Sáng 17-7, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 27 địa phương từ Bắc bộ đến Nghệ An và các bộ, ngành liên quan để triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 1 đang hướng về khu vực Bắc bộ. Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, chủ trì hội nghị.
Các điểm cầu địa phương và các bộ, ngành Trung ương tại hội nghị trực tuyến. (Ảnh chụp màn hình).
Tại điểm cầu Thanh Hóa, đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị là thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (BCH PCTT, TKCN & PTDS) tỉnh, các đơn vị liên quan.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa.
Thông tin nhanh từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, vào hồi 6h sáng ngày 17-7, tâm bão số 1 ở vào khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc, 113,3 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất 103-133 km/h, cấp 11-12, giật cấp 15. Dự báo trong 3 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây - Tây bắc với tốc độ khoảng 15 km/h. Dự kiến báo sẽ đổ bộ vào đất liền từ Quảng Ninh đến Thái Bình vào chiều tối ngày 18-7.
Dự báo đường đi của bão số 1.
Theo Báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, tính đến 6 giờ ngày 17-7, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 5.188 tàu/26.183 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển vòng tránh. Hiện không còn tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, cần quan tâm đến các tàu nhỏ, tàu du lịch đi về trong ngày.
Tại hội nghị, các bộ ngành và địa phương đã thông tin nhanh công tác triển khai các giải pháp ứng phó với cơn bão theo tinh thần Công điện số 646 ngày 16-7-2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai lưu ý, hiện bão đang còn diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, các ngành địa phương cần theo dõi sát sao diễn biến của bão. Đặc biệt không được chủ quan lơ là, cần chủ động linh hoạt, phối hợp tốt trong cung cấp thông tin và xử lý tình huống. Đồng thời chuẩn bị chu đáo các điều kiện ứng phó trước, trong và sau bão.
Tại Thanh Hóa, từ ngày 14-7 đến nay, BCH PCTT, TKCN & PTDS tỉnh đã ban hành 3 công điện triển khai đến các cấp, các ngành để yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kiểm đếm và quản lý chặt chẽ phương tiện tàu thuyền ra khơi và nhiều nhiệm vụ khác.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, hiện toàn tỉnh có 6.513 phương tiện tàu thuyền với 25.240 lao động thường xuyên khai thác trên biển. Đến cuối ngày 16-7, vẫn còn hơn 900 phương tiện đang hoạt động trên biển, nhưng đa phần gần bờ và các vùng biển phía Nam. Hiện tất cả các chủ phương tiện đều nắm được thông tin về cơn bão và thường xuyên giữ liên lạc với các cơ quan chức năng và gia đình.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang lưu ý, tình hình bão lũ luôn khó lường, yêu cầu tất cả các bộ ngành, địa phương và người dân không được chủ quan, lơ là, phải chuẩn bị thật tốt các điều kiện và giải pháp cần thiết. Mục tiêu là không để thiệt hại về người, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại tài sản của nhà nước và Nhân dân. Đồng chí yêu cầu các bộ ngành, địa phương liên quan thực hiện nghiêm các chỉ đạo và nhiệm vụ. Quá trình thực hiện nhiệm vụ phải lưu ý: Không chủ quan lơ là; chủ động, linh hoạt; phối hợp tốt giữa các bộ ngành, địa phương; chuẩn bị chu đáo nhất có thể.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Thanh Hóa.
Chỉ đạo tại điểm cầu Thanh Hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang yêu cầu lực lượng chức năng liên quan, các địa phương trong tỉnh tiếp tục tổ chức kiểm đếm tàu thuyền; bằng mọi biện pháp kêu gọi chủ phương tiện ra khỏi vùng nguy hiểm đưa về nơi tránh, trú bão an toàn; đảm bảo an toàn cho người, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản. Lưu ý chủ động sơ tán dân tại các khu vực trũng thấp có nguy cơ ngập sâu do mưa lớn, nước biển dâng; khu vực có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất; đảm bảo an toàn do du khách đang lưu trú tại các điểm du lịch.
Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó linh hoạt với mọi tình huống. Riêng lệnh cấm biển, sẽ tùy tình hình thực tế để có những chỉ đạo linh động.