(Thanhhoa.dcs.vn): Từ năm 2013 đến nay, các cấp, các ngành, các địa phương đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC); số vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy nổ gây ra trên địa bàn tỉnh được kiềm chế; không xảy ra các vụ cháy, nổ lớn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực; qua đó,   nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và Nhân dân về thực hiện các quy định PCCC được nâng lên. Đã đăng tải gần 7.400 tin, bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức trên 27.000 lớp tập huấn, tuyên truyền với gần 674.000 người tham gia; cấp phát gần 81.000 tờ rơi, tài liệu tuyên truyền; treo trên 18.300 băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích; tuyên truyền lưu động 30.540 lượt; thực hiện ký cam kết an toàn PCCC cho trên 415.000 lượt đơn vị, hộ gia đình; vận động, hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng "Báo cháy 114" trên thiết bị di động, thông tin qua tài khoản Zalo "Cục Cảnh sát PCCC và CNCH"; phối hợp với các trường học tổ chức ngoại khóa cho học sinh trải nghiệm “Một ngày làm lính cứu hỏa”... Phong trào toàn dân PCCC được triển khai rộng rãi, huy động các thành phần xã hội tích cực tham gia công tác PCCC ngay tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và địa bàn khu dân cư; duy trì hiệu quả mô hình “Khu dân cư an toàn PCCC”, “Chợ, siêu thị, TTTM đạt chuẩn về PCCC”; ra mắt 320 mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC"; 155 mô hình "Điểm chữa cháy công cộng"; hơn 100 mô hình tuyên truyền công tác PCCC... tại các khu dân cư.

Lực lượng PCCC được củng cố, kiện toàn từ tỉnh tới cơ sở; đến nay, toàn lực lượng Cảnh sát PCCC có 1.121 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 272 người được đào tạo chuyên ngành PCCC (chiếm 24,3%). Công an tỉnh bố trí 11 đội công tác PCCC trực thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH; Công an các huyện, thị xã, thành phố bố trí 01 tổ Cảnh sát PCCC và CNCH thuộc Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội; các xã, phường, thị trấn bố trí cán bộ kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ công tác PCCC và CNCH. 100% UBND cấp xã và các cơ quan, doanh nghiệp đã thành lập 4.353 đội dân phòng với trên 43.700 đội viên; 6.041 đội PCCC cơ sở với gần 51.800 đội viên, thường xuyên theo dõi, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố cháy, nổ phát sinh ở cơ sở. Hiện nay, phương tiện chữa cháy và CNCH chủ yếu do Công an tỉnh quản lý, sử dụng, bao gồm: 27 xe chữa cháy, 05 xe cứu nạn, cứu hộ, 03 xe thang chữa cháy, 09 xe bồn tiếp nước, 17 máy bơm chữa cháy, 07 xuồng máy, 04 mô tô nước...; toàn tỉnh đã lắp đặt 840 trụ nước chữa cháy tập trung tại địa bàn các thành phố, thị xã, trong đó có 675 trụ hoạt động tốt (chiếm 80%), cơ bản đáp ứng yêu cầu PCCC hiện nay tại các khu đô thị.

Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã xảy ra 875 vụ cháy, nổ, làm 13 người chết, 132 người bị thương; thiệt hại về tài sản 244,5 tỷ đồng và 383 ha rừng (tăng 422 vụ, tăng 05 người chết, tăng 82 người bị thương so với cùng kỳ giai đoạn 2002-2012). Nguyên nhân chủ yếu do sự cố hệ thống thiết bị điện 515 vụ (chiếm 59% tổng số vụ); sơ xuất trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 248 vụ (chiếm 28%); vi phạm quy định về PCCC 18 vụ (chiếm 02%); các nguyên nhân khác 94 vụ (chiếm 11%). Có 420 vụ xảy ra tại thành thị (chiếm 48%), 455 vụ xảy ra tại nông thôn (chiếm 52%). Công an tỉnh đã điều động 2.699 lượt phương tiện với 18.683 lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng tại chỗ tham gia PCCC và CNCH.

Công tác thanh tra, kiểm tra về PCCC được tăng cường. Công an tỉnh đã tổ chức 02 cuộc thanh tra chuyên ngành tại 46 cơ quan, doanh nghiệp; chuyển cơ quan có thẩm quyển xử phạt hành chính 23 cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao. Lực lượng công an phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức kiểm tra về PCCC đối với 123.119 lượt cơ sở; qua kiểm tra đã kiến nghị khắc phục 260.231 thiếu sót, tồn tại; xử lý vi phạm hành chính 6.447 trường hợp, tổng số tiền phạt trên 25,3 tỷ đồng; tạm đình chỉ hoạt động 239 cơ sở, đình chỉ hoạt động 90 cơ sở không bảo đảm an toàn về PCCC.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, đó là: Phong trào toàn dân tham gia PCCC tại một số nơi chưa đi vào chiều sâu; vẫn còn một số người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị chưa nhận thức hết trách nhiệm trong công tác PCCC; nhận thức về PCCC của một bộ phận người dân chưa cao. Một số cơ quan, doanh nghiệp còn chủ quan, bị động trong công tác PCCC, nhất là trong giai đoạn tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh; hệ thống cấp điện của các khu dân cư, các hộ dân, nhất là ở các khu dân cư cũ trong các đô thị còn nhiều bất cập, chậm được nâng cấp, sửa chữa, thiếu đồng bộ dễ dẫn tới chập điện gây cháy nhà. Lực lượng dân phòng tại một số địa phương còn mỏng, thường xuyên thay đổi, phương tiện trang bị còn thô sơ, duy trì hoạt động còn hạn chế. Phương tiện, trang thiết bị của lực lượng Cảnh sát PCCC còn thiếu, chưa đồng bộ; phần lớn đã được sử dụng nhiều năm, bị xuống cấp; phương tiện thông tin liên lạc vô tuyến điện chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là tại các địa bàn có địa hình phức tạp như: hầm mỏ, hang sâu, trên biển, trong rừng...

(Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)