(Thanhhoa.dcs.vn): Từ năm 2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có chủ trương giao cho Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn; tại huyện Bá Thước, trong 15 năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Đề án, đạt kết quả quan trọng.

Nhận thức tầm quan trọng của việc triển khai Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, thị trấn là có ý nghĩa và thiết thực, nhằm nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, giải quyết các vấn đề phát sinh tại cơ sở, góp phần triển khai thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng của Đảng trước yêu cầu mới. Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền sâu rộng nội dung Đề án đến từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân; chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận số 30-KL/TW, ngày 08/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, khóa XII về tiếp tục thực hiện Đề án; đồng thời giao Ban Tuyên giáo Huyện ủy hướng dẫn các địa phương, đơn vị tiếp nhận, quản lý, sử dụng và khai thác sách đạt hiệu quả.

Công tác tổ chức, triển khai thực hiện Đề án được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện quan tâm, thực hiện nghiêm túc, đáp ứng nhu cầu văn hóa đọc ở cơ sở. Đề án đã đáp ứng kịp thời nhu cầu tự nghiên cứu, tham khảo, học tập nâng cao trình độ kiến thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong huyện; Đề án là một chủ trương hết sức của Đảng trong việc nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân ở cơ sở. Đề án đã góp phần giúp cán bộ, đảng viên ở cơ sở và các tầng lớp Nhân dân có điều kiện tự trang bị, bổ sung kiến thức, năng lực về nhiều mặt và trau dồi kỹ năng hoạt động, lao động sản xuất...

Theo báo cáo của huyện Bá Thước, từ năm 2009 đến nay, các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện đã tiếp nhận đúng, đủ số lượng các ấn phẩm theo danh mục cấp phát của Trung ương, với tổng cộng hơn 17.000 đầu sách (bao gồm cả đĩa CDROM và CD Audio) với trên 30.000 bản sách. Nhìn chung, các thể loại, nội dung sách trang bị rất đa dạng, phong phú, thiết thực, đã cung cấp những kiến thức cơ bản về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị- xã hội ở cơ sở, trang bị kiến thức về văn hóa-xã hội, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và những ấn phẩm hướng dẫn công tác chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ ở xã, thị trấn… Đây là những tài liệu bổ ích, phù hợp ở cơ sở, giúp cán bộ, đảng viên nâng cao trình độ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, giải quyết những vấn đề thực tiễn. Bộ sách đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp các văn bản, tài liệu hướng dẫn cho cơ sở thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền cho Nhân dân các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chất lượng biên tập, hình thức trình bày sách của Đề án đã đáp ứng nhu cầu của cơ sở, nội dung tương đối phong phú, thiết thực, hình thức trình bày đẹp, cập nhật nhiều thông tin; các đầu sách phổ biến pháp luật phục vụ kịp thời cho việc nghiên cứu, vận dụng giải quyết những vấn đề đang đặt ra ở cơ sở như: Quản lý đất đai, tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; cẩm nang hòa giải, hướng dẫn nghiệp vụ để xử lý công việc hằng ngày của cán bộ cơ sở; phục vụ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Ðại hội XI, XII, XIII của Đảng và các Hội nghị Trung ương Ðảng; công tác xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội; phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở địa phương, góp phần giúp cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân khắc phục tình trạng thiếu hụt kiến thức, kỹ năng trong công tác chuyên môn, kiến thức về lý luận chính trị, pháp luật, văn hóa - xã hội, ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, đời sống... có ý nghĩa thiết thực đối với việc đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở.

Công tác tiếp nhận, quản lý, khai thác, sử dụng sách giấy của Đề án được quan tâm; Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận sách của Trung ương, cấp đúng đối tượng, đủ số lượng và đúng thời gian theo kế hoạch. Đảng ủy các xã, thị trấn giao cho đồng chí công chức Tư pháp - Hộ tịch trực tiếp thực hiện việc tiếp nhận, đăng ký và quản lý sách, các ấn phẩm sách được phân ra cụ thể từng thể loại. Mỗi bộ sách nhận đều được lên danh mục bổ sung vào tủ sách của xã, thị trấn và đến các bộ phận chuyện môn để cán bộ, đảng viên và Nhân dân nghiên cứu, tìm hiểu phục vụ cho công việc.

Việc xây dựng và ban hành nội quy khai thác, sử dụng sách được các đảng ủy xã, thị trấn tập trung chỉ đạo, bảo đảm thực hiện đúng mục đích của việc trang bị sách. Đến nay 21/21 xã, thị trấn đều xây dựng Quy chế quản lý và sử dụng sách phù hợp điều kiện thực tiễn địa phương mình. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc tiếp nhận, khai thác, bảo quản, sử dụng sách và các tài liệu có hiệu quả; các ấn phẩm được phân loại và sử dụng khá phù hợp. Việc xây dựng, tu bổ tủ sách xã, thị trấn được quan tâm, đảm bảo các điều kiện thuận lợi đối với việc triển khai thực hiện Đề án.

Công tác khai thác, sử dụng sách điện tử của Đề án trên Trang Thư viện điện tử sách xã, phường, thị trấn được chú trọng; hiệu quả của thư viện điện tử sách đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng Nhân dân trong việc tiếp cận, khai thác, chia sẻ quyền sử dụng tài nguyên tri thức kho dữ liệu sách “Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn”. Ngoài việc tìm kiếm trên danh mục tài liệu điện tử, người dùng có thể tra cứu dựa trên các trường thông tin mô tả hoặc tra cứu toàn văn các tài liệu đã được số hóa. Sách trên thư viện rất đa dạng, phong phú, được chia theo các chủ đề: Sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh; về xây dựng Đảng, Nhà nước; về kiến thức phổ thông; về kỹ năng quản lý; về phổ biến chính sách, pháp luật; về phổ biến kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp; sách trang bị cho vùng đồng bào dân tộc, xây dựng nông thôn mới... Nội dung sách là nguồn thông tin chính thống, tin cậy, bảo đảm tính chính xác, khách quan, khoa học, cập nhật những thông tin mới nhất về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu tự nghiên cứu, tham khảo, học tập của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân.

Tuy nhiên, việc sử dụng sách theo Đề án ở một số địa phương trên địa bàn huyện nhìn chung vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn như: Hình thức quản lý, sử dụng sách có nơi chưa khai thác, sử dụng có hiệu quả; việc sắp xếp chưa khoa học, chưa thuận lợi cho đối tượng cần khai thác; đối tượng đọc sách ở các địa phương hiện nay chỉ giới hạn trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức làm việc tại xã, thị trấn và ở các chi bộ thôn, phố; công tác giới thiệu, thông tin, tuyên truyền về các loại sách chưa thường xuyên; sách của Đề án hầu hết đặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, thị trấn nên không thuận tiện cho quần chúng nhân dân tới đọc và mượn sách.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế chủ yếu là do: Cán bộ quản lý sách của Đề án đều kiêm nhiệm, chưa được tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của Đề án; các địa phương chưa có phòng đọc riêng, thiếu trang thiết bị phục vụ người đọc, không có kinh phí hỗ trợ việc quản lý, bảo quản sách; thói quen đọc sách, tìm hiểu thông tin từ sách, báo, tài liệu… của một số cán bộ, đảng viên và một bộ phận Nhân dân ở cơ sở chưa thường xuyên. Mặt khác, sự phát triển của công nghệ thông tin, sức thu hút của mạng xã hội làm cho người dân, nhất là giới trẻ ít quan tâm đến sách giấy, do đó đã ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác, sử dụng sách của Đề án.

Thông qua việc triển khai Đề án, huyện Bá Thước rút ra được một số bài học kinh nghiệm trong việc trang bị sách cho cơ sở xã, thị trấn, đó là:

Một là, cấp ủy, chính quyền cơ sở cần thường xuyên quan tâm, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giới thiệu với người đọc bằng nhiều hình thức: Hệ thống truyền thanh cơ sở; hội nghị chi, đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, qua đội ngũ tuyên truyền viên và cán bộ văn hóa, thông tin cơ sở; qua sinh hoạt cộng đồng thôn, khu phố,…

 Hai là, cần thống nhất việc chỉ đạo, quản lý, bố trí tủ sách ở vị trí thuận lợi, phù hợp; phân công cán bộ phụ trách để phát huy hiệu quả của Đề án. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc triển khai, thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương.

Ba là, có sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền và sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong việc quản lý, sử dụng và khai thác sách; thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc đọc và làm theo sách, nhất là các loại sách chính trị - xã hội, khoa học - kỹ thuật, kỹ năng… Coi trọng đầu tư về cơ sở vật chất…

(Lê Đức Hùng - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)