(Thanhhoa.dcs.vn): Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vi có liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Kế hoạch triển khai, áp dụng và quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, ban hành tại Quyết định 1221/QĐ-UBND ngày 07/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh.

Sở Nông nghiệp và PTNT đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thuỷ sản an toàn, cụ thể: phát hành bản tin sản xuất, thị trường và tiêu thụ nông sản tỉnh Thanh Hóa hàng quý; xây dựng 11 phóng sự truyền hình, 09 clip, 08 trailer, 06 tin bài; in ấn và cấp phát 50.000 tờ rơi; 560 tập san; 6.300 sổ tay; 2.225 quyển tài liệu; treo 200 poster, 344 băng rôn, 190 cờ phướn. Duy trì đăng tải các tin bài trên website của Sở và các đơn vị trực thuộc nhằm cung cấp kịp thời thông tin, tình hình ATTP nông lâm thuỷ sản trên địa bàn tỉnh; tiếp nhận các thông tin phản ánh của quần chúng nhân dân về chất lượng VTNN, ATTP nông lâm thủy sản qua số điện thoại đường dây nóng; tiếp nhận, cập nhật 410 bản Tự công bố chất lượng sản phẩm của các cơ sở sản xuất thực phẩm nông lâm thủy sản trên trang thông tin điện tử; lũy kế đến nay đã tiếp nhận và đăng tải 933 Bản tự công bố của 447 cơ sở theo quy định.

Tổ chức hội nghị đối thoại với chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thuỷ sản thuộc trách nhiệm quản lý nhằm nắm bắt thông tin, thảo luận tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2023 với 120 người tham dự; 05 hội thảo, 39 lớp tập huấn kiến thức quản lý về chất lượng, ATTP trong sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản cho 4.340 học viên là người sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh; 05 lớp tập huấn với 700 học viên để hướng dẫn, phổ biến pháp luật trong SXKD, sử dụng VTNN và giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật các sản phẩm VTNN phục vụ sản xuất, kinh doanh. Phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức 07 lớp tập huấn quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến, đóng gói, giao nhận và tự công bố chất lượng sản phẩm nhằm đưa sản phẩm nông nghiệp lên sản thương mại điện tử cho 1.050 đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh.

Công tác kiểm tra, thanh tra chấp hành quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá được tăng cường. Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện lấy 2.167 mẫu thực phẩm nông sản, thủy sản để giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngăn chặn các sản phẩm không đảm bảo an toàn lưu thông trên thị trường. Kết quả: có 2.108 mẫu đạt yêu cầu, 59/2.167 mẫu vi phạm chiếm 2,72%, giảm 10,8% so với năm 2022. Sở Nông nghiệp và PTNT đã thông báo cho các cơ sở có mẫu vi phạm và cơ quan quản lý trực tiếp để cảnh báo, yêu cầu thực hiện các hành động khắc phục và thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định.

Công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính được thực hiện nghiêm túc. Sở Nông nghiệp và PTNT đã thành lập 17 Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về ATTP tại 362 cơ sở, trong đó 309 cơ sở đạt yêu cầu, 17 ngừng hoạt động, nhắc nhở 10 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 26 cơ sở, thu nộp ngân sách nhà nước số tiền là 126,25 triệu đồng, cụ thể: Đã thực hiện 03 đợt kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra 88 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 61 cơ sở chấp hành đầy đủ quy định về ATTP; 12 cơ sở dừng hoạt động, 15 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 15 cơ sở, thu nộp ngân sách nhà nước 100 triệu đồng. Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản thực hiện 07 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 70 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh; kết quả 64 cơ sở chấp hành tốt các quy định về đảm bảo ATTP; 05 cơ sở ngừng hoạt động, xử phạt VPHC 01 cơ sở với số tiền là 04 triệu đồng. Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện 02 đoàn kiểm tra tại 33 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, kết quả: xử phạt VPHC 10 cơ sở, thu nộp ngân sách nhà nước 26,25 triệu đồng. Chi cục Trồng trọt và BVTV thực hiện 02 cuộc kiểm tra, giám sát ATTP trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đối với 27 vùng trồng ớt xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, 62 cơ sở sản xuất rau, củ, quả; kết quả nhắc nhở 10 cơ sở do chưa thu gom vỏ thuốc BVTV kịp thời trên vùng sản xuất. Chi cục Thuỷ sản thực hiện kiểm tra tại 82 tàu cá, kết quả các tàu cá đều đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.

Thực hiện các chỉ tiêu đảm bảo ATTP được giao tại Quyết định số 169/QĐ-UBND ngày 12/01/2023 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023: Sở Nông nghiệp và PTNT đã thực hiện xây dựng 03 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trong đó có nội dung hỗ trợ các đơn vị tham gia sử dụng tem truy xuất nguồn gốc trong sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thuỷ sản. Tiếp tục duy trì và giám sát cho 23 địa chỉ xanh được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn theo Quyết định 3075/QĐ-BNN-QLCL ngày 20/7/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được kiểm tra, giám sát, cấp tem điện tử truy xuất nguồn gốc và xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, góp phần tạo dựng thương hiệu cho nông sản thực phẩm an toàn của tỉnh, thúc đẩy mối liên kết giữa sản xuất - cung ứng và tiêu thụ thực phẩm an toàn phát triển bền vững. Trong năm 2023, đã thực hiện hỗ trợ 432.000 tem truy xuất nguồn gốc cho các cơ sở, sản xuất kinh doanh nông lâm thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.

Quá trình triển khai, áp dụng và quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có những thuận lợi, đó là: Hệ thống văn bản quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc được triển khai đầy đủ; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được thực hiện thường xuyên, liên tục đã góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm về công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm; công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm an toàn, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn được tăng cường, đã góp phần tạo dư luận tốt trong xã hội, tạo niềm tin của người tiêu dùng trong lựa chọn và tiêu thụ các sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, cũng gặp những khó khăn do các sản phẩm nông lâm thủy sản của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, chủ yếu là thực phẩm tươi sống ít được bao gói, ghi nhãn dẫn đến khó khăn trong trong truy xuất nguồn gốc và giám sát ATTP…

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)