(Thanhhoa.dcs.vn): Trong quý I năm 2022, các cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng của tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và công tác phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chú trọng kiểm tra các cơ sở kinh doanh xăng dầu, cơ sở kinh doanh thuốc, vật tư y tế. Nhìn chung, thị trường hàng hóa phong phú, không xảy ra bất ổn, thiếu hụt và tăng giá đột biến. Giá xăng dầu liên tục tăng cao, tuy nhiên tình hình cung cấp xăng dầu trên địa bàn tỉnh vẫn đáp ứng đủ nhu cầu, không có tình trạng găm hàng, chờ tăng giá, đứt gãy nguồn hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Công tác tuyên truyền về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tiếp tục được quan tâm, thực hiện sâu rộng bằng nhiều hình thức. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa định kỳ phát chuyên mục “Chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả - bảo vệ người tiêu dùng”. Báo Thanh Hóa và các cơ quan thông tấn báo chí thông tin kịp thời về diễn biến thị trường, cung cầu, giá cả hàng hóa, phổ biến các quy định của pháp luật và đưa tin tổ chức, cá nhân vi phạm để răn đe, giáo dục. Các địa phương phát huy hiệu quả hệ thống truyền thanh của xã, phường, thị trấn; tuyên truyền lưu động bằng xe ôtô, treo băng rôn, khẩu hiệu tại các địa điểm công cộng, nơi tập trung đông người...

Cục Quản lý thị trường, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất kinh doanh; ra quân kiểm tra cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong, sau Tết. Kết quả đã kiểm tra 346 vụ, xử lý 274 vụ, bao gồm: 34 vụ hàng cấm, hàng nhập lậu; 10 vụ hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ; 93 vụ lĩnh vực giá; 101 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; 36 vụ vi phạm khác trong kinh doanh. Tổng số tiền thu ngân sách 862,76 triệu đồng, gồm: 679,25 triệu đồng phạt vi phạm hành chính, 183,51 triệu đồng tiền bán hàng tịch thu; tổng trị giá hàng tiêu hủy, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả 86,12 triệu đồng; trị giá hàng chờ bán, chờ tiêu hủy 276,63 triệu đồng.

Các đội quản lý thị trường tích cực triển khai giám sát, ký cam kết việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu đối với 572 cửa hàng bán lẻ xăng dầu và 09 doanh nghiệp đầu mối, phân phối xăng dầu trên toàn tỉnh; niêm yết công khai thông báo đường dây nóng tại 100% cửa hàng bán lẻ xăng dầu để tiếp nhận thông tin phản ánh, xử lý kịp thời theo quy định. Tăng cường công tác quản lý địa bàn, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ giám sát tất cả các cơ sở kinh doanh thuốc, vật tư y tế; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là các mặt hàng vật tư y tế và thuốc phòng, chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, hiện nay hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, còn diễn ra tình trạng vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hoạt động kinh doanh về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra, tập trung các mặt hàng như: Bánh kẹo, rượu, thuốc lá, quần áo, giày dép, túi xách, sản phẩm động vật... Việc giá xăng dầu liên tục điều chỉnh tăng cao ảnh hưởng đến sức mua của thị trường; ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, nhiều đơn vị vẫn chưa kịp thích ứng với biến động khi giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao; một số sản phẩm công nghiệp truyền thống gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thị trường tiêu thụ và điều tiết sản lượng của các tổng công ty như: bia, thuốc lá... 

(Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa)