Xác định ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào hoạt động khám, chữa bệnh (KCB), chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, ngành y tế không ngừng đầu tư, nâng cấp hạ tầng thiết bị; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ y học hiện đại vào công tác khám, điều trị cho bệnh nhân, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong những đơn vị ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong công tác khám, chữa bệnh.
Với việc chủ động đầu tư trang thiết bị, kinh phí cho công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật cao, như: phẫu thuật nội soi sử dụng cánh tay Robot Dex lấy sỏi niệu quản đoạn 1/3 trên; kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học Solitare ở bệnh nhân nhồi máu não cấp do tắc mạch máu lớn; ứng dụng Microsoft Access trong quản lý sử dụng hóa chất, vật tư y tế của máy xét nghiệm COBAS 8000 tại Khoa Hóa sinh; cắt khối tá tụy tại Khoa ngoại Gan mật; phẫu thuật điều trị hội chứng ống cổ tay tại Khoa Chấn thương; ứng dụng kỹ thuật điện xung trong điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bằng máy điện xung phisomed... góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.
Tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, nhiều công nghệ mới trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã được nghiên cứu, ứng dụng thành công. Những tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến trên thế giới được ứng dụng kịp thời. Nhiều ca bệnh hiểm nghèo đã được cứu chữa, nhiều cặp vợ chồng hạnh phúc khi những đứa con khỏe mạnh chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm nhờ áp dụng kỹ thuật cao và kỹ thuật siêu âm bốn chiều trong chẩn đoán trước sinh. Đáng chú ý, bệnh viện đã ứng dụng có hiệu quả nhiều kỹ thuật cao như: kỹ thuật tách tiểu cầu từ máu toàn phần; các kỹ thuật trong hỗ trợ sinh sản như: phôi thoát màng, tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI), chọc hút mào tinh hoàn lấy tinh trùng qua da (PESA), đông phôi và chuyển phôi đông lạnh... Bệnh viện còn tiến hành kỹ thuật chuyển phôi ngày 5 để điều trị vô sinh, hiếm muộn; phẫu thuật nội soi cắt tử cung, mổ cắt tử cung qua đường âm đạo và giảm đau trong chuyển dạ thành chỉ định thường quy, đã triển khai từng bước kỹ thuật sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sàng lọc sơ sinh; ứng dụng một số kỹ thuật mới tiên tiến trong IVF, chẩn đoán sàng lọc trước sinh sơ sinh, chọc ối, nhiễm sắc đồ máu ngoại vi và giảm đau trong chuyển dạ...
Trong những năm qua, ngành y tế Thanh Hóa đã có những bước phát triển nhanh, vượt bậc, đó là nhờ vai trò không nhỏ của việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào công tác y tế dự phòng, KCB, sản xuất thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế. Nhờ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào công tác, chất lượng hoạt động chuyên môn không ngừng được tăng lên, công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện toàn tỉnh ngày một tăng; công tác phòng, chống dịch đạt được những kết quả tốt, dịch bệnh được phát hiện sớm, khống chế và đẩy lùi. Giai đoạn 2016-2020, ngành y tế đã có 22 nhiệm vụ KH&CN được phê duyệt (chiếm 11,06% so với tổng nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh) với tổng vốn 37,346 tỷ đồng; trong đó vốn sự nghiệp khoa học là trên 23 tỷ đồng; thực hiện 66 đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành; 3.024 đề tài nghiên cứu của các bệnh viện, các đơn vị trực thuộc tuyến tỉnh, tuyến huyện.
Để việc ứng dụng KH&CN trong công tác KCB đạt hiệu quả cao, ngành y tế đã chủ động đầu tư trang thiết bị, kinh phí cho công tác nghiên cứu KH&CN; nhiều tiến bộ khoa học mới được nghiên cứu, ứng dụng phục vụ công tác KCB, hàng loạt các kỹ thuật cao đã được triển khai thành công tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện. Trong đó, nhiều sáng kiến triển khai hiệu quả, điển hình là kỹ thuật xét nghiệm Cyfra21-1, NSE, CEA, SCC và ProGRP trong chẩn đoán và theo dõi điều trị ung thư phổi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; phẫu thuật nội soi kết hợp với phẫu thuật mở điều trị dị tật không hậu môn và kỹ thuật thay máu cho trẻ vàng da sơ sinh bằng phương pháp tự động; kỹ thuật can thiệp tim mạch qua da trong điều trị tim bẩm sinh có luồng thông trái phải tại Bệnh viện Nhi; phẫu thuật nội soi cắt dạ dày điều trị một số bệnh ngoại khoa dạ dày - tá tràng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa; phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối bằng gân tự thân tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc...; nghiên cứu quy trình và sản xuất thành công một số sản phẩm từ dược liệu trong lĩnh vực thuốc đông y góp phần điều trị một số bệnh; nghiên cứu sưu tầm và bảo tồn giống dược liệu quý của tỉnh... Qua đó, đã góp phần đào tạo được nhiều bác sĩ, kỹ thuật viên nắm vững quy trình kỹ thuật phục vụ công tác KCB, giảm tải bệnh nhân cho tuyến trên, tiết kiệm chi phí cho gia đình bệnh nhân, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh đứng trong tốp đầu về lĩnh vực y tế.
Có được thành tựu trên, ngành y tế đã xác định việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN là một trong những khâu đột phá căn bản. Ngành đã đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng thành công các công nghệ sinh học, kỹ thuật tiên tiến góp phần chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả các bệnh hiểm nghèo, bệnh khó, đưa công nghệ một số lĩnh vực y học đạt tầm quốc gia. Làm chủ được các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh, tật ở người như ghép tạng, trị liệu tế bào gốc, mổ nội soi, kỹ thuật sinh học phân tử trong dự phòng các bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm, trong chẩn đoán bất thường phôi thai, bệnh di truyền, bệnh ung thư; nghiên cứu sưu tầm và bảo tồn giống dược liệu ở Thanh Hóa. Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý Nhà nước...
Mục tiêu của ngành y tế Thanh Hóa đến năm 2025 là nghiên cứu sản xuất được ít nhất 2 sản phẩm đông dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe; xây dựng 8 bệnh viện trở lên theo hướng bệnh viện thông minh; 100% cơ sở y tế ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong KCB; ứng dụng mới ít nhất 10 kỹ thuật cao, kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị. Nghiên cứu sản xuất một số loại thuốc, dược liệu y học cổ truyền, nguyên liệu làm thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong xét nghiệm, chẩn đoán, phẫu thuật và điều trị. Tiếp nhận chuyển giao và áp dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) tại các bệnh viện. Triển khai chương trình chuyển đổi số trong KCB: ứng dụng phần mềm LIS, HIS, chữ ký số, bệnh án điện tử (EMR), KCB từ xa.
Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, thời gian tới, ngành y tế tiếp tục đầu tư hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế tại các bệnh viện. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình ứng dụng thành tựu KH&CN trong y dược, nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng; xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị bệnh. Khuyến khích các cơ sở KCB, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y dược nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong chẩn đoán và điều trị bệnh (ứng dụng tế bào gốc trong điều trị một số bệnh; ứng dụng công nghệ Teleheath trong hỗ trợ chẩn đoán và điều trị từ xa; ứng dụng sinh học phân tử trong chẩn đoán và điều trị...); nghiên cứu sản xuất các loại thuốc, dược liệu, thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe mới. Ngoài ra, để tiến tới chủ động kiểm soát tốt bệnh tật và cung ứng các dịch vụ kỹ thuật KCB trình độ cao, chất lượng cao, ngành y tế tiếp tục khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tích cực tìm tòi, sáng tạo nhiều sáng kiến cải tiến; nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu theo hướng ưu tiên về tính ứng dụng thực tiễn trong hoạt động KCB. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở y tế tập trung đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực chuyên môn có chất lượng; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ưu tiên và tạo đột phá một số kỹ thuật chuyên sâu thuộc các lĩnh vực mũi nhọn, cần thiết. Qua đó, từng bước thực hiện dịch vụ kỹ thuật cao ngang tầm với các bệnh viện Trung ương, tiến đến năm 2025 Thanh Hóa trở thành trung tâm y học công nghệ cao của khu vực Bắc miền Trung.