(Thanhhoa.dcs.vn): Sau Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, tổ chức của Chính phủ; vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 203/NQ-CP ngày 01/12/2023; trong đó cho ý kiến vào Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa do Bộ Khoa học và Công nghệ chuẩn bị với một số nội dung quan trọng.
Theo đó, Chính phủ đánh giá cao Bộ Khoa học và Công nghệ đã chuẩn bị Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật cơ bản theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các Thành viên Chính phủ, cơ quan liên quan đã phát huy tinh thần trách nhiệm, góp ý hoàn thiện nhiều vấn đề lớn, bám sát thực tiễn, đề xuất các giải pháp chính sách để khắc phục bất cập, hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Chính phủ thống nhất về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007; Giao Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật với các yêu cầu sau:
- Tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về: (1) Hoàn thiện thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017; (2) Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019; (3) Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17 tháng 11 năm 2022.
- Tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ việc thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, xác định rõ các quy định còn phù hợp để kế thừa; các quy định không còn phù hợp với thực tiễn, yêu cầu quản lý nhà nước và phát triển hoạt động này trong điều kiện hiện nay; nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm phù hợp với đặc điểm về chính trị và điều kiện thực tế của Việt Nam, bảo đảm tính khả thi của các chính sách mới.
- Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật phải thuyết minh rõ lý do kế thừa các quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007; lý do sửa đổi, bổ sung các quy định cần ban hành mới. Nội dung thuyết minh cần phân tích kỹ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc kế thừa, sửa đổi, bổ sung từng quy định cụ thể.
- Nội dung của Đề nghị xây dựng Luật phải thể hiện rõ nguyên tắc, chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước giữa cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phòng, chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
- Tiếp tục lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn; đẩy mạnh công tác truyền thông về các chính sách và nội dung của Đề nghị xây dựng Luật nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội, người dân, tổ chức, cơ quan có liên quan và đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự án Luật.
- Về các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật:
Chính phủ cơ bản thống nhất với các Chính sách 01, 02, 03 và 05 trong Đề nghị xây dựng Luật như đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ; không thống nhất với Chính sách 04; yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chỉnh lý, hoàn thiện các chính sách, cụ thể:
(1) Chính sách 01: Sửa đổi quy định về xác định sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm hàng hóa nhóm 2) và hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, rà soát quy định các nội dung về: (i) Tiêu chí xác định sản phẩm, hàng hóa có tính chất rủi ro cao và sản phẩm, hàng hóa có tính chất rủi ro trung bình, thấp; (ii) Làm rõ các thủ tục hành chính được cắt giảm đối với giải pháp thực hiện chính sách về hậu kiểm; (iii) Làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước đối với việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhóm 2; phân cấp quản lý, bảo đảm quy định rõ trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương trong việc kiểm tra, quản lý, xây dựng và phê duyệt danh mục hàng hóa nhóm 2.
(2) Chính sách 02: Ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa.
Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, nghiên cứu quy định bao quát các loại ứng dụng công nghệ để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa.
(3) Chính sách 03: Thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng và triển khai đầy đủ các cam kết quốc tế và phù hợp thông lệ quốc tế.
Bộ Khoa học và Công nghệ làm rõ về nội dung bắt buộc thực hiện theo các Điều ước quốc tế, nội dung Điều ước quốc tế khuyến khích các nước thực hiện và những nội dung được bảo lưu để xác định giải pháp thực hiện chính sách đó, đồng thời chỉnh lý tên gọi chính sách cho phù hợp với nội dung chính sách tại Đề nghị xây dựng Luật.
(4) Chính sách 04 : Tăng cường vai trò, hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm soát viên chất lượng.
Bộ Khoa học và Công nghệ không quy định các nội dung về tổ chức bộ máy theo quy định tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 56/2017/QH 14 ngày 21 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội và Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ[1]. Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nội vụ giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành Luật theo thẩm quyền.
(5) Chính sách 05: Tăng cường tính hiệu quả của hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, phân cấp quản lý để phù hợp với tình hình hiện nay.
Bộ Khoa học và Công nghệ quy định rõ nội dung về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa để thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, tăng tính hiệu quả của quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
- Về phạm vi sửa đổi Luật: Bộ Khoa học và Công nghệ cân nhắc sửa đổi toàn diện Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 để bảo đảm xử lý tổng thể các vấn đề tồn tại của Luật, đáp ứng yêu cầu phát triển lĩnh vực này trong tình hình mới.
- Về thủ tục hành chính: Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định về thủ tục hành chính, nghiêm túc đánh giá tác động các thủ tục hành chính theo quy định. Đồng thời, nghiên cứu có phương án giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết đối với các thủ tục hành chính, nhằm bảo đảm tính khả thi khi áp dụng trong thực tế.
Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Thành viên Chính phủ chỉnh lý, hoàn thiện h ồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, gửi Bộ Tư pháp tổng hợp Đề nghị xây dựng Luật này vào Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025 theo quy định.
Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa...