(Thanhhoa.dcs.vn): Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (Chỉ số PAPI) là một bộ chỉ số đo lường khách quan về hiệu quả công tác quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công tại địa phương; dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của người dân khi tương tác với các cấp chính quyền và trong sử dụng dịch vụ công.

 Từ năm 2011 đến năm 2017, hồ sơ PAPI của các địa phương là kết quả tổng hợp của 06 trục nội dung, gồm: (1) Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; (2) Công khai, minh bạch; (3) Trách nhiệm giải trình với người dân; (4) Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; (5) Thủ tục hành chính công; (6) Cung ứng dịch vụ công. Từ năm 2018 đến nay, được bổ sung đánh giá thêm 02 trục nội dung là: (1) Quản trị điện tử và (2) Quản trị môi trường. Việc đánh giá Chỉ số PAPI giúp các địa phương có được thông tin về mức điểm của địa phương mình để so sánh với các địa phương khác trong cả nước và so sánh với chính địa phương mình qua các năm. Từ đó, nhận diện được nguyên nhân, tìm ra giải pháp nhằm cải thiện mức độ hài lòng của người dân với hiệu quả quản trị và hành chính công, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.Theo Báo cáo kết quả hằng năm do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố, từ khi đánh giá tổng hợp theo 08 trục nội dung, chỉ có năm 2018 tỉnh Thanh Hóa nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có điểm cao nhất, với 45,68 điểm xếp thứ 11/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 7 bậc so với năm 2017. Các năm tiếp theo, Tỉnh không duy trì, cải thiện được điểm số mà còn có xu hướng giảm dần điểm và thứ hạng không ổn định: Năm 2019, giảm 20 bậc so với năm 2018, đứng vị trí thứ 31 với 43,89 điểm; năm 2020, mặc dù tăng lên 7 bậc xếp thứ 24 cả nước, song điểm số lại giảm xuống còn 43,16 điểm.

Trong các trục nội dung cấu thành nên chỉ số PAPI, năm 2020 tỉnh Thanh Hóa chỉ duy nhất trục nội dung Quản trị môi trường nằm trong nhóm các tỉnh có điểm cao nhất với 3,79 điểm, xếp thứ 11 cả nước, tăng 7 bậc so với năm 2019 và tăng 18 bậc so với năm 2018, nhưng giảm 0,02 điểm và giảm 0,83 điểm so với các năm 2019 và năm 2018. Điểm số các trục nội dung Công khai minh bạch, Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, Cung ứng dịch vụ công của Tỉnh năm 2020 đều nằm trong nhóm các tỉnh có điểm trung bình cao; cụ thể, trục nội dung Công khai minh bạch xếp thứ 26 với 5,44 điểm (giảm 18 bậc và giảm 0,24 điểm so với năm 2019, giảm 20 bậc và giảm 0,26 điểm so với năm 2018); trục nội dung Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công xếp thứ 17 cả nước với 7,19 điểm (tăng 9 bậc và tăng 0,3 điểm so với năm 2019, tăng 22 bậc và tăng 0,83 điểm so với năm 2018); trục nội dung Cung ứng dịch vụ công xếp thứ 29 cả nước với 7,02 điểm (giảm 2 bậc và giảm 0,29 điểm so với năm 2019, giảm 6 bậc và giảm 0,15 điểm so với năm 2018).

Đáng lưu ý có 04 trục nội dung liên tục giảm điểm trong 02 năm qua và nằm trong nhóm điểm trung bình thấp của cả nước năm 2020, đó là: nội dung Tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt 4,84 điểm, xếp thứ 37 cả nước (giảm 0,07 điểm và giảm 01 bậc so với năm 2019, giảm 0,73 điểm và giảm 20 bậc so với năm 2018); Trách nhiệm giải trình đạt 4,74 điểm, xếp thứ 47 (giảm 0,26 điểm và giảm 19 bậc so với năm 2019, giảm 0,58 điểm và giảm 40 bậc so với năm 2018); Thủ tục hành chính công đạt 7,36 điểm, xếp thứ 33 (giảm 0,03 điểm và giảm 09 bậc so với năm 2019, giảm 0,13 điểm và giảm 11 bậc so với năm 2018); Quản trị điện tử đạt 2,78 điểm, xếp thứ 33 (giảm 0,16 điểm, nhưng tăng 11 bậc so với năm 2019, giảm 0,66 điểm và giảm 21 bậc so với năm 2018).

