một số địa bàn dân cư gia tăng; công tác giáo dục, cảm hóa, cải tạo người vi phạm pháp luật, người nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng dân cư hiệu quả còn thấp, hiện tượng tái nghiện, tái phạm tội còn cao.

(Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa)