(Thanhhoa.dcs.vn): Căn cứ hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc về việc tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ IV năm 2024; UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 235/KH-UBND ngày 28/9/2023 về tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số các cấp tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV.

Mục đích tổ chức Đại hội nhằm tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện chính sách dân tộc. Tôn vinh và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng, hội nhập phát triển và bảo vệ đất nước giai đoạn từ 2019 - 2024; thiết thực chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030. Đánh giá thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019 - 2024.

*Về tên gọi của Đại hội:

(i) Đối với cấp huyện:

“ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ HUYỆN….,

LẦN THỨ IV - NĂM 2024”

(ii) Đối với cấp tỉnh:

“ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH THANH HÓA LẦN THỨ IV - NĂM 2024”

*Về chủ đề định hướng chung của Đại hội: "CÁC DÂN TỘC ĐOÀN KẾT, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO, PHÁT HUY LỢI THẾ, TIỀM NĂNG, HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG"

Trên cơ sở chủ đề định hướng chung, các địa phương căn cứ tình hình thực tế xây dựng chủ đề Đại hội cho phù hợp.

* Về nội dung Đại hội, gồm:

(1) Báo cáo đánh giá thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới,... từ Đại hội lần III (năm 2019) đến Đại hội lần này và kết quả thực hiện quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số các cấp lần thứ III;

(2) Báo cáo điển hình của tập thể, cá nhân tiêu biểu về các lĩnh vực, chú trọng các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia... và các đề xuất về cơ chế, chính sách phát triển vùng dân tộc và miền núi giai đoạn tiếp theo (khuyến khích xây dựng các báo cáo bằng phóng sự truyền hình);

(3) Thông qua Quyết tâm thư Đại hội;

(4) Chọn cử đại biểu dự Đại hội cấp trên (đối với Đại hội cấp huyện);

(5) Khen thưởng tập thể, cá nhân tại Đại hội;

(6) Tổ chức các hoạt động: (i) Tổ chức giao lưu, đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy và chính quyền địa phương với đại biểu dự Đại hội; (ii) Tổ chức các hoạt động văn hoá, nghệ thuật chào mừng Đại hội (tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương để có quy mô phù hợp); (iii) Tổ chức giao lưu trực tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng (tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương để có quy mô phù hợp); (iv) Tổ chức cho các đại biểu dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách tiêu biểu là người dân tộc thiểu số; (v) Tổ chức thăm quan thực tế mô hình bảo tồn truyền thống, văn hóa, ngành nghề truyền thống; mô hình phát triển kinh tế giỏi trên địa bàn (tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương để có quy mô phù hợp); (vi) Tổ chức Dạ hội chào mừng thành công Đại hội các cấp (tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương để có quy mô phù hợp).

*Dự kiến khung chương trình Đại hội, gồm các nội dung: Lễ dâng hương đền thờ Bác Hồ (hoặc viếng Tượng đài Liệt sỹ); Thăm quan mô hình phát triển văn hóa, kinh tế...; Họp phiên trù bị Đại hội bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký Đại hội; Văn nghệ chào mừng: Các tiết mục đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước...; Báo cáo chính trị của Đại hội; Báo cáo điển hình của cá nhân tiêu biểu xuất sắc (do Ban tổ chức lựa chọn); Phát biểu của lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện; Tôn vinh, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; Thông qua Quyết tâm thư Đại hội.

*Về hình thức, thời gian tổ chức đại hội: Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số được tổ chức ở cấp huyện và cấp tỉnh; thời gian tổ chức Đại hội ở cấp huyện là 01 ngày, cấp tỉnh là 02 ngày.

Thời gian tổ chức Đại hội: Cấp huyện tổ chức xong trước ngày 30/6/2024; cấp tỉnh tổ chức xong trước ngày 30/11/2024.

Đại hội cấp huyện được tổ chức ở 13 huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân, Ngọc Lặc, Như Thanh, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Triệu Sơn và Thọ Xuân.

Các huyện: Yên Định, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Thị xã Nghi Sơn không tổ chức Đại hội, chỉ chọn cử đại biểu đi dự Đại hội tỉnh (theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Đại hội tỉnh).

*Về số lượng đại biểu dự Đại hội:

Đại hội cấp huyện: Đại biểu chính thức không quá 150 đại biểu; đại biểu khách mời không quá 50 đại biểu. Căn cứ vào tình hình cụ thể, Ban Chỉ đạo Đại hội cấp huyện tự quyết định số lượng đại biểu trong khung quy định trên.

Đại hội cấp tỉnh: Đại biểu chính thức không quá 250 đại biểu; đại biểu khách mời không quá 90 đại biểu. Giao Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phân bổ chi tiết về số lượng, cơ cấu đại biểu dự Đại hội cấp tỉnh cho từng dân tộc, từng huyện và các đơn vị.

*Về công tác khen thưởng tại Đại hội:

Đại hội cấp huyện: Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen cho tất cả các đại biểu chính thức dự Đại hội. Trưởng ban Dân tộc tặng giấy khen cho đại biểu chính thức dự Đại hội của mỗi huyện là 15 đại biểu (bằng 10% số đại biểu chính thức dự Đại hội).

Đại hội cấp tỉnh: (i) Cá nhân: Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho tất cả các đại biểu chính thức dự Đại hội; (ii) Tập thể: 13 huyện có tổ chức Đại hội lựa chọn 13 xã tiêu biểu (mỗi huyện 01 xã); 17 huyện, thị xã (gồm: 11 huyện miền núi và 7 huyện, thị xã có xã, thôn miền núi) có đại biểu dân tộc thiểu số dự Đại hội lựa chọn 17 thôn, bản tiêu biểu (mỗi huyện, thị xã lựa chọn 01 thôn, bản) để đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)