Qua phân tích ở trên có thể nhận thấy, thứ hạng và điểm số thành phần chỉ số PAPI của Tỉnh trong những năm qua không ổn định, nhiều chỉ số thành phần như: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở, Quản trị điện tử đã 02 năm liên tục nằm ở mức trung bình thấp. Tính chung 10 năm từ 2011 đến năm 2020, chỉ số PAPI của tỉnh Thanh Hóa chỉ tăng 0,6 điểm, thuộc nhóm thấp của cả nước. Nguyên nhân khách quan do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong những năm gần đây; khả năng tham gia của người dân vào hoạt động của chính quyền cơ sở còn hạn chế; nhiều nơi điều kiện kinh tế khó khăn, mức độ tham gia đóng góp cho địa phương của người dân tại điểm khảo sát chưa được đánh giá một cách chính xác, tích cực. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, đó là: một số địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến việc triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện điểm số PAPI; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức năng lực còn hạn chế, ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ chưa cao, thái độ phục vụ Nhân dân chưa tốt; kỹ năng hành chính, đạo đức, phẩm chất chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính. Chất lượng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở có nơi còn thấp, chưa đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao. Một số đơn vị, địa phương chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nên kết quả giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn gây khó khăn cho công dân. 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu “đến năm 2025, phấn đấu Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của Thanh Hóa nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu trong cả nước”. Để đạt được mục tiêu đã đề ra, yêu cầu đặt ra đối với mỗi cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh phải không ngừng đổi mới tư duy, tác phong, lề lối làm việc, nâng cao tinh thần và ý thức phục vụ Nhân dân, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cải cách hành chính, nâng cao Chỉ số hiệu quả Quản trị và hành chính công, trong đó cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục rà soát, đối chiếu các trục nội dung, tiêu chí thành phần thấp điểm thuộc phạm vi, lĩnh vực, trách nhiệm của đơn vị mình để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa phương, đơn vị. Tập trung quán triệt sâu rộng và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về “Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030” và Kế hoạch hành động số 22-KH/TU ngày 23/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Quyết định số 3740/QĐ-UBND ngày 24/9/2021 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2025.

Hai là, cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu, cần tiếp tục chú trọng thực hiện tốt công tác tiếp công dân và doanh nghiệp định kỳ, tiếp thu, lắng nghe, đối thoại và giải quyết kịp thời, triệt để, thấu đáo các phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người dân; tạo điều kiện để người dân được tham gia, có ý kiến đề xuất vào các hoạt động của chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở; đa dạng hóa các kênh giao tiếp với người dân như qua điện thoại, email, zalo, các trang mạng xã hội... Tích cực, chủ động giải đáp, xử lý kịp thời, đúng quy định những yêu cầu, đề xuất chính đáng, hợp pháp của người dân, không để thắc mắc, bức xúc kéo dài.

Ba là, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn gắn với đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đẩy mạnh công khai, minh bạch tại các đơn vị, địa phương; đặc biệt là các vấn đề liên quan đến kết quả thu, chi ngân sách hàng năm, nhất là ở cấp xã; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện tại của địa phương; công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, kế hoạch sử dụng đất đai…

Bốn là, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính; tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, đạo đức công vụ, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, bảo hiểm, khám chữa bệnh, hộ tịch…; cùng với trách nhiệm giải trình, cán bộ, công chức phải tìm hiểu kỹ những vấn đề người dân, doanh nghiệp chưa hài lòng để ưu tiên giải quyết.

Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, trọng tâm là tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Rà soát, triển khai các giải pháp cung ứng dịch vụ công đầy đủ, bảo đảm tiện lợi cho người dân; đẩy mạnh phục vụ người dân, doanh nghiệp thông qua cổng dịch vụ trực tuyến để tránh tương tác trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cán bộ, công chức, viên chức để phòng ngừa, ngắn hạn và giảm thiểu nhũng nhiễu. Tăng cường công tác hỗ trợ người dân, nhất là người dân ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, những người khó khăn trong sử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

(Lê Đức Hùng - Phòng Tổng hợp, Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa)