(Thanhhoa.dcs.vn): Nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội đối với ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, bài bản, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội, nhất là thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về tín dụng chính sách xã hội; đồng thời, yêu cầu các địa phương, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn để xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện... Đặc biệt, nhằm thực hiện chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội”, cùng với nguồn vốn của Trung ương chuyển về, Tỉnh đã chỉ đạo huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của các đối tượng đủ điều kiện và có nhu cầu. Hàng năm, UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đều dành một phần vốn ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn. Lũy kế từ năm 2014 đến hết tháng 6/2023, ngân sách tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố, cùng với các nguồn hợp pháp khác ủy thác sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và phòng giao dịch chính sách xã hội huyện đạt trên 502 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh đạt gần 337 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách cấp huyện 164,5 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn của các chủ đầu tư khác.
Các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo điều tra, rà soát, xác định, bổ sung đối tượng vay vốn tín dụng chính sách xã hội theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; gắn kết các chương trình tín dụng chính sách xã hội với hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ, các chương trình khuyến nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, đào tạo nghề, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
Năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh được nâng lên; thực hiện chủ trương thí điểm bổ sung chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách cấp huyện theo chỉ đạo của Chính phủ (Thanh Hóa cùng với Bắc Giang và Long An, là 03 tỉnh thực hiện thí điểm), nhiều chủ trương về tín dụng chính sách, những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện đã được chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp chỉ đạo giải quyết kịp thời, chất lượng tín dụng chính sách được nâng lên, nợ quá hạn giảm rõ rệt. Đến nay, nợ quá hạn của Ngân hàng Chính sách xã hội là 9,7 tỷ đồng; tỷ lệ nợ quá hạn toàn tỉnh giảm từ 0,33% cuối năm 2014 xuống còn 0,07% tổng dư nợ đến hết tháng 6/2023. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với các đoàn thể chính trị - xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, giúp cho tín dụng chính sách xã hội đến với người dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Có thể khẳng định, việc tổ chức thực hiện các chính sách tín dụng xã hội đã cơ bản khắc phục tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm, góp phần ngăn chặn "tín dụng đen" ở khu vực nông thôn, nâng cao đời sống vật chất của Nhân dân, ổn định trật tự an toàn xã hội. Tính đến ngày 30/6/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt 13.010 tỷ đồng, tăng 6.018 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2014 (thời điểm ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW); tổng số tiền đã giải ngân đạt 29.616 tỷ đồng cho gần 851 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, xã đang thực hiện xây dựng nông thôn mới..., giúp gần 300 nghìn hộ gia đình thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 52 nghìn lao động; giúp hơn 4.700 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động theo hợp đồng; gần 28.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 257.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 11.600 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; xây dựng hơn 1.500 căn nhà ở xã hội... Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng vào giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh (tỷ lệ hộ nghèo trong giai đoạn 2011 - 2015 giảm từ 20,37% xuống 13,51%; giai đoạn 2016 - 2020 giảm từ 10,97% xuống 2,2%; giai đoạn 2021 - 2022 giảm từ 6,74% xuống còn 4,99%, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều).
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế, đó là: Nguồn vốn ủy thác từ nguồn ngân sách tỉnh và ngân sách cấp huyện mới chỉ chiếm 3,5% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách do Ngân hàng CSXH tỉnh đang quản lý. Một số cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác tín dụng chính sách xã hội, chưa đưa việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội vào chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên của cấp ủy, chính quyền. Công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề với hoạt động tín dụng chính sách xã hội chưa thật sự gắn kết, hiệu quả, đồng bộ. Công tác kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại một số địa phương, đơn vị chưa thường xuyên, liên tục, hiệu quả chưa cao. Nhu cầu về vốn tín dụng chính sách xã hội còn tương đối lớn, trong khi nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang còn hạn chế…
Để chủ trương về tín dụng chính sách xã hội ngày càng phát huy hiệu quả; trong thời gian tới, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện đồng bộ, sáng tạo, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội; trọng tâm là Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ. Yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị phải xác định hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch, hoạt động thường xuyên của địa phương, đơn vị, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và cải thiện đời sống nhân dân.
Thứ hai, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn; hàng năm ưu tiên cân đối, bố trí nguồn ngân sách của địa phương chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách; đồng thời xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, nhất là chương trình giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới, các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn,…
Thứ ba, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội đối với tín dụng chính sách; làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn vay vốn, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách thuận tiện trong việc vay vốn ưu đãi và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả; đồng thời đẩy mạnh Cuộc vận động vì người nghèo để huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân bổ sung nguồn vốn tín dụng.
Thứ tư, tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng giao dịch, hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, đảm bảo đúng đối tượng được vay vốn và người vay sử dụng vốn có hiệu quả; thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn vay...