(Thanhhoa.dcs.vn): Để chủ động ngăn chặn, phòng, chống hiệu quả các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm các loại dịch bệnh, đảm bảo chăn nuôi phát triển bền vững, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 282/KH-UBND ngày 16/11/2023 về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, động vật thủy sản và tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản. Tổ chức thực hiện phải có sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và huy động được toàn dân tích cực tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ chức giám sát, phát hiện sớm, chính xác, kịp thời tình hình dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra. Thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh cho 100% gia súc, gia cầm thuộc diện tiêm phòng theo quy định đáp ứng hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Quản lý chặt chẽ các hoạt động, vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn, đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Kế hoạch gồm một số nội dung cụ thể sau:
(1) Về công tác thông tin tuyên truyền: Tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng về nguy cơ, thiệt hại và các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, động vật thủy sản, đặc biệt là giải pháp tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm; vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định về vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thực hiện tuyên truyền thường xuyên trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa, hệ thống Đài truyền thanh- truyền hình các huyện, thị xã, thành phố; Đài phát thanh xã, phường, thị trấn để nâng cao nhận thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản; công tác tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm và công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
(2) Về công tác đào tạo, tập huấn, học tập kinh nghiệm: Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thú y, cán bộ làm công tác thú y từ tỉnh đến cơ sở, lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch đặc biệt là tuyến cơ sở, chủ cơ sở chăn nuôi, chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản, chủ cơ sở giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm, thủy sản về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, động vật thủy sản; công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đảm bảo đáp ứng hiệu quả yêu công cầu tác phòng, chống dịch và an toàn thực phẩm; xây dựng kế hoạch cử cán bộ chuyên môn đạo tào về công tác chẩn đoán, xét nghiệm nâng cao năng lực chẩn đoán, xét nghiệm trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức đoàn công tác, cán bộ chuyên môn đi học tập kinh nghiệm về công tác phòng, chống dịch, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là công tác phòng chống bệnh Dại và kiểm soát giết mổ tại các địa phương có mô hình tiên tiến, điển hình, đã thành công để áp dụng triển khai hiệu quả vào nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh.
(3) Về công tác tiêm phòng vắc xin: Tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin cho gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh theo quy định, đảm bảo 100% gia súc, gia cầm thuộc diện tiêm, được tiêm vắc xin phòng bệnh.Trong đó, tổ chức tiêm đồng loạt các loại vắc xin phòng bệnh bắt buộc cho gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh theo 02 đợt chính:Tiêm phòng đợt 1 vào tháng 3, tháng 4/2024 vàtiêm phòng đợt 2 vào tháng 9, tháng 10/2024.
Đối với vắc xin phòng Viêm da nổi cục trâu, bò (VDNC), căn cứ tình hình thực tế công tác chỉ đạo của từng địa phương, UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo xây dựng phương án, thời gian tổ chức tiêm phòng đợt chính, bổ sung vắc xin VDNC cho đàn trâu bò cụ thể phù hợp, đảm bảo hiệu quả, đúng quy địnhvà hoàn thành kế hoạch của UBND tỉnh giao.Ngoài các đợt tiêm phòng chính, thực hiện tiêm phòng bổ sung liên tục cho gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng trong đợt tiêm phòng chính và số gia súc, gia cầm thuộc diện tiêm mới phát sinh, đến tuổi tiêm phòng.
Đối với đàn trâu, bò, dê, bắt buộc tiêm vắc xin phòng bệnh Lở mồm long móng Tụ huyết trùng trâu, bò và Viêm da nổi cục trâu, bò trên địa bàn toàn tỉnh. Đối với đàn lợn, bắt buộc tiêm vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn, Tụ huyết trùng lợn trên địa bàn toàn tỉnh; tiêm vắc xin Lở mồm long móng cho đàn lợn nái, đực giống, các loại lợn ở trại giống, trang trại (khi có dịch thực hiện tiêm phòng toàn bộ gia súc mẫn cảm với bệnh trong vùng dịch và vùng bị uy hiếp); tiêm vắc xin Tai xanh cho đàn lợn ở vùng nguy cơ cao, ổ dịch cũ, các trang trại, lợn nái, đực giống; tiêm vắc xin phòng bệnh Lép tô, Phó thương hàn lợn ở những vùng có nguy cơ cao; tiêm vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, hướng dẫn của Cục Thú y và hướng dẫn chi tiết của nhà sản xuất. Đối với đàn chó, mèo, tổ chức tiêm phòng vắc xin Dại cho toàn bộ đàn chó, mèo thuộc diện tiêm phòng.Đối với gia cầm, tiêm vắc xin Newcastle, Dịch tả vịt, Tụ huyết trùng gia cầm cho đàn gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh; tiêm vắc xin phòng dịch cúm gia cầm (A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8...) cho đàn gia cầm ở vùng nguy cơ cao, ổ dịch cũ, các trang trại gia cầm, cơ sở con giống và các trường hợp chỉ đạo đột xuất của Bộ Nông nghiệp và PTNT trong các trường hợp cần thiết.
(4) Về công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng: Thực hiện tổng vệ sinh cơ giới, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, cơ sở kinh doanh, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm, động vật thủy sản, sản phẩm động vật, phương tiện vận chuyển, dụng cụ giết mổ và các chợ buôn bán gia súc, gia cầm tiêu diệt mầm bệnh trên địa bàn toàn tỉnh theo quy định.
(5) Về giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm: Thực hiện giám sát lâm sàng (giám sát bị động) để phát hiện sớm các ca bệnh để khoanh vùng, dập dịch kịp thời, giảm thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra cũng như hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.Tổ chức điều tra ổ dịch, lấy mẫu của gia súc, gia cầm, động vật thủy sản mắc bệnh, nghi mắc bệnh để chẩn đoán xác định tác nhân gây bệnh, phục vụ cho đánh giá tương đồng vắc xin và công tác phòng, chống dịch.
Thực hiện giám sát lưu hành mầm bệnh (giám sát chủ động)để nắm bắt tình hình dịch bệnh, cảnh báo nguy cơ, đánh giá tương đồng vắc xin làm căn cứ quyết định lựa chọn chủng loại vắc xin phù hợp và phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả.
Thực hiện giám sát sau tiêm phòngsau mỗi đợt tiêm phòng chính để đánh giá hiệu quả công tác tiêm phòng. Thời điểm lấy mẫu sau 21 ngày kể từ thời điểm tiêm phòng gần nhất.
(6) Về giám sát dịch bệnh thủy sản và cảnh báo môi trường nuôi:Thực hiện giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ;định kỳ thu mẫu bệnh phẩm để phát hiện sự lưu hành của virus bệnh đốm trắng, hội chứng gan tụy cấp trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng nuôi tại 7 xã của 5 huyện vùng triều. Cảnh báo môi trường đối với các nguồn nước ao nuôi, nguồn nước cấp trong hoạt động nuôi tôm sú, tôm thẻ và khu vực bãi nuôi ngao của các vùng nuôi nhằm xác định diễn biến môi trường trong quá trình nuôi để kịp thời đưa ra các khuyến cáo chỉ đạo sản xuất.Khi có hiện tượng thủy sản chết bất thường tiến hành thu mẫu bệnh phẩm, mẫu nước, mẫu bùn để chẩn đoán xét nghiệm, quan trắc môi trường xác định nguyên nhân gây bệnh và có hướng xử lý phù hợp, đồng thời thực hiện đầy đủ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
(7) Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh: Đẩy mạnh công tác xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh phù hợp với quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tình hình thực tế của tỉnh, đặc biệt là xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh. Tổ chức triển khai quyết liệt việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh theo đúng kế hoạch của UBND tỉnh; đồng thời tổ chức đoàn công tác học tập kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố đã xây dựng thành công vùng ATDB và có kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh tốt, để áp dụng trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả.
(8)Về công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y: Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch tận gốc đối với động vật và sản phẩm động vật; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật chưa qua kiểm dịch thú y. Tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm để kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y đối với động vật, sản phẩm động vật tại các chợ, cơ sở giết mổ, kinh doanh, buôn bán, sơ chế động vật và sản phẩm động vật; các cơ sở ấp nở gia cầm, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm.
(9) Khi có dịch xảy ra: Căn cứ vào mức độ, quy mô, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh có trong Danh mục các bệnh phải công bố dịch, cơ quan Thú y các cấp tham mưu thực hiện công bố dịch và thực hiện đầy đủ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
(10) Kiểm tra công tác phòng chống dịch: Thường xuyên, định kỳ kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, động vật thủy sản, công tác tiêm phòng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch theo các nội dung, kế hoạch, chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh; kịp thời phát hiện yếu kém, sai sót và đề xuất các giải pháp khắc phục đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện thanh tra, kiểm tra các hoạt động đối với công tác thú y trên địa bàn tỉnh như: Quản lý sử dụng vật tư, vắc xin, hóa chất và kiểm tra, đánh giá các cơ sở ấp nở, giết mổ, sơ chế, chế biến kinh doanh thực phẩm; nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm có nguồn gốc từ động vật để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Quản lý chặt chẽ hoạt động vận chuyển, kinh doanh thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong thú y của các tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng chất lượng; kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm các quy định của Nhà nước về công tác phòng, chống dịch bệnh.
(11) Chuẩn bị vật tư, hóa chất phòng, chống dịch: Chuẩn bị đầy đủ các loại trang thiết bị, dụng cụ, bảo hộ, vật tư, hóa chất sát trùng, vắc xin dự phòng phục vụ cho công tác bao vây, khống chế khi có tình huống dịch bệnh xảy ra theo quy định.
Kinh phí thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, động vật thủy sản và tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh năm 2024 từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và các nguồn xã hội hóa khác theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ngành chức năng liên quan tổ chức, theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn và triển khai thực hiện các nội dung Kế hoạch này; tổng hợp kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và PTNT.