(Thanhhoa.dcs.vn): Đây là nội dung của Văn bản số 3948/BQLKKTNS&KCN-DNLĐ ngày 21/11/2023 của Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp gửi các doanh nghiệp/nhà thầu trên địa bàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp.
Theo nhận định của Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, trong thời gian gần đây, trên toàn quốc liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn, sự cố nghiêm trọng, đặc biệt là nhiều vụ tai nạn lao động liên quan đến vi phạm các quy định pháp luật trong quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; an toàn làm việc trong không gian hạn chế; người sử dụng lao động, người lao động vi phạm các quy định trong cấp phát, sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân (cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân không phù hợp, không đảm bảo chất lượng, người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân được cấp phát).
Nguyên nhân của những vụ tai nạn lao động xảy ra chủ yếu do các đơn vị, doanh nghiệp không xây dựng biện pháp, phương án làm việc trong không gian hạn chế theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động khi làm việc trong không gian hạn chế (QCVN 34:2018/BLĐTBXH); trang cấp sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân không phù hợp hoặc không đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động còn nhiều vi phạm; một số tổ chức được chỉ định đánh giá sự phù hợp sản phẩm hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa thực hiện nghiêm túc quy trình đánh giá phù hợp.
Để phòng ngừa và giảm thiểu tai nạn lao động, hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế cho nhà nước, doanh nghiệp và thiệt hại về con người, sức khỏe của người lao động. Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (Ban) đề nghị các Doanh nghiệp/Nhà thầu nghiêm túc thực hiện một số nội dung sau:
- Thực hiện nghiêm túc pháp luật ATVSLĐ quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Căn cứ vào ngành nghề sản xuất, kinh doanh, mức độ nguy hiểm trong sản xuất, số lượng lao động trong doanh nghiệp để tổ chức bộ phận ATVSLĐ theo quy định tại Điều 36, bộ phận y tế quy định tại Điều 37 và thành lập Hội đồng ATVSLĐ cơ sở theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 39/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ.
- Phối hợp với Công đoàn cơ sở lựa chọn những người lao động trực tiếp, am hiểu chuyên môn và kỹ thuật ATVSLĐ để ra quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên theo quy định tại Điều 74 Luật ATVSLĐ.
- Xây dựng nội quy, quy trình làm việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị tại nơi làm việc theo quy định tại Điều 15 Luật An toàn, vệ sinh lao động; Khoản 6 Điều 16 Luật An toàn, vệ sinh lao động “Phải có biển cảnh báo, bảng chỉ dẫn bằng tiếng Việt và ngôn ngữ phổ biến của người lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị tại nơi làm việc”.
- Hàng năm phải lập Kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại Điều 76 Luật ATVSLĐ đủ 05 nội dung: Biện pháp kỹ thuật an toàn lao động và phòng chống cháy, nổ; biện pháp về kỹ thuật vệ sinh lao động, phòng, chống yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động; trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; chăm sóc sức khỏe người lao động; thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động. Tổ chức thực hiện kế hoạch ATVSLĐ, rà soát, xây dựng, bổ sung nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn.
- Đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ theo quy định tại Điều 77 Luật ATVSLĐ được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 07/2016/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định một số nội dung tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh.
- Kiểm định kỹ thuật an toàn đối với các máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo quy định tại Điều 31 Luật ATVSLĐ và danh mục theo Thông tư số 36/2019/TT-BLĐTBXH; khai báo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa phương trong khoảng thời gian 30 ngày sau khi đưa vào sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 04/2023/NĐ-CP ngày 13/02/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại Điều 14 Luật ATVSLĐ; đối tượng huấn luyện ATVSLĐ quy định tại Điều 17 Nghị định số 3 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ và Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ, gồm 6 nhóm đối tượng.
- Kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc theo quy định tại Điều 18 Luật ATVSLĐ và Chương II Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ (Có hướng dẫn chi tiết gửi kèm).
