(Thanhhoa.dcs.vn): Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh, toàn tỉnh hiện có 35.087 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) theo quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ, tăng 7.585 cơ sở so với năm 2022. Trong đó, có 1.853 cơ sở thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ; 6.095 cơ sở thuộc danh mục cơ sở do cơ quan công an quản lý; 28.992 cơ sở thuộc danh mục cơ sở do UBND cấp xã quản lý.

Lực lượng Công an tỉnh hiện đang quản lý các phương tiện PCCC, cứu nạn, cứu hộ (CNCH), gồm: 28 xe chữa cháy (13 xe hoạt động tốt, 07 xe hoạt động trung bình, 04 xe hoạt động kém, 02 xe hư hỏng đang sửa chữa, 02 xe đang đề nghị thanh lý); 05 xe cứu nạn, cứu hộ (03 xe hoạt động tốt, 02 xe hoạt động trung bình); 03 xe thang chữa cháy (01 xe đang sửa chữa, 01 xe hư hỏng không hoạt động, 01 xe đang đề nghị thanh lý); 01 xe trạm bơm đang đề nghị thanh lý; 09 xe bồn tiếp nước (02 xe hoạt động tốt, 05 xe hoạt động trung bình, 01 xe hoạt động kém, 01 xe đang hư hỏng); 01 xe vận chuyển robot chữa cháy hoạt động tốt; 08 xe bán tải chở phương tiện (07 xe hoạt động tốt, 01 xe hư hỏng đang sửa chữa); 01 xe tải chở quân (hoạt động trung bình); 01 xe cứu thương (hoạt động trung bình); 01 xe chỉ huy chữa cháy (hoạt động tốt); 03 xe ô tô con (đang đề nghị thanh lý); 02 xe mô tô chữa cháy (không hoạt động); 17 máy bơm chữa cháy (04 máy hoạt động tốt, 07 máy hoạt động trung bình, 02 máy hư hỏng không hoạt động, 04 máy đang đề nghị thanh lý); 07 xuồng máy (02 xuồng hoạt động tốt, 04 xuồng hoạt động trung bình, 01 xuồng đang đề nghị thanh lý); 04 mô tô nước (01 xe hoạt động kém, 01 xe đang sửa chữa, 02 xe hư hỏng).

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 64 vụ cháy, làm 07 người chết; thiệt hại về tài sản ước tính hơn 4,4 tỷ đồng và 03 ha rừng trồng (giảm 09 vụ cháy, tăng 07 người chết và giảm hơn 01 tỷ đồng thiệt hại về tài sản). Về nguyên nhân xảy ra cháy: có 41 vụ do sự cố hệ thống điện; 09 vụ do sơ xuất, bất cẩn trong sử dụng lửa, nhiệt; 02 vụ do sự cố kỹ thuật; 01 vụ do tác động của các hiện tượng thiên nhiên; 11 vụ đang điều tra làm rõ nguyên nhân. Về địa bàn xảy ra cháy gồm: Thành phố Thanh Hóa 17 vụ, thành phố Sầm Sơn 03 vụ, thi xã Nghi Sơn 05 vụ, thị xã Bỉm Sơn 03 vụ, huyện Thọ Xuân 08 vụ; các huyện Yên Định, Thạch Thành mỗi nơi 05 vụ; huyện Triệu Sơn 04 vụ; huyện Đông Sơn 03 vụ; các huyện Hoằng Hóa, Lang Chánh, Hà Trung, Quảng Xương mỗi nơi 02 vụ; các huyện Nga Sơn, Quan Hóa, Vĩnh Lộc mỗi nơi 01 vụ. Về chủ thể xảy ra cháy gồm: Nhà đơn lẻ 25 vụ; phương tiện giao thông 10 vụ; nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh 05 vụ; rừng trồng 01 vụ; siêu thị 01 vụ; trạm biến áp 01 vụ; chung cư 01 vụ; cơ sở kinh doanh karaoke 01 vụ; loại hình khác 19 vụ.

Các lực lượng chức năng đã tập trung chỉ đạo duy trì nghiêm túc chế độ thường trực tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy, thông tin yêu cầu CNCH; duy trì nghiêm chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu. Từ đầu năm 2023 đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã tổ chức CNCH 32 vụ (gồm: 24 vụ đuối nước, 03 vụ tai nạn giao thông, 03 vụ cháy, 01 vụ cứu người mắc kẹt trong thang máy; 01 vụ loại hình khác); điều động 53 lượt phương tiện và 284 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia công tác CNCH. Kết quả, đã tìm kiếm, phát hiện được 22 thi thể nạn nhân đuối nước; cứu được 04 nạn nhân đuối nước lên bờ an toàn; đưa 02 nạn nhân bị thương mắc kẹt trên xe trong vụ tai nạn giao thông ra ngoài, di chuyển 12 m3 dầu trong xe bị lật đến nơi an toàn; hướng dẫn 07 nạn nhân thoát nạn trong đám cháy; đưa 04 học sinh mắc kẹt trong thang máy thoát ra ngoài an toàn.

Việc xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC được quan tâm. Đến ngày 14/9/2023, 27 huyện, thị xã, thành phố đã ra mắt, duy trì hoạt động hiệu quả 1.875 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, 1.408 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”; kiện toàn và duy trì hoạt động của 4.349 đội dân phòng tại 4.349 thôn, bản, khu phố (đạt 100%), với 43.490 thành viên. Các đội dân phòng được trang bị phương tiện, thiết bị chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy xách tay và các dụng cụ phương tiện chữa cháy thô sơ khác... Các địa phương, đơn vị đã phối hợp tổ chức 57 lớp huấn luyện chuyên sâu cho 3.420 thành viên lực lượng dân phòng; tổ chức 140 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho 10.593 thành viên đội phòng cháy cơ sở; 57 lớp huấn luyện nghiệp vụ CNCH cho 2.071 người; tổ chức tập huấn, kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH cho 623.476 người thuộc các hộ gia đình sử dụng nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, đạt tỷ lệ 65,7%; triển khai tuyên truyền kiến thức, kỹ năng PCCC trên hệ thống quảng cáo, màn hình khởi động tại 58 chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh karaoke...  

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực PCCC được tăng cường. Công an tỉnh đã tiến hành 01 cuộc thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về PCCC đối với 04 UBND cấp huyện, 12 UBND cấp xã và 20 cơ quan, doanh nghiệp; lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã kiểm tra định kỳ, đột xuất, chuyên đề 6.514 lượt cơ sở, lập 6.514 biên bản kiểm tra, kiến nghị khắc phục 4.571 nội dung về PCCC và CNCH. Qua rà soát, thống kê trên địa bàn tỉnh hiện có 1.927 cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; trong đó, có 1.740 cơ sở đã mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và 113 cơ sở chưa đủ điều kiện để đơn vị kinh doanh bảo hiểm cung cấp dịch vụ bảo hiểm cháy, nổ. Trong 9 tháng năm 2023, lực lượng Cảnh sát PCCC đã xử phạt vi phạm hành chính 366 trường hợp vi phạm quy định về PCCC, với tổng số tiền xử phạt 6,14 tỷ đồng, tạm đình chỉ hoạt động 18 trường hợp, đình chỉ hoạt động 117 trường hợp, phục hồi hoạt động 13 trường hợp.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp; nguy cơ cháy, nổ, đặc biệt là cháy lớn vẫn còn tiềm ẩn, nhất là tại các chợ, siêu thị, khu chung cư... Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCCC và CNCH; còn chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, vi phạm quy định về PCCC. Công tác triển khai thực hiện các văn bản pháp luật về PCCC tại một số địa phương, đơn vị còn chậm, hiệu quả thực hiện còn thấp. Phong trào toàn dân PCCC tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng chưa rộng khắp, toàn diện; công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về PCCC và CNCH chưa hiệu quả. Trang thiết bị, phương tiện chữa cháy và CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC đã qua sử dụng nhiều năm, chất lượng kém; chưa có tàu phục vụ chữa cháy trên mặt nước...; hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến điện chưa đáp ứng được yêu cầu chữa cháy và CNCH, đặc biệt là công tác CNCH tại các địa bàn có địa hình phức tạp như: hầm mỏ, hang sâu, trên sông, trên biển, rừng, núi...

(Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)