(Thanhhoa.dcs.vn): Từ đầu năm 2023 đến nay, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, đạt kết quả quan trọng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và khu vực miền núi của tỉnh.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 1719) được triển khai thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, theo đúng chỉ đạo của Trung ương. Tổng nguồn vốn năm 2022 được phép kéo dài sang năm 2023 và vốn năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho tỉnh là 984.083 triệu đồng (vốn đầu tư 424.548 triệu đồng; vốn sự nghiệp 559.535 triệu đồng), trong đó: vốn năm 2022 được phép kéo dài sang năm 2023 là 224.191 triệu đồng (vốn đầu tư 113.739 triệu đồng; vốn sự nghiệp 110.452 triệu đồng); vốn năm 2023 là 759.892 triệu đồng (vốn đầu tư 310.809 triệu đồng; vốn sự nghiệp 449.083 triệu đồng). Căn cứ nguồn vốn được Trung ương giao, HĐND tỉnh đã ban hành 05 nghị quyết về phân bổ chi tiết, điều chỉnh danh mục, kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương và vốn sự nghiệp năm 2023 để triển khai thực hiện Chương trình; trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định phân bổ, điều chỉnh kế hoạch vốn thực hiện Chương trình theo quy định. Đến nay, đã thực hiện phân bổ được 703 tỷ đồng, đạt 92,5% kế hoạch vốn giao; còn 56.890 triệu đồng vốn sự nghiệp chưa phân bổ chi tiết, bằng 7,5% kế hoạch vốn giao (trong đó: Tiểu dự án 1, Dự án 3 là 53.390,8 triệu đồng; Tiểu dự án 2, Dự án 5 là 3.500 triệu đồng). Tổng vốn thực hiện năm 2022 được phép kéo dài sang năm 2023 đã giải ngân là 100.847 triệu đồng, đạt 39,88% (vốn đầu tư 70.055 triệu đồng, đạt 61,59%; vốn sự nghiệp 30.792 triệu đồng, đạt 27,9%); vốn thực hiện năm 2023 đã giải ngân là 102.334 triệu đồng, đạt 14,56% kế hoạch vốn đã phân bổ chi tiết (vốn đầu tư 92.737 triệu đồng, bằng 29,8%; vốn sự nghiệp 9.597 triệu đồng, bằng 2,45%).

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tiếp tục được các huyện miền núi quan tâm thực hiện; tổng nguồn vốn từ chương trình được giao cho các huyện miền núi năm 2023 là 14 tỷ đồng; Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt phân bổ chi tiết cho UBND các huyện làm chủ đầu tư (tại Quyết định số 2018/QĐ-UBND ngày 12/6/2023) để xây dựng 08 công trình giao thông và 01 công trình trường học. Đến nay, có 01/09 công trình đã khởi công xây dựng; 08/09 công trình đang hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, dự kiến sẽ khởi công xây dựng trong tháng 11/2023.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS”. Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 01 hội nghị tập huấn cho 117 báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp huyện; 03 hội nghị tuyên truyền cho 378 cán bộ thôn, bản và người dân các xã đặc biệt khó khăn tại huyện Bá Thước và huyện Như Xuân; biên soạn, in ấn, cấp phát gần 45.000 tờ rơi tuyên truyền thực hiện Đề án cho 174 xã, 21 thôn, bản thuộc vùng DTTS và miền núi của tỉnh; tổng kinh phí thực hiện 903 triệu đồng.

Quan tâm thực hiện kịp thời, hiệu quả chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 03 hội nghị tuyên truyền cho 396 đại biểu là người có uy tín tại các huyện: Bá Thước, Ngọc Lặc, Quan Hóa; thực hiện cấp 92.154 tờ báo Dân tộc và Phát triển, 378.261 tờ báo Thanh Hóa cho người có uy tín; tổ chức 01 Đoàn thăm quan học tập kinh nghiệm tại các tỉnh Tây Nguyên cho 35 người có uy tín. UBND các huyện miền núi đã tổ chức 04 hội nghị cung cấp thông tin cho 336 đại biểu; tổ chức 05 hội nghị tập huấn cho 419 đại biểu; tổ chức 07 chuyến tham quan học tập kinh nghiệm cho 293 người; thăm hỏi 92 lượt người có uy tín, thân nhân người có uy tín ốm đau, qua đời và gia đình người có uy tín có hoàn cảnh khó khăn. Tổng kinh phí thực hiện các hoạt động là 3.179 triệu đồng.

Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 624-QĐ/TU ngày 23/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục được quan tâm thực hiện, đạt kết quả tích cực; nhiều chỉ tiêu Chương trình đề ra đạt khá, như: Thu nhập bình quân đầu người khu vực miền núi năm 2022 đạt 38,12 triệu đồng/năm, tăng 5,02 triệu đồng so với năm 2020; tỷ lệ người dân trong độ tuổi từ 15 - 35 biết chữ đạt 99,51%; tỷ lệ đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh đạt 100%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi thể nhẹ cân là 14,5%. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư nâng cấp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển, trong đó: 100% đường giao thông đến trung tâm xã được sửa chữa, nâng cấp; 100% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố đạt 100%; tỷ lệ thôn, bản có nhà văn hóa - khu thể thao đạt 82,2%. Công tác giảm nghèo được chú trọng; năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi giảm từ 19,9% xuống còn 15,19% (giảm 4,81%, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 20,42% xuống còn 17,07% (giảm 3,35%); tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm từ 27,23% xuống còn 19,86% (giảm 7,37%).

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc và miền núi trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Cấp uỷ, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc, miền núi; sự phối hợp giữa các ban, sở, ngành cấp tỉnh với UBND các huyện trong việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các chương trình, dự án về công tác dân tộc, miền núi có nơi, có lúc chưa thường xuyên, trách nhiệm chưa cao; một số dự án, tiểu dự án, nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được phân bổ vốn nhưng chưa triển khai thực hiện (như: Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất nước sinh hoạt; Nội dung số 01 thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; Tiểu dự án 1, Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn); tỷ lệ giải ngân các dự án vẫn còn thấp so với kế hoạch đề ra; các dự án, nội dung đầu tư còn dàn trải, manh mún...

(Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)