Sáng 6/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chủ trì và có bài phát biểu quan trọng tại Phiên toàn thể, Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về công nghiệp 4.0 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong kỷ nguyên số” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Các đồng chí chủ trì Diễn đàn.
Dự diễn đàn tại đầu cầu chính ở Hà Nội có đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; các bộ trưởng, thủ trưởng các ban, bộ, ngành Trung ương và nhiều chuyên gia, học giả, doanh nhân trong nước và quốc tế.
Cùng dự Diễn đàn theo hình thức trực tuyến tại gần 100 điểm cầu có Bí thư tỉnh/thành ủy, Chủ tịch UBND một số tỉnh, thành phố; Đại sứ các nước tại Việt Nam và Đại sứ Việt Nam tại các nước; đại diện các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.
Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 là sự kiện thường niên, thu hút hàng ngàn đại biểu trong nước và quốc tế, trở thành một trong những diễn đàn thường niên có quy mô lớn nhất về Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam. Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 lần thứ 3 (năm 2021) gồm 10 phiên hội thảo chuyên đề (diễn ra từ ngày 9/11-18/11/2021) và phiên toàn thể (sáng 6/12).
Chuỗi 10 phiên Hội thảo chuyên đề đã tập trung về các chủ đề xoay quanh chủ đề chính của Diễn đàn như: Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển sản xuất thông minh; phát triển đô thị thông minh; phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới; phát triển các mô hình kinh doanh mới; xây dựng chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số; phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số; chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số; chuyển đổi số nông nghiệp - nông thôn; phát triển ngân hàng thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… Các phiên hội thảo chuyên đề đã thu hút gần 8.000 đại biểu tham dự theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Phiên toàn thể có chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong kỷ nguyên số” tập trung vào các báo cáo chính gồm: Khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với Chiến lược phòng chống dịch COVID-19; Công nghiệp 4.0: xu hướng toàn cầu và bài học cho Việt Nam; Đổi mới sáng tạo - chìa khóa phục hồi và phát triển thời kỳ hậu COVID-19; Công nghiệp hóa trong kỷ nguyên số...
Phiên toàn thể của Diễn đàn thu hút sự tham gia của khoảng 200 đại biểu trực tiếp tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc tế (trong điều kiện bảo đảm thực hiện chặt chẽ các quy định phòng chống dịch Covid-19) cùng hơn 2.000 đại biểu dự trực tuyến tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố; trên 30 điểm cầu quốc tế qua internet - là các chuyên gia, các nhà khoa học; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương; đại diện các đại sứ quán Việt Nam tại các nước và đại sứ quán các nước tại Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội trong nước và các tổ chức quốc tế…
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Trong khuôn khổ phiên Diễn đàn cấp cao sẽ diễn ra Tọa đàm cấp cao với sự tham gia trao đổi, thảo luận của các đồng chí Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, doanh nghiệp cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế tập trung vào 2 nhóm nội dung lớn sau đây: Thảo luận, đề xuất, góp ý hoàn thiện khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; Đề xuất, kiến nghị mô hình, chính sách đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh của khu vực châu Á.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH, trong giai đoạn vừa qua đã đạt được những tiến bộ đáng kể về kinh tế xã hội, trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp với tốc độ tăng trưởng ở mức cao, trung bình trên 6,6%/năm trong giai đoạn 2000-2019. Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, Việt Nam đứng thứ 67/142 nền kinh tế,tăng 10 bậc trong 2 năm 2018 và 2019; năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam theo xếp hạng của Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tăng từ vị trí 58 năm 2015 lên thứ 42 vào năm 2019; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục được cải thiện qua các năm, năm 2021 đứng thứ 44/126 quốc gia.
Tuy nhiên, quá trình phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19 và thực hiện CNH, HĐH trên nền tảng Công nghiệp 4.0 đang gặp phải những trở ngại lớn, điển hình như mô hình tăng trưởng chưa dựa nhiều trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp; vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài; chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước nhằm nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.Phát triển công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH, chủ yếu phát triển theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững. Các chính sách phát triển các ngành công nghiệp chậm được cụ thể hóa. CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn còn thiếu một chiến lược phát triển rõ ràng.
Hình ảnh tại điểm cầu chính Diễn đàn.
Thực tiễn 35 năm qua tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn về CNH, HĐH cần phải tập trung giải quyết để đạt được các mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Yêu cầu cấp bách đặt ra là phải xác định rõ triết lý phát triển, mô hình và chính sách CNH, HĐH phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới của giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện nay, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu, làm thay đổi căn bản tư duy về CNH, HĐH. Công nghệ sản xuất kỹ thuật số tiên tiến có thể thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững trong tất cả các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng cho biết, từ ngày 9 đến ngày 18/11/2021, trong khuôn khổ Diễn đàn này đã diễn ra 10 hội thảo chuyên đề với trên 48 báo cáo tham luận được trình bày, 110 ý kiến phát biểu trách nhiệm, có giá trị của các đại biểu.
Tại Phiên toàn thể ngày hôm nay, sẽ được nghe 5 báo cáo chính của chuyên gia trong nước và quốc tế xoay quanh chủ đề chính về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam và về đẩy mạnh CNH, HĐH dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tiếp đến là phần phát biểu của đồng chí Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương và phát biểu chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính./.