(Thanhhoa.dcs.vn): Sau một thời gian tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến nay hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh đã từng bước khôi phục trở lại bình thường như trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19, sản lượng vận tải hành khách hàng tháng đều tăng trưởng, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, qua đó góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh đó trong thời gian gần đây xuất hiện tình trạng xe khách tuyến cố định bỏ bến ra ngoài hoạt động; xe hợp đồng đón trả khách lặp đi lặp lại tại các văn phòng, chi nhánh đại diện của các đơn vị vận tải theo hình thức tuyến cố định; “xe ghép, xe tiện chuyến” vận chuyển khách trái quy định có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, đặc biệt trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, huyện Triệu Sơn và một số địa phương khác mà báo chí đã phản ánh. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, sở Giao thông vận tải (GTVT) đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra xử lý việc chấp hành quy định của pháp luật về hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô tại thành phố Thanh Hóa và huyện Triệu Sơn.
Theo đó, hiện nay trên địa bàn thành phố Thanh Hóa có 07 đơn vị và huyện Triệu Sơn có 03 đơn vị kinh doanh vận tải có sử dụng phương tiện vận chuyển khách theo hình thức hợp đồng; qua kiểm tra, các đơn vị nói trên chủ yếu hoạt động vận tải khách theo hình thức hợp đồng và còn để xảy ra vi phạm quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô như không thông báo nội dung hợp đồng vận chuyển hành khách đến Sở GTVT trước khi thực hiện hợp đồng vận chuyển theo quy định; điều khiển xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng không mang theo danh sách hành khách theo quy định; vận chuyển hành khách theo tuyến cố định không có lệnh vận chuyển theo quy định. Qua kiểm tra, Sở GTVT đã lập biên bản, xử lý vi phạm của 08 đơn vị với số tiền phạt là 72,4 triệu đồng (gồm 07 đơn vị hoạt động trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, 01 đơn vị hoạt động trên địa bàn huyện Triệu Sơn).
Hiện nay, việc phát hiện, xử lý vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô đang gặp nhiều khó khăn như: Cục Đường bộ Việt Nam chưa nâng cấp Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên phương tiện, để trích xuất dữ liệu điểm đầu, điểm cuối trùng lặp của tổng số chuyến xe trong thời gian một tháng, làm cơ sở xử lý các trường hợp phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và du lịch vi phạm Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ; chưa xây dựng, đưa vào sử dụng phần mềm tiếp nhận thông tin tối thiểu của hợp đồng vận chuyển theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ làm cơ sở để Sở GTVT các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tra cứu thông tin phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch. Lực lượng Thanh tra giao thông không được dừng phương tiện vận tải hành khách khi đang lưu thông trên đường bộ để kiểm tra, xử lý vi phạm về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Một bộ phận không nhỏ hành khách có tâm lý ngại chờ đợi, muốn được đưa đón tận nơi… nên không vào bến xe, các điểm đón trả khách theo quy định để mua vé khi di chuyển nên thường xuyên sử dụng dịch vụ vận chuyển khách của các doanh nghiệp hợp đồng, du lịch...
Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động vận tải khách bằng xe ô tô theo đúng quy định hiện hành, đặc biệt là hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch, Sở Giao thông vận tải đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các vi phạm về đón, trả khách không đúng quy định; lập bến xe, bãi đỗ xe hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải không đúng quy định; kiên quyết chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn quản lý được công bằng, bình đẳng nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông…