(Thanhhoa.dcs.vn): Thanh Hóa nằm ở vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, điểm kết nối Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung Bộ với Vùng đồng bằng Sông Hồng; cửa ngõ thông thương ra biển gần nhất của khu vực phía Tây Tây Bắc nước ta và Đông Bắc Lào. Tỉnh có quy mô diện tích tự nhiên đứng thứ 5 cả nước, với trên 11.120 km2, quy mô dân số đứng thứ 3 cả nước, với trên 3,74 triệu người; có 102 km bờ biển, 213,6 km đường biên giới giáp với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Tỉnh có 27 huyện, thị xã, thành phố (02 thành phố, 02 thị xã, 23 huyện), 559 xã, phường, thị trấn. Riêng khu vực miền núi có 11 huyện, 175 xã, thị trấn, diện tích gần 8.000 km2, dân số trên 01 triệu người, trong đó còn 06 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a, có 16 xã biên giới, gần 701.000 đồng bào các dân tộc thiểu số.

Gần 10 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, bài bản, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tín dụng chính sách xã hội, nhất là thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội", đạt nhiều kết quả quan trọng; khẳng định vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bám sát chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương về công tác tín dụng chính sách xã hội tại Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tổ chức quán triệt, triển khai đến đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh; ban hành Công văn số 1986-CV/TU ngày 21/4/2015 "Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tín dụng chính sách xã hội" và Kế hoạch hành động số 23-KH/TU ngày 10/6/2021 về thực hiện Kết luận số 06-KL/TW; chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện nghiêm túc việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị và Kết luận đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội; căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị để xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện, trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả; coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của địa phương, đơn vị.

Chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các đơn vị liên quan tăng cường công tác phối hợp trong việc tuyên truyền, vận động, định hướng dư luận xã hội về hoạt động tín dụng chính sách, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, ý nghĩa, vai trò của chính sách tín dụng ưu đãi; quá đó, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và người dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nhằm thực hiện chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội”, cùng với nguồn vốn của Trung ương chuyển về, Tỉnh đã chỉ đạo huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của các đối tượng đủ điều kiện và có nhu cầu. Hằng năm, UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đều dành một phần vốn ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn; lũy kế từ năm 2014 đến ngày 30/6/2023, ngân sách tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố và các nguồn đầu tư hợp pháp khác ủy thác sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và phòng giao dịch chính sách xã hội huyện đạt 502,2 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh là 336,6 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách cấp huyện là 164,5 tỷ đồng và nguồn vốn chủ đầu tư khác 1,1 tỷ đồng. Đồng thời, chỉ đạo tập trung huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ các tổ chức, cá nhân, từ tiết kiệm dân cư và từ nguồn tiền thực hành tiết kiệm của chính hộ nghèo và các đối tượng chính sách thông qua mạng lưới hoạt động của hơn 6.500 Tổ tiết kiệm vay vốn thành lập tại các thôn, bản, khu phố trên toàn tỉnh.

Các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo điều tra, rà soát, xác định, bổ sung đối tượng vay vốn tín dụng chính sách xã hội theo đúng quy định của pháp luật. Định kỳ hằng năm, tổ chức thực hiện điều tra, rà soát, phê duyệt kịp thời danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay; thường xuyên rà soát, bổ sung danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh, đủ điều kiện và cho ra khỏi danh sách những hộ đã thoát nghèo theo quy định. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh căn cứ danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được phê duyệt thường xuyên rà soát đối tượng cho vay, bảo đảm đúng đối tượng thụ hưởng. Ngày 07/9/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3363/2017/QĐ-UBND về Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh; trong đó, bổ sung thêm đối tượng vay vốn chương trình cho vay xuất khẩu lao động là nạn nhân chất độc màu da cam.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã chủ động, tích cực phối hợp với ngành chức năng liên quan làm tốt việc xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời gắn kết các chương trình tín dụng chính sách xã hội với hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ, các chương trình khuyến nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, đào tạo nghề, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. nhằm giúp hộ vay, Nhân dân trên địa bàn sử dụng vốn vay có hiệu quả.

Công tác đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, xử lý nợ quá hạn luôn được quan tâm chỉ đạo. Hằng năm, tỷ lệ thu nợ đến hạn cuối kỳ đạt cao; công tác chỉ đạo các địa phương chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách luôn được chú trọng, đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng tín dụng tại các địa phương có tỷ lệ nợ quá hạn cao; đến nay, nợ quá hạn của Ngân hàng Chính sách xã hội là 9,7 tỷ đồng, góp phần đưa tỷ lệ nợ quá hạn toàn tỉnh từ 0,33% cuối năm 2014 xuống còn 0,07% tổng dư nợ đến 30/6/2023. Đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa. Là 01 trong 03 tỉnh được Chính phủ thực hiện thí điểm chủ trương bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách cấp huyện (cùng với tỉnh Bắc Giang và tỉnh Long An), Tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của ban đại diện và chất lượng hoạt động của tín dụng chính sách. Các chủ trương, chính sách về tín dụng chính sách được triển khai nhanh chóng, những khó khăn, vướng mắc được chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp chỉ đạo giải quyết kịp thời tại cơ sở, giúp chất lượng tín dụng chính sách được nâng lên, nợ quá hạn giảm. Không chỉ gắn trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện tín dụng chính sách, công tác phối hợp giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và các đoàn thể chính trị - xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, giúp cho tín dụng chính sách xã hội đến với người dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác được hiệu quả hơn.

