Trong sự nghiệp CNH, HĐH quê hương, đất nước, khoa học và công nghệ (KH&CN) được xác định là động lực cơ bản và quan trọng nhất. Song, để KH&CN phát huy được vai trò, vị thế của nó, thì cần có các cơ chế, chính sách trọng tâm, trọng điểm và tính khả thi cao “dẫn đường”, nhằm khuyến khích, hỗ trợ KH&CN phát triển.
Mô hình trồng dưa vàng trong nhà lưới của Công ty TNHH MTV Dịch vụ thương mại nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36 (huyện Đông Sơn).
Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục quán triệt quan điểm “KH&CN thực sự là quốc sách hàng đầu”. Muốn vậy, cần đặt KH&CN ở vị trí hàng đầu trong mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, xây dựng được các cơ chế chính sách toàn diện, đồng bộ và bao trùm để làm đòn bẩy, làm điểm tựa cho sự phát triển KH&CN. Nắm vững quan điểm trên, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã có sự quan tâm đầu tư cho KHCN, từ đó, từng bước khẳng định vai trò của KH&CN trong sự nghiệp đổi mới và phát triển quê hương. Đồng thời, hàm lượng KH&CN cũng xuất hiện ngày càng nhiều trong các ngành, các lĩnh vực và đóng góp thiết thực vào nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Cụ thể, sau 5 năm triển khai khâu đột phá “Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”, đóng góp của KH&CN cho tăng trưởng kinh tế GRDP tỉnh Thanh Hóa thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) giai đoạn 2016-2020 ước đạt 38,56%. Năng lực KH&CN được nâng cao, thể hiện ở hệ thống tổ chức KH&CN công lập được tổ chức, sắp xếp lại và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; đã thành lập Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, Phân viện Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa, Trung tâm Đào tạo chuyển giao công nghệ thông tin; các phòng thí nghiệm, thử nghiệm của cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp được đầu tư nâng cấp đạt chuẩn LAS/VILAS hoặc tiêu chuẩn ngành theo quy định. Nhân lực KH&CN tăng về số lượng, chất lượng, hiện toàn tỉnh 3.116 cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học (tăng 8% so với năm 2015); đã hình thành được một số nhóm chuyên gia KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế và công nghệ thông tin. Số lượng doanh nghiệp KH&CN của tỉnh có bước phát triển đáng kể, với 31 doanh nghiệp và là 1 trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng doanh nghiệp KH&CN...
Tuy vậy, khách quan nhìn nhận, việc đầu tư cho KH&CN để lĩnh vực này xứng tầm là “quốc sách hàng đầu”, hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về nguồn lực đầu tư; đồng thời, nhiều nút thắt trong quá trình phát triển KH&CN đang rất cần tỉnh ta quan tâm tập trung tháo gỡ. Bởi đầu tư cho KH&CN còn thấp, hiệu quả chưa cao và có lúc, có nơi chưa xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến KH&CN chưa được đặt vào đúng vị thế của nó, hay chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xuất phát từ thực tế đó, việc xây dựng các cơ chế chính sách đồng bộ, có hiệu lực, hiệu quả, tính khả thi cao đang trở thành một giải pháp quan trọng tạo “bệ đỡ” cho KH&CN.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, chỉ rõ: “Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN; chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” và xem đây là 1 trong 3 khâu đột phá của tỉnh trong giai đoạn 2020-2025. Cùng với sự định hướng chung, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch nhằm khuyến khích, thúc đẩy KH&CN phát triển và từng bước đặt KH&CN vào đúng vị thế của nó trong cơ cấu các ngành, lĩnh vực. Điển hình như Nghị quyết 20/2021/NQ-HĐND ngày 17-7-2021 của HĐND tỉnh về việc ban hành “Chính sách khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025”. Nghị quyết số 20/NQ-HĐND là chính sách có sự kế thừa và phát huy lên một mức độ cao hơn về chất các chính sách khuyến khích KH&CN phát triển; trong đó, tập trung vào 5 chính sách, bao gồm: hỗ trợ ứng dụng kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo chuỗi giá trị hàng hóa quy mô lớn; hỗ trợ đầu tư mới hoặc đổi mới công nghệ cao bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản; hỗ trợ đầu tư mới hoặc đổi mới công nghệ - thiết bị sản xuất cát nhân tạo (cát nghiền).
Bên cạnh đó, ngày 13-8-2021, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành “Kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN; chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, giai đoạn 2021-2025”. Kế hoạch hướng đến đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN vào sản xuất và đời sống, tập trung ở các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ thương mại, du lịch, y tế, giáo dục, văn hóa, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường... Từ đó, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng, hiệu quả, tính thiết thực, khả thi của các sản phẩm nghiên cứu, ứng dụng KH&CN; từng bước đưa KH&CN thực sự trở thành động lực quan trọng để phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân; đồng thời, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2025, tỉnh ta trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.
Cùng với các nghị quyết, kế hoạch thúc đẩy KH&CN phát triển, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt “Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025”; với trọng tâm là tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, quyền lợi, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đối với sở hữu trí tuệ; đẩy mạnh tạo lập, quản lý, bảo hộ và phát triển các sản phẩm trí tuệ. Từ đó, đề ra mục tiêu: 100% các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được đáp ứng; có ít nhất 40 sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù, sản phẩm làng nghề truyền thống và sản phẩm OCOP của tỉnh được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ thông qua triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; thực hiện được ít nhất 1 nhiệm vụ KH&CN về triển khai các biện pháp bảo vệ và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ; 100% các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ và hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu KH&CN... Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; triển khai các biện pháp bảo vệ và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ; tổ chức trưng bày, triển lãm phân biệt sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; hình thành, tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội.
Ngoài ra, để KH&CN, đổi mới sáng tạo trở thành giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, yêu cầu đặt ra là hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo phải được đẩy mạnh ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, với các tổ chức doanh nghiệp, HTX là trung tâm đổi mới sáng tạo, tổ chức KH&CN là chủ thể nghiên cứu chủ yếu. Đồng thời, ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực cho phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo; khai thác tối đa hiệu quả các nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN, đổi mới sáng tạo... Mục tiêu hướng đến của đề án là tỷ lệ đóng góp của hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP của tỉnh giai đoạn 2021-2025 đạt tối thiểu 40%; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2025; 100% các nhiệm vụ KH&CN sau khi nghiệm thu đạt yêu cầu được đưa vào ứng dụng; 100% các dự án đầu tư mới vào địa bàn tỉnh có sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao hoặc các dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường có sử dụng công nghệ được thẩm tra, thẩm định về công nghệ. Xây dựng mới ít nhất 30 doanh nghiệp KH&CN, nâng tổng số doanh nghiệp KH&CN của tỉnh đến năm 2025 lên 60 doanh nghiệp. Hỗ trợ phát triển 10 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 10 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...
Nhiều chuyên gia cho rằng, nhân tố quyết định đến việc vận dụng và phát triển KH&CN hiện đại không chỉ là nguồn lực tài chính, hệ thống máy móc thiết bị, hay điều kiện tự nhiên, văn hóa - xã hội; mà quan trọng nhất, có tính quyết định nhất là nguồn lực con người và thể chế. Chính vì lẽ đó, hoàn thiện các cơ chế chính sách làm đòn bẩy thúc đẩy KH&CN phát triển, cũng chính là chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội địa phương.