(Thanhhoa.dcs.vn): Ngày 24/10/2023, tại cuộc họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của Đất nước trong 03 năm 2023-2025, sau khi nghe ý kiến phát biểu của thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan; đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương có ý kiến như sau:
1. Yêu cầu đối với việc tổ chức
kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng đã được nêu rõ trong Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 22/7/2010, Kết luận số 88-KL/TW ngày 18/02/2014 của Bộ Chính trị, ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư tại Công văn số 4571-CV/BTGTW ngày 19/8/2022 của Văn phòng Trung ương Đảng, Hướng dẫn số 69-HD/BTGTW ngày 20/9/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong 3 năm 2023 - 2025 (sau đây viết tắt là Hướng dẫn 69).
Các cấp, các ngành, nhất là cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức các hoạt động kỷ niệm đã chủ động bám sát sự Chỉ đạo của Ban Bí thư, nỗ lực tổ chức thành công kỷ niệm nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, ngành, địa phương trong năm 2023 được dư luận đánh giá cao; đồng thời tích cực chuẩn bị tốt cho các hoạt động kỷ niệm trong năm 2024.
2. Từ nay đến hết năm 2025, đất nước ta có kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng; kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân; ngày thành lập, ngày tái lập, ngày giải phóng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; kỷ niệm 100 năm và trên 100 năm Ngày sinh của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và tiền bối tiêu biểu của Đảng, đặc biệt là kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024); 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025); 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025); 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025); 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2025); 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024); 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024); 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2025) và 20 năm Ngày hội toàn dân bào vệ an ninh Tố quốc (19/8/2005 - 19/8/2025).
Các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì tổ chức kỷ niệm cần nhận thức đúng mục đích, yêu cầu, quy mô, tầm vóc và tính chất của sự kiện quốc gia; chủ động xây dựng Đề án kỷ niệm theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương; tăng cường công tác phối hợp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm theo đúng yêu cầu của Ban Bí thư.
3. Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện quốc gia, cần tổ chức trang trọng, đúng tầm vóc, ý nghĩa sâu sắc, thiết thực, hiệu quả, hướng tới Nhân dân, gắn với tôn vinh nhân vật và sự kiện lịch sử. Các ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị chủ trì, cần chuẩn bị thật tốt các hoạt động; cụ thể:
(1). Đề án tổng thể các hoạt động kỷ niệm: Cơ bản thống nhất với Đề án do tỉnh Điện Biên chuẩn bị, đề nghị Tỉnh tiếp tục bổ sung và sớm hoàn thiện theo ý kiến góp ý của các thành viên Ban Chỉ đạo, các đại biểu tham dự cuộc họp; lưu ý cần tổng hợp đầy đủ các hoạt động của Trung ương trong Hướng dẫn 69.
(2). Các hoạt động kỷ niệm
(i) Các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm trọng tâm (Lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; Lễ kỷ niệm và diễu binh, diễu hành; cầu truyền hình trực tiếp; hội thảo khoa học; trưng bày triển lãm, cuộc thi tìm hiểu và các hoạt động tuyên truyền, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, năm du lịch...): Tỉnh Điện Biên và các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương được giao chủ trì chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành các hoạt động; trong đó lưu ý:
- Thời gian, chương trình tổ chức các hoạt động, nhất là Lễ kỷ niệm, diễu binh, diều hành cần phù hợp với điều kiện thời tiết và điều kiện đi lại của đại biểu tham dự.
- Lễ diễu binh, diễu hành: Bộ Quốc phòng chủ trì, cần rà soát cơ cấu, thành phần tham gia bảo đảm đủ yếu tố của 3 miền và các tỉnh Tây Bắc.
- Chương trình nghệ thuật đặc biệt tại Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì, cần phải chuẩn bị kỹ lường, bảo đảm Chương trình nghệ thuật cao, đặc trưng của văn hóa quốc gia, gắn với văn hóa của các đồng bào vùng Tây Bắc và mang ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước sâu sắc.
- Việc mời đại biểu quốc tế và báo chí tham dự đưa tin các hoạt động kỷ niệm: Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và dự kiến khách mời quốc tế, các cơ quan thông tấn báo chí nước ngoài dự, đưa tin về sự kiện.
- Về công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong dịp kỷ niệm: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn, công tác y tế cho các hoạt động kỷ niệm, nhất là các hoạt động trọng tâm, có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu quốc tế.
(ii) Trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử, chỉnh trang đô thị; xây dựng các hạng mục, công trình thiết yếu trước mắt và lâu dài
- Việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử, chỉnh trang đô thị, các hạng mục, công trình thiết yếu, trước mắt phục vụ các hoạt động kỷ niệm: Tỉnh Điện Biên chỉ đạo khẩn trương thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng, đúng các quy định hiện hành và có ý nghĩa thiết thực.
- Những công trình, dự án đầu tư lớn, lâu dài: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Điện Biên lựa chọn đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và công bố trước khi Lễ kỷ niệm diễn ra.
(iii) Các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, các cựu chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ
- Tỉnh Điện Biên nỗ lực, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân, nhất là đối với vùng đồng bào còn khó khăn, nơi căn cứ cách mạng, kháng chiến.
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tồ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn tỉnh Điện Biên và các địa phương quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các cựu chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên toàn quốc - những người đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng thời, nghiên cứu nắm tình hình của các hộ dân được xây dựng nhà đại đoàn kết, xác định cụ thể các hộ dân không tự lo được thì hỗ trợ 100% để xây nhà cho bà con.
- Các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo hướng về Điện Biên; tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp chung tay, góp sức thực hiện tốt phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" góp phần phát triển bền vững, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc ở cơ sở.
- Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... nghiên cứu bố trí các công trình, chương trình, dự án hỗ trợ tỉnh Điện Biên để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
(3). Kinh phí tổ chức các hoạt động từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa, bảo đảm hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả
- Các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương lập dự toán kinh phí thực hiện các hoạt động theo Hướng dẫn 69 và Đề án tổng thể các hoạt động kỷ niệm của tỉnh Điện Biên, gửi về Bộ Tài chính thẩm định, phê duyệt theo quy định.
- Tỉnh Điện Biên khẩn trương lập dự toán các hoạt động được giao chủ trì và các hạng mục, công trình, dự án trước mắt, lâu dài; thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và tỉnh Điện Biên khẩn trương tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và phân bổ kinh phí tổ chức các hoạt động kỷ niệm. Đối với các dự án mua sắm phương tiện, công trình xây dựng, trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, chỉnh trang hạ tầng đô thị... cần thực hiện gấp: Bộ Tài chính phối hợp tỉnh Điện Biên nghiên cứu đề xuất Ban Bí thư cho phép sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên, bảo đảm thủ tục theo quy định.
(4). Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, tỉnh Điện Biên xây dựng kế hoạch tổ chức kỷ niệm sự kiện 70 năm Ngày ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ trước khi diễn ra Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
(5). Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, kết nối, phối hợp và kịp thời kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt nhiệm vụ dược giao.