Việc tổ chức thực hiện các chính sách tín dụng xã hội đã cơ bản khắc phục tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm, góp phần ngăn chặn "tín dụng đen" ở khu vực nông thôn, nâng cao đời sống vật chất của Nhân dân, ổn định trật tự an toàn xã hội. Tính đến ngày 30/6/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 13.010 tỷ đồng, tăng 6.018 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2014 (thời điểm ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW); tổng số tiền đã giải ngân đạt 29.616 tỷ đồng cho gần 851 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, xã đang thực hiện xây dựng nông thôn mới..., góp phần giúp hơn 271.600 hộ gia đình thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 52.000 lao động; giúp hơn 4.700 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động theo hợp đồng; gần 28.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 257.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 11.600 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; xây dựng hơn 1.500 căn nhà ở xã hội; giúp 66 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập khắc phục khó khăn... Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng vào giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh (tỷ lệ hộ nghèo trong giai đoạn 2011 - 2015 giảm từ 20,37% xuống 13,51%; trong giai đoạn 2016 - 2020 giảm từ 10,97% xuống 2,2%; trong giai đoạn 2021 - 2022 giảm từ 6,74% xuống còn 4,99%, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều).

Đến nay, sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những ảnh hưởng rất nghiêm trọng của đại dịch COVID-19; song, bằng sự đoàn kết, chủ động, sáng tạo, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân; tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Kinh tế của tỉnh hằng năm tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 đạt 8,85%, đứng thứ 5 cả nước; năm 2022 đạt 12,51%, đứng thứ 7 cả nước; 6 tháng đầu năm 2023 đạt 7%. Thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 51.138 tỷ đồng, đứng thứ 9 cả nước, gấp 1,62 lần năm 2020. Đặc biệt, ngày 27/02/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là tỉnh thứ 4 được phê duyệt quy hoạch tỉnh, tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi, mở ra thời cơ, động lực mới để Thanh Hóa phát triển. Các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế được tổ chức linh hoạt, thích ứng an toàn với tình hình dịch bệnh, chất lượng, hiệu quả được nâng lên; an sinh xã hội được chăm lo, đời sống Nhân dân ổn định. Quốc phòng - an ninh được bảo đảm. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế, đó là: Nguồn vốn ủy thác từ nguồn ngân sách tỉnh và ngân sách cấp huyện mới chỉ chiếm 3,5% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách do Ngân hàng CSXH tỉnh đang quản lý. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác tín dụng chính sách xã hội, chưa đưa việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội vào chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên của cấp ủy, chính quyền. Công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề với hoạt động tín dụng chính sách xã hội chưa thật sự gắn kết, hiệu quả, đồng bộ. Công tác kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại một số địa phương, đơn vị chưa thường xuyên, liên tục, hiệu quả chưa cao. Nhu cầu về vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh còn tương đối lớn, trong khi nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang còn hạn chế…

Trong thời gian tới, để chủ trương của Đảng về tín dụng chính sách xã hội ngày càng mang lại lợi ích thiết thực, đóng góp nhiều hơn trong công tác giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân, bảo đảm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển; Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu rộng, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, bài bản, toàn diện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản của Tỉnh về tín dụng chính sách xã hội; trọng tâm là Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội. Quán triệt sâu sắc quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch, hoạt động thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và cải thiện đời sống Nhân dân.

Thứ hai, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, nhất là chương trình giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới, các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, dạy nghề, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm,…. Cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách xã hội.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tập hợp lực lượng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác; nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội đối với tín dụng chính sách; làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn vay vốn, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách thuận tiện trong việc vay vốn ưu đãi và sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả; mở rộng cuộc vận động vì người nghèo để huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.

Thứ tư, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục phối hợp với các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và đối tượng chính sách; xác định nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh. Tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động của điểm giao dịch xã, phường, thị trấn; tích cực cải tiến quy trình, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội, đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận và sử dụng dịch vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội .

Thứ năm, tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng giao dịch, hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, đảm bảo đúng đối tượng được vay vốn và người vay sử dụng vốn có hiệu quả; thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn vay./.