(Thanhhoa.dcs.vn): Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 08 Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) gồm: Sông Chàng, Như Thanh, Thạch Thành, Nghi Sơn, Thường Xuân, Lang Chánh, Quan Sơn, Mường Lát, đang quản lý 82.067,05 ha đất. Trong đó: đất sản xuất nông nghiệp 890,95 ha; đất lâm nghiệp 80.528,38 ha; đất phi nông nghiệp 647,72 ha; toàn bộ diện tích đất do các BQL RPH quản lý đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.

Qua kiểm tra, rà soát tổng diện tích đất đã giao khoán cho 8.344 hộ là 79.876,78 ha, chiếm 97,3% diện tích được giao; bao gồm 03 hình thức giao khoán chủ yếu là: (1) giao theo Nghị định số 01/1995/NĐ-CP về việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong các doanh nghiệp nhà nước với diện tích 11.642,72 ha, số hộ nhận khoán 1.894 hộ; (2) giao theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh với diện tích 6.959,93 ha, số hộ nhận khoán 1.388 hộ; (3) giao theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và công ty TNHH MTV nông, lâm nghiệp Nhà nước với diện tích 61.159,13 ha, số hộ nhận khoán 5.062 hộ; ngoài ra có các hình thức khoán khác như: khoán theo vụ, năm hoặc khoán ổn định theo thỏa thuận đối với đất mặt nước, nuôi trồng thủy sản là 115 ha. Diện tích còn lại chưa giao khoán là 2.190,27 ha, chủ yếu là đất phi nông nghiệp, đất ven khe suối, đất núi đá không có cây do các BQL RPH tự quản lý, bảo vệ. Việc giao khoán diện tích đất giúp các BQL RPH giải quyết khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng do nguồn nhân lực thiếu hụt; bên cạnh đó, tạo điều kiện cho người dân địa phương có đất đai để sản xuất, cải thiện sinh kế.

Trong những năm gần đây, các BQL RPH đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng đất; hạn chế các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích; tình trạng các hộ nhận khoán tự ý chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất, mua bán sang tên chủ hộ nhận khoán từng bước được kiểm soát. Đến nay, 8/8 BQL RPH đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững. Các BQL RPH đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch, đề án, dự án,... nhằm quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên rừng, nâng cao hiệu quả quản trị rừng, sử dụng đất, nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất; đẩy mạnh liên kết, liên doanh giữa người trồng rừng và cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm, hình thành vùng nguyên liệu tập trung có quy mô lớn gắn với quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC, điển hình như tại BQL RPH Lang Chánh được cấp chứng chỉ FSC với diện tích 10.292,14 ha.

Tuy nhiên, về tổng thể việc quản lý sử dụng đất của các BQL RPH vẫn còn nhiều điểm bất cập, chưa hiệu quả; tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai tại các BQL RPH vẫn còn xảy ra, trong đó có một số vụ việc phức tạp (đặc biệt là giữa các công ty nông, lâm nghiệp với người dân) chưa được giải quyết dứt điểm, làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội; việc giải quyết nhu cầu bố trí đất ở, đất canh tác cho người dân địa phương thiếu đất gặp rất nhiều khó khăn; diện tích đất quản lý, sử dụng giữa thực tế và hồ sơ sổ sách còn sai khác lớn; việc giao khoán rừng, đất lâm nghiệp và đất sản xuất nông nghiệp cho những người không thuộc đối tượng trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp còn xảy ra; tình trạng người nhận khoán đất tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật; tình trạng lấn chiếm, tranh chấp, vi phạm hợp đồng giao khoán diễn ra với nhiều hình thức; công tác phối hợp giữa các BQL RPH với chính quyền địa phương còn hạn chế.

Việc giải quyết tranh chấp, chồng lấn, lấn chiếm, cho thuê, cho mượn đối với diện tích đất của các BQL RPH được Tỉnh quan tâm chỉ đạo, yêu cầu xử lý dứt điểm; trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, các BQL RPH rà soát ranh giới, vị trí từng khu đất bị lấn chiếm, chồng lấn, tranh chấp, sử dụng không đúng mục đích và diện tích không còn nhu cầu sử dụng của các BQL RPH để lập hồ sơ thu hồi đất bàn giao về cho UBND các huyện, thị xã quản lý. Đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi 1.247,14 ha đất của BQL RPH Thường Xuân giao cho UBND huyện Thường Xuân quản lý. Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện hồ sơ để trình UBND tỉnh thu hồi 2.592,5 ha đất của các các BQL RPH, gồm: BQL RPH Sông Chàng 70,48 ha; BQL RPH Như Thanh 162,63 ha; BQL RPH Thạch Thành 11,89 ha; BQL RPH Nghi Sơn 509,39 ha; BQL RPH Lang Chánh 39,41 ha; BQL RPH Quan Sơn 1.403,27 ha và BQL RPH Mường Lát 395,43ha.

(Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa)