(Thanhhoa.dcs.vn): Từ đầu năm 2023 đến nay, Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) theo các chỉ tiêu được UBND tỉnh giao tại Quyết định số 169/QĐ-UBND ngày 12/01/2023, đạt được kết quả tích cực. Đến tháng 9/2023, toàn tỉnh đã có 430.018 tấn thực phẩm tiêu dùng chủ yếu thông qua chuỗi, bằng 75,2% kế hoạch; xây dựng được 37 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bằng 33,03% kế hoạch; có 26 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đáp ứng quy định về ATTP, vượt 4% kế hoạch; có 05 chợ kinh doanh thực phẩm được đánh giá, công nhận chợ kinh doanh thực phẩm an toàn, bằng 29,4% kế hoạch; xây dựng được 06 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, bằng 54,5% kế hoạch; có 26 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP, vượt 4% kế hoạch; 51/48 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP nâng cao, vượt 6,25% kế hoạch.

Các sở, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh đã chủ động triển khai có hiệu quả công tác bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán Quỹ Mão và mùa lễ hội, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu năm 2023. Các hoạt động tuyên truyền, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng của cán bộ quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng về ATTP được quan tâm, đẩy mạnh; đã tổ chức 33 buổi mít tinh phát động Tháng hành động vì ATTP với hơn 37.000 người tham dự; 2.205 buổi nói chuyện cho gần 60.000 người; 381 lớp tập huấn cho 28.500 người; thực hiện hơn 45.200 lượt phát thanh, truyền hình; viết và đăng tải 1.299 bài báo, bản tin; treo gần 9.148 băng rôn, tranh, áp phích; in, treo 300 phướn dọc các tuyến phố lớn trong nội thành thành phố Thanh Hóa; cấp phát hơn 95.500 tờ rơi, tờ gấp, 2.714 băng đĩa tuyên truyền; tổ chức 150 lượt tuyên truyền lưu động về ATTP; treo 120 biển tuyên truyền về an toàn thực phẩm tại 120 chợ trên địa bàn tỉnh. Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức 05 hội nghị truyền thông về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với hơn 1.000 người tham gia. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 03 sự kiện truyền thông về ATTP cho hơn 1.000 hội viên phụ nữ, tổ chức 24 lớp tập huấn về kỹ năng kiểm tra, giám sát ATTP cho 1.500 thành viên; tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả 1.255 mô hình “Chi hội phụ nữ tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm” và hơn 50 gian hàng giới thiệu thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đoàn đã tổ chức Hội thi “Rung chuông vàng” về công tác đảm bảo ATTP cho 100 thí sinh là học sinh, sinh viên; tổ chức cho thanh niên là chủ các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm ký cam kết không tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn; Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp Hội tích cực tham gia xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn,...

Công tác quản lý điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định; trong 9 tháng đầu năm, các đơn vị, địa phương đã kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 1.693 cơ sở (gồm 225 cơ sở do các ngành cấp tỉnh cấp và 1.468 cơ sở do UBND cấp huyện cấp); tổ chức cho 2.329 cơ sở ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; tiếp nhận và đăng tải theo quy định 503 bản tự công bố sản phẩm thực phẩm. Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm về ATTP được tăng cường; các sở, ngành chức năng, UBND cấp huyện đã thành lập 1.250 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành về ATTP; tiến hành kiểm tra 27.555 cơ sở, kết quả có 26.631 cơ sở đạt yêu cầu, phát hiện, xử lý 924 cơ sở vi phạm, trong đó: đã khởi tố vụ án, khởi tố và bắt tạm giam 02 bị can vụ án sản xuất mì chính và hạt nêm giả; xử phạt vi phạm hành chính 695 cơ sở với số tiền phạt hơn 2.258 triệu đồng; đã tịch thu, buộc tiêu hủy nhiều sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn. Công tác lấy mẫu giám sát, phòng chống ngộ độc thực phẩm tiếp tục được quan tâm thực hiện, toàn tỉnh đã lấy và xét nghiệm 5.815 mẫu thực phẩm, phát hiện 287 mẫu vi phạm (chiếm 4,9%); từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.

Công tác kiểm tra, thẩm định, hướng dẫn xã ATTP, ATTP nâng cao được quan tâm. Tổ thẩm định xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP, ATTP nâng cao đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, đánh giá công tác duy trì thực hiện các tiêu chí xã ATTP, ATTP nâng cao tại 45 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố; thẩm định 03 xã, phường đạt tiêu chí ATTP, 06 xã đạt tiêu chí an toàn thực phẩm nâng cao; tiếp tục hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thực hiện tiêu chí ATTP nâng cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số chỉ tiêu đạt thấp so với kế hoạch như: xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (đạt 33% kế hoạch), xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm (đạt 29,4% kế hoạch); số xã, phường, thị trấn được công nhận đạt tiêu chí ATTP, ATTP nâng cao chưa đạt kế hoạch. Việc duy trì các điều kiện bảo đảm ATTP tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa thường xuyên, liên tục, chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định, nhất là cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm ở một số địa phương còn thụ động, xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe; vẫn còn tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, hết hạn sử dụng, thực phẩm không rõ nguồn gốc. Nguồn lực cho công tác đảm bảo ATTP tại một số địa phương còn hạn hẹp; nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn chưa có kinh phí để triển khai thực hiện; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, nông nghiệp công nghệ cao,...

(Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)