(Thanhhoa.dcs.vn): Năm 2021, công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đạt nhiều kết quả quan trọng. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các đơn vị lực lượng vũ trang của Quân khu 4 đóng trên địa bàn tỉnh sẵn sàng tham gia công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) với lực lượng huy động là 1.100 chiến sỹ; các xã, phường, thị trấn đã thành lập, kiện toàn 559/559 đội xung kích PCTT với 56.618 người tham gia.
Các địa phương, đơn vị đã chuẩn bị vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ PCTT (gồm: 98.232m3 đất, 43.815m3 đá hộc, 11.407m3 đá dăm, 7.605m3 cát và số lượng cọc tre, rọ thép, bao tải đầy đủ...); huy động các loại phương tiện, thiết bị phục vụ công tác PCTT và TKCN gồm 196 xe cứu hộ, cứu thương, chữa cháy, 775 tàu, thuyền, ca nô, xuồng, mô tô nước cứu hộ, cứu nạn, 3.307 ô tô chở người, 1.943 ô tô tải, 961 máy ủi, máy xúc và các loại trang thiết bị khác; kiểm tra, đánh giá, xác định và xây dựng 33 phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu về đê điều, xác định 93 hồ chứa không đảm bảo an toàn (gồm 05 hồ lớn, 06 hồ vừa, 82 hồ nhỏ), các hồ này chỉ được tích nước hạn chế hoặc không tích nước.
Các huyện, thị, thành phố đã xây dựng phương án và tổ chức sơ tán người dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai; năm 2021 toàn tỉnh có 42.034 hộ/174.905 nhân khẩu ở khu vực ven biển, cửa sông phải sơ tán khi có bão; 17.219 hộ/60.743 nhân khẩu sinh sống dọc các triền sông lớn và 12.448 hộ/48.069 nhân khẩu sinh sống dọc các triền sông nhỏ nằm ở khu vực bãi sông phải sơ tán khi có lũ; 11.073 hộ/44.825 nhân khẩu sinh sống ở khu vực ven sông không có đê và 19.645 hộ/73.600 nhân khẩu ở vùng trũng thấp có nguy cơ ngập lụt cần phải sơ tán khi có mưa, lũ; 2.778 hộ/11.897 nhân khẩu ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét và 5.725 hộ/23.868 nhân khẩu ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất.
Công tác tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập phương án ứng phó với thiên tai được quan tâm; các huyện, thị xã, thành phố có đê đã tổ chức tập huấn, thực hành diễn tập xử lý đê giờ đầu cho lực lượng tuần tra, canh gác và xung kích hộ đê với số người tham gia là 2.119 người. Công tác thu Quỹ phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh được các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng đối tượng theo quy định; từ năm 2016 đến ngày 30/12/2021, tổng số thu Quỹ PCTT lũy kế là 152,29 tỷ đồng (trong đó số thu giai đoạn từ năm 2016 - 2020 là 124,41 tỷ đồng, số thu trong năm 2021 là 27,88 tỷ đồng).
Công tác khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra được thực hiện khẩn trương và hiệu quả, từ năm 2018 đến nay UBND tỉnh đã cấp tổng kinh phí 253 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp các công trình đê điều, giao thông, thủy lợi và khắc phục hậu quả thiên tai; năm 2021, Quỹ PCTT tỉnh đã hỗ trợ cho các đơn vị, địa phương với tổng số tiền 30,456 tỷ đồng để xây dựng, tu sửa các công trình PCTT, tổ chức tập huấn, mua sắm trang thiết bị, công cụ hỗ trợ....
Tuy nhiên, công tác PCTT trên địa bàn tỉnh vẫn còn có những khó khăn, hạn chế như: Công tác dự báo, cảnh báo chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay, nhất là cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn còn mỏng, chủ yếu là làm việc kiêm nhiệm, phương tiện phục vụ tìm kiếm cứu nạn thiếu về số lượng và chủng loại, đặc biệt là phương tiện phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển; nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế nên đến nay vẫn còn nhiều công trình đê điều, hồ đập, giao thông, trường học…, bị hư hỏng do thiên tai chưa được sửa chữa, tu bổ, nâng cấp để đảm bảo an toàn lâu dài...
Trong năm 2021, toàn tỉnh đã chịu ảnh hưởng của 30 trận thiên tai, trong đó có 03 cơn bão, 01 cơn áp thấp nhiệt đới, 08 đợt mưa lớn, 05 trận lốc, sét kèm theo mưa, 04 trận sạt lở đất, 06 đợt nắng nóng gay gắt và 03 đợt rét đậm, rét hại. Các đợt thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh đã làm 03 người chết, 01 người bị thương; 39 nhà bị thiệt hại, 05 nhà phải di dời khẩn cấp, 33 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất; có 260 ha lúa, 02 ha mạ, 552 ha hoa màu, 590 ha cây trồng hàng năm, 09 con gia súc bị thiệt hại...; đường giao thông bị sạt lở, sa bồi tại 651 vị trí với khối lượng khoảng 182.610 m3, sạt taluy âm 44 vị trí với tổng chiều dài 295m và nhiều tài sản khác; tổng giá trị thiệt hại khoảng 66,5 tỷ đồng.
Năm 2022, để chủ động PCTT, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh cần rà soát, xây dựng, cập nhật, bổ sung, phê duyệt kế hoạch PCTT, các phương án ứng phó với cấp độ rủi ro thiên tai; đặc biệt là phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão, phương án hộ đê, phương án phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển, phương án sơ tán dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai; tổ chức lực lượng, triển khai công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện, hậu cần với mức cao nhất và tổ chức diễn tập theo phương án đã lập để sẵn sàng đối phó khi thiên tai xảy ra; tăng cường công tác thông tin PCTT và truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; huy động tối đa nguồn lực xử lý dứt điểm các sự cố thiên tai lớn trong những năm gần đây; chú trọng công tác khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai gắn với xây dựng nông thôn mới, đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân...