(Thanhhoa.dcs.vn): Thực hiện Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030; trong năm 2021 các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội, bước đầu đạt kết quả quan trọng.

Công tác xây dựng hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững theo chuỗi trên địa bàn tỉnh được chú trọng, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các hợp tác xã xây dựng mạng lưới liên kết, mang lại hiệu quả cao; điển hình như: Hợp tác xã Dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp Đông Tiến, huyện Đông Sơn hoạt động trong lĩnh vực cơ giới nông nghiệp, phát triển công nghệ sản xuất trong nhà lưới, nhà màng, cung cấp vật tư, cây giống, tư vấn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, tạo việc làm cho 30 lao động thường xuyên và hàng trăm lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng; Hợp tác xã Dịch vụ nông, lâm nghiệp Bình Sơn, huyện Triệu Sơn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, cung cấp các dịch vụ tưới tiêu, bảo vệ hoa màu, chế biến nông - lâm sản, cung cấp các dịch vụ kỹ thuật, vật tư, giống và bao tiêu sản phẩm cho các thành viên, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng và có 04 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm Ocop đạt 3 sao (Chè sạch Bình Sơn, Mật ong bốn mùa hoa rừng nguyên chất, Chè xanh túi lọc, Chè cà gai leo túi lọc).

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Sở Công Thương và các địa phương phát triển các chuỗi liên kết sản xuất trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Đến nay, đã hình thành được 193 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo với tổng diện tích trên 10.000 ha; có 20 doanh nghiệp sản xuất rau an toàn tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với 219 chuỗi cung ứng. Đã chấp thuận chủ trương đầu tư 79 dự án chăn nuôi, gồm: 51 dự án chăn nuôi lợn với quy mô 155 nghìn con lợn nái và 1,3 triệu con lợn thịt/năm, 15 dự án chăn nuôi gà với quy mô 2,1 triệu con, 10 dự án chăn nuôi bò với quy mô 71 nghìn con và 03 dự án chăn nuôi tổng hợp. Xây dựng và hình thành 39 khu/cụm trang trại chăn nuôi tập trung; hình thành 04 chuỗi liên kết từ sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp với tổng diện tích rừng sản xuất 9.947,84 ha và 3.178 hộ gia đình chủ rừng tham gia. Hình thành 23 chuỗi liên kết, gồm 06 chuỗi liên kết khai thác thủy sản từ khâu sơ chế, chế biến - tiêu thụ, 17 chuỗi liên kết nuôi trồng thủy sản ở khâu sản xuất, với sự tham gia của 10 doanh nghiệp, 14 hộ nông dân và 200 tàu cá.

Công tác xây dựng và phát triển mạng lưới liên kết hợp tác bền vững giữa cơ sở phân phối bán lẻ với các nhà cung ứng về sản phẩm thân thiện môi trường được chú trọng, thông qua hoạt động quản lý nhà nước về thương mại nội địa, khuyến khích, hướng dẫn các siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên địa bàn tỉnh liên kết với các nhà cung ứng an toàn, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, đồng thời động viên người mua hàng sử dụng các sản phẩm tái chế, sản phẩm xanh trong tiêu dùng. Hạ tầng thương mại phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, tạo điều kiện cho tiêu dùng an toàn, bền vững; từ đầu năm 2021 đến nay, có thêm 13 chợ được đánh giá đạt tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm an toàn, 33 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn; lũy kế từ năm 2018 đến nay có 310/388 chợ trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm an toàn, đạt tỷ lệ 80%; có 545 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình sản xuất tiêu dùng bền vững còn một số hạn chế, như: Chưa có quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật về một số chỉ tiêu sản xuất, tiêu dùng bền vững, nhất là tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, đào tạo, áp dụng các mô hình thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng; tiêu chí mô hình cụm công nghiệp, làng nghề tiểu thủ công nghiệp sinh thái và bền vững; mua sắm công xanh..., dẫn đến khó khăn cho các địa phương trong việc triển khai, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp. Nguồn nhân lực quản lý nhà nước có chuyên môn về phát triển bền vững trên địa bàn còn thiếu, đồng thời cũng không có nhiều cơ hội được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, dẫn đến khó khăn trong công tác hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thực hành sản xuất, tiêu dùng bền vững, hiệu quả. Nhận thức của một bộ phận doanh nghiệp, người dân về sản xuất và tiêu dùng bền vững còn hạn chế. Các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực tài chính, công nghệ hạn chế, không có nhiều nhân sự chất lượng cao và còn thiếu chủ động trong học tập, nghiên cứu, phát triển các mô hình sản xuất bền vững.

(Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa)