Các cấp, ngành, các địa phương cần tiếp tục xây dựng, giữ gìn phát huy sức mạnh văn hóa gia đình, văn hóa giáo dục, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từ đó, góp phần phát triển nguồn lực cho quốc gia.
Toàn cảnh hội thảo tại điểm cầu Thanh Hoá
Chiều 15-8, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức hội thảo “Vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập (XHHT) góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và những phầm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội thảo.
Dự hội thảo về phía Trung ương có GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức hội thảo; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học, các chuyên gia có bài tham luận tại hội thảo.
Về phía tỉnh Thanh Hóa có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Hội Khuyến học tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh.
Các đại biểu dự hội thảo tại điểm cầu Thanh Hóa.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh: Việc khai thác nét đẹp truyền thống quý báu của gia đình, dòng họ để giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, để “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Hội khuyến học Việt Nam được giao nhiệm vụ làm nòng cốt xây dựng XHHT. Từ năm 1999, Hội đề nghị và Chính phủ đã giao cho Hội Khuyến học Việt Nam nhiệm vụ thực hiện các mô hình “Gia đình hiếu học” rồi đến “Gia đình học tập”, “Dòng họ hiếu học”, “Dòng họ học tập”, với mục đích vận động người dân học tập thường xuyên, học tập suốt đời để bồi đắp tri thức, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở địa phương, từ đó xây dựng XHHT ở nước ta.
Qua thời gian 22 năm thực hiện đầy khó khăn, vừa thực hiện, vừa rút kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, đến nay, thực tế đã chứng minh vai trò đặc biệt quan trọng của gia đình, dòng họ trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn nét đẹp văn hóa ở làng, xã, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thông qua việc thực hiện các mô hình học tập.
Hội thảo được tổ chức có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thông qua hội thảo sẽ đánh giá đúng vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng XHHT. Từ đó, góp phần thực hiện tốt chiến lược văn hóa, tìm ra yếu tốt cốt lõi để giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc Việt Nam và phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.
Sau một thời gian triển khai, hội thảo đã nhận được 72 tham luận của các nhà khoa học, các chuyên gia, một số sở, ban, ngành và các dòng họ trong cả nước. Các tham luận đã mang đến cho người đọc một bức tranh với nhiều nét chấm phá về xây dựng dòng họ, gia đình, XHHT, cũng như những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo hội thảo (Ảnh chụp màn hình).
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao công tác phối hợp chuẩn bị cho hội thảo của các đơn vị chủ trì là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Khuyến học Việt Nam.
Đồng chí nhấn mạnh: Những năm qua, công tác xây dựng XHHT luôn được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện đạt nhiều kết quả. Trong đó, Hội Khuyến học Việt Nam đóng vai trò chủ đạo trong xây dựng XHHT. Đồng thời, Hội Khuyến học các cấp, dòng họ trong cả nước cũng luôn coi công tác xây dựng XHHT, khuyến học, khuyến tài (KHKT) là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh CNH, HĐH hiện nay, trước sự phát triển của khoa học và công nghệ đã tác động không nhỏ đến gia đình, dòng họ. Bởi vậy, trong thời gian tới, để tiếp tục xây dựng XHHT, các cấp, ngành, các địa phương cần tiếp tục xây dựng, giữ gìn phát huy sức mạnh văn hoá gia đình, văn hoá giáo dục, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước. Từ đó, góp phần phát triển nguồn lực cho quốc gia.
Đồng thời cần tăng cường xây dựng XHHT, học tập suốt đời, tạo điều kiện cho mọi người, mọi gia đình, dòng họ được tham gia học tập một cách bình đẳng, đầy đủ. Cùng với đó, cần phát huy giá trị văn hoá gia đình, dòng họ, văn hoá giáo dục để gắn kết gia đình nhà trường và xã hội.
Xây dựng văn hoá của gia đình, văn hoá dòng học trong thời đại 4.0 cần dựa trên việc xây dựng các tiêu chí mô hình văn hoá để xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, mỗi người dân cần quán triệt quan điểm, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các chủ trương về công tác xây dựng văn hoá gia đình, văn hoá dòng họ, xây dựng XHHT; và cần coi đây là nhiệm vụ thường xuyên trong công tác gia đình, dòng họ...
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo (Ảnh chụp màn hình).
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, tập trung làm rõ một số vấn đề trọng tâm như: Vai trò của gia đình, dòng họ trong công tác KHKT, xây dựng XHHT; mối quan hệ giữa gia đình văn hóa với gia đình học tập; mối quan hệ giữa phát triển văn hoá, giáo dục trong thời kỳ mới; kiến nghị các cấp cần quan tâm đến văn hoá giáo dục, văn hoá gia đình trong sự phát triển của dân tộc...