(Thanhhoa.dcs.vn): Về giáo dục mầm non: Đến nay, 100% các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chương trình giáo dục mầm non theo quy định, bám sát quan điểm giáo dục toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm; đã triển khai thực hiện việc giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tăng cường quản lý chất lượng bữa ăn tại trường, lớp, đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm cân đối, hợp lý về dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm và phù hợp với cá nhân trẻ, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong cơ sở giáo dục mầm non. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục được quan tâm thực hiện có hiệu quả; đến nay, đã có 572/678 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 84,36%.
- Về giáo dục phổ thông:
+ Đối với cấp tiểu học: Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học, phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương; chú trọng đổi mới công tác quản trị trường học, chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường đáp ứng yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; các cơ sở giáo dục tiểu học khuyến khích và động viên học sinh tích cực tham gia và đạt giải tại các sân chơi quốc gia, quốc tế và khu vực. Thanh Hóa là tỉnh thứ 15 được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (là mức độ cao nhất hiện nay).
+ Đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông: Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, bậc học; chỉ đạo các đơn vị, trường học thực hiện đảm bảo chương trình kế hoạch giảng dạy, học tập; tăng cường phụ đạo học sinh có học lực yếu, kém, chống "học lệch, học tủ"; quan tâm giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống cho với học sinh… Công tác phổ cập giáo dục THCS tiếp tục được giữ vững, duy trì mức độ 2 (hoàn thành mục tiêu đề ra, Thanh Hóa là tỉnh thứ 12/63 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn mức độ 2); tỷ lệ học sinh đi học đúng tuổi ở cấp học THCS đạt 99,97%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 99,99%, vượt chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 98,46%, tăng 0,47% so với năm học 2021 - 2022 (có 411 lượt thí sinh đạt điểm 10; có 1.151 thí sinh đạt 27 điểm trở lên đối với các khối thi truyền thống khối A, B, A1, C, D). Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được giữ vững trong tốp đầu cả nước; trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022 - 2023, các học sinh của tỉnh đạt 61 giải, xếp thứ 6 toàn quốc (tăng 03 giải so với năm học 2021 - 2022); có 01 học sinh đoạt huy chương Bạc tại kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế.
- Về giáo dục thường xuyên, giáo dục miền núi: Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh; tổ chức dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề cho học sinh; thường xuyên cung cấp thông tin về ngành, nghề mà xã hội đang có nhu cầu,... Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục khu vực miền núi; rà soát, quy hoạch mạng lưới trường lớp các cấp học vùng dân tộc thiểu số, miền núi đảm bảo hợp lý, phù hợp với thực tiễn; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi…
Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, giáo dục miền núi trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế, như: Do mạng lưới trường, lớp trên địa bàn tỉnh rộng khắp, đặc biệt là vẫn còn nhiều điểm trường lẻ tại khu vực miền núi, nên việc đầu tư, duy trì hoạt động tiêu tốn nhiều kinh phí. Việc bố trí giáo viên chuyên biệt, tổ chức giảng dạy, mua sắm thiết bị cho phòng học ngoại ngữ, tin học các điểm trường lẻ gặp nhiều khó khăn, nhất là giáo viên ngoại ngữ, tin học. Số lượng giáo viên còn thiếu nhiều ở các cấp học, bậc học, nhất là đối với
giáo viên tiểu học và giáo viên các môn đặc thù trong thực hiện Chương trình
giáo dục phổ thông năm 2018; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn bất cập về cơ cấu, số lượng và chất lượng. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học chưa đáp ứng nhu cầu thực tế và yêu cầu theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; tỷ lệ phòng học tạm, phòng học mượn còn cao; hệ thống phòng học bộ môn còn thiếu nhiều. Chất lượng dạy học ngoại ngữ thấp hơn mặt bằng chung các tỉnh trong khu vực và cả nước; chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền trong tỉnh còn chênh lệch lớn.