Đối với yếu tố có hại được Bộ Y tế quy định giới hạn tiếp xúc cho phép để kiểm soát tác hại đối với sức khỏe người lao động thì phải tổ chức quan trắc môi trường lao động để đánh giá yếu tố có hại ít nhất một lần trong năm. Quan trắc môi trường lao động theo quy định tại Điều 35, 36, 37 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ.
- Thực hiện đầy đủ các chế độ về bảo hộ lao động.
- Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động đầy đủ theo quy định tại Khoản 3 Điều 16, Điều 23 Luật ATVSLĐ và Thông tư số 25/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/11/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Thực hiện đúng quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo quy định tại Chương VII Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động; Thông tư số 18/2021/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng; thời giờ làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại quy định tại Điều 25 Luật ATVSLĐ.
- Phân loại lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục ban hành kèm theo Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện các chế độ liên quan theo quy định và thực hiện việc bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động theo Thông tư số 24/2022/TT-LĐTBXH ngày 31/11/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. - Thực hiện khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho người lao động theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động và lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe của người lao động hằng năm theo quy định tại Khoản 2, Điều 27 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
- Thực hiện việc khai báo, điều tra, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ theo quy định tại Chương III Nghị định số 39/2016/NĐ- CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ; tổ chức thu thập, lưu trữ, tổng hợp, cung cấp, 4 công bố, đánh giá về tình hình tai nạn lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 13/2020/TT-BLĐTBXH ngày 27/11/202 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc tự kiểm tra định kỳ, đột xuất về công tác ATVSLĐ tại cơ sở theo quy định tại Điều 80 Luật ATVSLĐ; Nội dung kiểm tra theo quy định tại Phụ lục I Thông tư số 07/2016/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2016 của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội.
- Đối với các đơn vị, doanh nghiệp có môi trường làm việc trong không gian hạn chế chủ sử dụng lao động phải xây dựng biện pháp, phương án làm việc theo QCVN 34:2018/BLĐTBXH; trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân hợp quy, cho người lao động theo quy định tại Thông tư số 25/2023/TT-BLĐTBXH, thường xuyên kiểm tra yêu cầu người lao động phải sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp, nếu người lao động không sử dụng hoặc sử dụng không đúng quy định thì cương quyết không cho vào làm việc.
- Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoặc nhập khẩu các máy, thiết bị theo danh mục sảm phẩm, hàng hóa nhóm 2 (Chai, thùng chứa khí nén có áp suất làm việc định mức trên 0,7 bar (trừ chai chứa sản phẩm dầu khí và khí dầu mỏ hóa lỏng); Pa lăng điện, tời điện; Palăng kéo tay, tời tay có tải trọng nâng từ 1.000 kg trở lên; Bàn nâng người, sàn nâng người (trừ sàn treo nâng người sử dụng trong thi công xây dựng) thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BLĐTBXH ngày 03/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải thực hiện báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để kiểm tra.
- Báo cáo công tác ATVSLĐ, tai nạn lao động về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: (i) Thực hiện báo cáo định kỳ công tác ATVSLĐ hàng năm theo quy định tại Điều 7 Luật ATVSLĐ; Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 07/2016/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; báo cáo trước ngày 10/01 năm sau theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BLĐTBXH. (ii) Thực hiện báo cáo định kỳ về tình hình tai nạn lao động 06 tháng đầu năm và cả năm theo quy định tại Điều 36 Luật An toàn, vệ sinh lao động; Điều 24 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động; báo cáo 6 tháng (trước ngày 05/7) và báo cáo năm (trước ngày 10/01 năm sau) theo quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ.
Đề nghị các Doanh nghiệp/Nhà thầu thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATVSLĐ; kiểm định kỹ thuật an toàn các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trước khi đưa vào sử dụng và đăng ký về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân hợp quy, thường xuyên kiểm tra, giám sát người lao động sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và tuân thủ các quy định về ATVSLĐ.